Phát huy hiệu quả mô hình kinh tế hộ gia đình nơi biên giới
VOV.VN - Thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia, các Đồn Biên phòng trên tuyến biên giới ở tỉnh Quảng Nam đã tập trung hỗ trợ, hướng dẫn người dân phát triển kinh tế hộ gia đình, giúp nhiều hộ đồng bào ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo.
Trước đây, chị A Lăng Thị Hề, ở thôn Đắc Ốc, xã La Dêê, huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam thuộc hộ nghèo, chồng ốm đau triền miên không làm được việc nặng. Mọi công việc trong gia đình và chăm lo 2 con nhỏ đều do chị A Lăng Thị Hề gánh vác. Năm ngoái, chị được Đồn Biên phòng cửa khẩu Nam Giang hỗ trợ cây giống và bày cách làm lúa nước.
Hiện, gia đình chị Hề đã trồng được 4 sào lúa nước, mỗi năm 2 vụ, năng suất tăng gấp nhiều lần so với làm rẫy. Chị A Lăng Thị Hề cho biết, ngoài hướng dẫn cách làm ăn, Bộ đội Biên phòng còn trao tặng 50 triệu đồng và đóng góp ngày công giúp vợ chồng chị dựng lại ngôi nhà mới.
“Bộ đội biên phòng đã hướng dẫn chúng tôi cách làm ăn, trồng trọt, chăn nuôi bò, làm lúa nước nên cuộc sống đỡ hơn nhiều, bữa nay cũng ổn định rồi. Mỗi năm, chúng tôi trồng lúa nước 2 vụ. Ngoài ra, Bộ đội biên phòng còn khám bệnh cho nhân dân và chúng tôi rất cảm kích khi được các anh quan tâm”, chị Hề chia sẻ.
Đồn Biên phòng Cửa khẩu Nam Giang đóng quân trên địa bàn xã La Dêê phụ trách 2 xã biên giới của huyện Nam Giang là La Dêê và Đắc Tôi. Trước đây, đồng bào nơi biên giới làm ăn theo kiểu tự cung tự cấp, không dám vay vốn để phát triển sản xuất.
Đồn Biên phòng đã phối hợp với địa phương và phân công cán bộ về từng hộ gia đình nghèo hướng dẫn bà con vay vốn phát triển kinh tế, tăng thu nhập cho gia đình. Có vốn, nhiều hộ làm ăn có hiệu quả như nuôi bò, nuôi dê, đào ao thả cá, mua máy xay xát vượt khó làm giàu.
Đại úy Nguyễn Minh Vương, Chính trị viên phó, Đồn Biên phòng Cửa khẩu Nam Giang, tỉnh Quảng Nam cho biết, đơn vị đã vận động một số hộ đảng viên đi trước làm gương, sau đó nhân rộng ra các hộ khác: “Việc giúp dân đối với Bộ đội Biên phòng là việc làm thường xuyên. Hiện nay, đã áp dụng trên 2 xã, cơ bản bây giờ bà con bỏ lúa rẫy chuyển qua làm lúa nước vì năng suất hiệu quả hơn. Đơn vị cũng tích cực vận động, tuyên truyền, hỗ trợ con giống, cây giống để cho bà con chăn nuôi. Những việc làm giúp đỡ của Bộ đội Biên phòng đã làm cho cuộc sống và thu nhập kinh tế của bà con cải thiện nâng lên”.
Nhiều năm trước đây, đời sống của đồng bào các dân tộc Tà Riềng, Giẻ Triêng và Cơ Tu ở miền núi tỉnh Quảng Nam còn phụ thuộc vào nương rẫy. Tình trạng thiếu lương thực diễn ra nhiều tháng trong năm, người dân chỉ biết trông chờ gạo cứu trợ của Nhà nước.
Từ ngày Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Nam phối hợp với các cấp chính quyền địa phương triển khai các dự án trồng lúa nước, hướng dẫn nhân dân chuyển đổi sản xuất, bà con từng bước tự chủ được nguồn lương thực. Ngoài ra, Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Nam còn hỗ trợ bà con hơn 1.000 bò giống, dê con, heo đen, hướng dẫn thực hiện mô hình trồng sâm xen canh bắp nếp tại các xã biên giới… nhiều hộ nghèo được giúp kinh phí làm nhà mới.
Đại tá Hoàng Văn Mẫn, Chính uỷ, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Nam cho biết, đơn vị triển khai có hiệu quả các chương trình an sinh xã hội, giúp đồng bào khu vực biên giới xóa đói giảm nghèo như “Đồng hành với phụ nữ biên cương”, “Mái ấm tình thương”, “Hũ gạo tình thương”, “Bát cháo nhân ái”, “Con nuôi biên phòng”…
“Ngoài nhiệm vụ quản lý vững chắc chủ quyền an ninh biên giới, Bộ đội Biên phòng thực hiện rất tốt tham gia phát triển kinh tế ở địa bàn biên giới, biển đảo. Đặc biệt, chúng tôi có rất nhiều mô hình, chương trình việc làm ý nghĩa, hiệu quả giúp dân. Cử cán bộ Biên phòng tăng cường chức phó Bí Thư Đảng uỷ các xã biên giới. Đặc biệt quan tâm đến đời sống của nhân dân, huy động kêu gọi các Cơ quan, đơn vị chung tay với Bộ đội Biên phòng làm cầu, làm đường, làm nhà giúp dân, đặc biệt các mô hình phát triển kinh tế hộ gia đình, con giống vật nuôi, cây trồng, giúp bà con từng bước xoá đói giảm nghèo vươn lên trong cuộc sống”, Đại tá Hoàng Văn Mẫn nói./.