Phát huy giá trị cũ để xây dựng cuộc sống mới ở vùng dân tộc thiểu số Kon Tum
VOV.VN - Với quyết tâm đánh thức tiềm năng, lợi thế để phát triển, tỉnh Kon Tum đã từng bước hình thành được các sản phẩm du lịch, tiêu dùng từ các giá trị văn hoá truyền thống giúp người dân tăng thu nhập từng bước nâng cao đời sống.
Tết thường là dịp thời tiết ở thị trấn Măng Đen, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum lạnh nhất trong năm. Có năm nhiệt độ giảm sâu lại có mưa phùn, đến các thôn làng của bà con Xơ Đăng dịp này nhà nhà đóng cửa, các thành viên trong gia đình quây quần sưởi lửa và uống rượu. Lao động sản xuất hầu như tạm dừng lại. Đó là trước kia, Tết ở Măng Đen bây giờ đã rất khác. Vừa chào hỏi, hướng dẫn nhóm du khách đến homestay của gia đình, anh A Dương, làng Kon Pring, thị trấn Măng Đen, huyện Kon Plông, cho biết Tết này nhà mình vẫn đón khách du lịch bình thường.
Khách du lịch rất thích đến làng để tìm hiểu về cuộc sống của bà con Xơ Đăng mình, thích tìm hiểu về Nhà Rông, cồng chiêng- xoang. Công việc mới giúp gia đình có thu nhập, vui hơn, suy nghĩ tích cực hơn, chăm chỉ làm việc hơn.
“Tôi nghĩ mình phải phát huy được lợi thế của gia đình, của nơi mình ở để phát triển kinh tế gia đình. Bàn đi tính lại mình và gia đình quyết định làm homestay đón khách du lịch. Cách đây 3 năm mình bắt đầu thực hiện ý định ấy. Đến dịp 30/4/2023 mình khai trương mở cửa đón khách du lịch đến luu trú. Với 9 phòng kinh doanh mình cũng có thu nhập để trang trải cuộc sống gia đình, nuôi con cái học hành đầy đủ. Mình cũng đi học hỏi cách làm du lịch ở một số nơi để phục vụ du khách tốt hơn. Như dịp Tết này mình có chuẩn bị những món ăn truyền thống của người Xơ Đăng mình để giới thiệu với khách đấy”, anh A Dương nói.
Dù đang còn là huyện thuộc diện đặc biệt khó khăn của tỉnh Kon Tum, song những năm gần đây nhờ khai thác được cảnh quan thiên nhiên, bản sắc văn hoá độc đáo của các dân tộc thiểu số tại chỗ, như Xơ Đăng, Hrê…để phát triển du lịch nên công việc, cuộc sống, tư duy trong lao động sản xuất của người dân có nhiều thay đổi tích cực.
Cách đây chưa lâu, không ai nghĩ làng Vi Rơ Ngheo, xã Đăk Tăng rất xa trung tâm huyện, hay làng Kon Vơng Kia, Kon Pring, thị trấn Măng Đen lại thành điểm đến của khách du lịch. Đón xu hướng chọn xê dịch trải nghiệm những vùng đất mới dịp Tết thay vì ở nhà vui Tết truyền thống, chính quyền huyện Kon Plông và người dân đã tổ chức nhiều hoạt động đón Xuân, vui Tết. Ngay trước Tết năm nay huyện tổ chức Chợ phiên Măng Đen giới thiệu nhiều đặc sản của địa phương khiến du khách rất ngỡ ngàng và thích thú.
Chị Nguyễn thị Bích Ngọc, du khách đến từ thành phố Hồ Chí Minh trải nghiệm và mua sắm tại Chợ phiên, nói thế này: “Sau khi mà em đi dạo một vòng thì ở đây có một số đặc sản giống như là tinh dầu. Tinh dầu ở đây mọi người đều là tự làm thủ công bằng tay toàn bộ luôn. Đó là một cái em nghĩ mình nên thử để mua. Mùi hương của nó đặc trưng khá là rõ rệt. Ngoài ra thì có một số sản phẩm như là dệt thủ công, sản phẩm thủ công. Em đi cũng nhiều nơi theo em đánh giá một nét rất là riêng của khu trên này”.
Với quyết tâm phát huy được tiềm năng văn hoá của 7 dân tộc tại chỗ, gồm: Xơ Đăng, Gié- Triêng, Ba Na, Gia Rai, Brâu, Rơ Măm và Hrê để phát triển du lịch, đến nay tỉnh Kon Tum đã hình thành được nhiều điểm đến thú vị ở vùng nông thôn, như làng Đăk Răng của người Gié - Triêng ở xã Đăk Dục, huyện Ngọc Hồi; làng Kon Trang Long Loi của người Ba Na, xã Đăk Mar, huyện Đăk Hà; làng Vi Rơ Ngheo của người Xơ Đăng ở xã Đăk Tăng, huyện Kon Plông…
Sau gần một tuần đến Kon Tum trải nghiệm văn hoá của người dân bản địa, chị Nguyễn Nữ Trà My, một du khách có đam mê trải nghiệm, khám phá nét đẹp văn hoá đồng bào các dân tộc thiểu số của tỉnh Kon Tum, cho biết cảm nhận của mình: “Mình đến đây và rất là tự hào vì truyền thống văn hoá của đồng bào dân tộc của mình cực kỳ đậm đà bản sắc dân tộc. Cái nữa là được những người dân ở Kon Tum tiếp đón rất nồng nhiệt, dễ thương, rất là nhiệt tình và những hành xử của người dân tuyệt vời và thân thiện”.
Để có thêm sản phẩm du lịch mời gọi và níu chân du khách ở khu vực nông thôn, tỉnh Kon Tum đang tích cực hình thành thêm nhiều điểm đến cũng như những sản phẩm tiêu dùng đặc trưng đậm văn hoá bản địa. Đến nay từ Chương trình mỗi xã một sản phẩm, tỉnh Kon Tum đã hình thành được 186 sản phẩm OCOP, trong đó có 1 sản phẩm 5 sao và 6 sản phẩm đạt tiềm năng 5 sao. Trong hành trình khám phá, trải nghiệm của mình, rừng tự nhiên ở Đăk Glei, Sa Thầy; sâm Ngọc Linh, hồ, thác ở Tu Mơ Rông, Kon Plông… hay các sản phẩm chế biến từ sâm Ngọc Linh cùng nhiều loại dược liệu khác ở Kon Tum cũng đang có sức mời gọi rất lớn với du khách.
Ông Phan Thanh Hoàng, Phó Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Kon Tum khẳng định: “Văn hoá truyền thống là hồn cốt của dân tộc và vừa là mục tiêu, vừa là động lực cho sự phát triển bền vững. Việc giữ gìn, phát huy các giá trị văn hoá cần phải được lan toả trong các hoạt động hàng ngày. Qua đó để xây dựng văn hoá cũng như là phục vụ cho việc phát triển về du lịch. Để mà thu hút lượng khách đến với Kon Tum thì cũng cần phải tận dụng và phát huy mọi lợi thế. Các sản phẩm du lịch cần phải đa dạng. Có nhiều phương thức quảng bá, giới thiệu để mà quê hương, đất nước ngày càng phát triển”.
Từ việc phát huy những giá trị cũ về cảnh quan tự nhiên, văn hoá và con người, cuộc sống của người dân nhiều vùng quê ở tỉnh Kon Tum đang từng ngày có những đổi thay tích cực. Ngay trong những ngày Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, có rất nhiều đoàn du khách hướng điểm đến của mình tới những vùng sâu, vùng xa của tỉnh Kon Tum. Từ những tín hiệu tích cực, như năm 2023 huyện vùng sâu đặc biệt khó khăn Tu Mơ Rông đón 10.000 lượt khách du lịch; huyện Kon Plông với Khu du lịch sinh thái quốc gia Măng Đen đón 1 triệu lượt khách du lịch… Với tiềm năng đã được đánh thức đang ngày càng củng cố thêm niềm tin về một hướng phát triển mới, bền vững của tỉnh Kon Tum.