Phát thanh Công an Nhân dân: 50 năm ấy biết bao nhiêu tình
VOV.VN - Chương trình đã góp phần thắt chặt mối quan hệ gắn bó máu thịt giữa Công an với nhân dân, làm cho dân hiểu, tin yêu Công an…
Trải suốt hành trình 50 năm, gắn bó cùng tiến trình phát triển của đất nước, của ngành Công an, năm 2015, Phát thanh Vì an ninh Tổ quốc (VANTQ) nay đổi tên thành Phát thanh Công an Nhân dân (CAND) đang bước vào độ tuổi sung sức, tràn đầy nhiệt huyết. Với thời lượng phát sóng 60 phút một ngày bắt đầu lúc 20 h các buổi tối trong tuần và phát mới vào 10h30' các buổi sáng trong tuần trừ chủ nhật hệ VOV1 (hệ Thời sự, chính trị tổng hợp), Phát thanh CAND làm phong phú, đa dạng và chất lượng thêm vào "thực đơn" của các chương trình phát thanh trên làn sóng của Đài TNVN.
Những người lính Công an làm “báo nói”, bằng lòng say nghề, và trái tim đầy nhiệt huyết, qua nhiều năm tháng, Phát thanh VANTQ đã tạo dựng dấu ấn riêng, đầy bản sắc của mình trong làng báo, vừa đáp ứng kịp thời các nhiệm vụ chính trị mà Đảng, Nhà nước và ngành Công an giao phó, vừa được nhân dân nồng nhiệt đón đợi, hưởng ứng.
Các phóng viên, biên tập viên phát thanh Công an nhân dân trong một chương trình trực tiếp |
Ông Trần Liêu, nguyên Tổng biên tập báo CAND, người đặt nền móng cho sự phát triển của Phát thanh VANTQ. Bước sang tuổi 84, nhà báo Trần Liêu vẫn còn khoẻ và đủ minh mẫn để có thể lục tìm trong trí nhớ của mình những câu chuyện cụ thể. Cuộc gặp gỡ ngắn ngủi với ông đủ để lý giải được một điều quan trọng hơn. Là làm thế nào mà 50 về năm trước, Ông cùng với những đồng nghiệp có thể gây dựng được một chương trình phát thanh chuyên biệt của lực lượng Công an và phát đi tiếng nói đầu tiên chỉ sau vẻn vẹn ít ngày với hầu như không có gì trong tay ngoài vài lời dặn dò của Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn lúc bấy giờ.
Ngay từ những ngày đầu, các thế hệ cán bộ, phóng viên, biên tập viên của phát thanh "Vì an ninh Tổ quốc" đã không quản ngại khó khăn, gian khổ, vượt qua mọi thử thách, luôn có mặt trên khắp mọi miền Tổ quốc để phản ánh, thông tin kịp thời về những thành tích, chiến công, những cuộc chiến đấu thầm lặng của lực lượng CAND để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ chính quyền cách mạng, bảo vệ cuộc sống bình yên và hạnh phúc cho nhân dân. Nhận lệnh, với biên chế ít ỏi, chỉ 5 người, nhưng các phóng viên của chương trình Phát thanh VANTQ đều sẵn sàng đối diện với khó khăn, nguy hiểm, có mặt kịp thời ở mọi nơi, từ miền biên heo hút Tây Bắc, đến vùng đất lửa Vĩnh Linh, Quảng Bình..., để ngày nào, trên làn sóng phát thanh cũng có những bài viết chân thực về cuộc sống, chiến đấu của cán bộ, chiến sĩ Công an và nhân dân ta chống trả máy bay Mỹ, bảo vệ tài sản, hàng hóa chi viện cho chiến trường miền Nam làm nức lòng mọi người. Cũng từ những trang viết đi từ lòng căm thù sâu sắc ấy, mà tội ác của kẻ thù được phơi bày, lòng yêu nước được khơi dậy mạnh mẽ. Mỗi dòng chữ mang âm hưởng sôi động của cuộc sống thời chiến đều nhuốm mồ hôi của các phóng viên qua mỗi chuyến hành quân giữa bom rơi, đạn lửa…
Các biên tập viên, phóng viên Công an nhân dân và khách mời |
Những người làm báo lúc bấy giờ sẵn sàng lao vào những “điểm nóng” để tác nghiệp... Không khó để nhận ra điều đó khi đọc những bài viết gửi về từ “túi bom” ngã ba Đồng Lộc viết về gương hy sinh anh dũng của mười cô gái thanh niên xung phong. Dưới làn bom dày đặc của giặc Mỹ , trong lòng địa đạo Vĩnh Linh, những trang viết còn khét mùi thuốc súng được gửi ra Bắc kịp thời phản ánh cuộc chiến đấu của quân và dân Vĩnh Linh nơi địa đầu giới tuyến, đặc biệt là cuộc chiến đấu của các chiến sĩ công an vũ trang hiên ngang bất khuất bảo vệ lá cờ của Tổ quốc bên này giới tuyến cầu Hiền Lương để cho ra đời tác phẩm “Một ngày 4 lần thay cờ dưới bom đạn địch” của Nhà báo Nghi Xuyên. Rồi khi Địch tiến hành chiến tranh phá hoại miền Bắc, Nghi Xuyên cũng có mặt ở những nơi nóng bỏng nhất như Quảng Ninh để viết “Sóng Hạ Long”, “Vùng máu”, đến hiện trường vụ cháy kho xăng Đức Giang, rồi những trận bom oanh tạc dã man của kẻ thù ở Hải Phòng, Việt Trì… Cùng Nghi Xuyên, các phóng viên Phạm Tạ, Đào Quang Thép, Dương Hữu Chỉnh, Thành Viên, Hoàng Đức Quản, Như Thìn…, thay nhau bám sát các trận địa phòng không, những trọng điểm đánh phá dữ dội của máy bay Mỹ, để kịp thời gửi tới thính giả những thông tin nóng hổi về cuộc chiến đấu đang vào hồi gay cấn, ác liệt...
Chập chững những năm tháng đầu tiên ấy, Phát thanh VANTQ đã gây dựng được nhiều chuyên mục độc đáo, bám sát hoạt động của ngành Công an như: "Chiến sỹ an ninh kể chuyện", "Lũy thép biên phòng", "Nói chuyện pháp luật", "Người tốt việc tốt"… Đặc biệt, là tiết mục "Kể chuyện cảnh giác", nay đổi tên thành "Câu chuyện cảnh giác truyền thanh" đã là "đặc sản", là chuyên mục thu hút lượng người nghe vào hàng đầu của cả hệ thống phát thanh trên làn sóng Đài TNVN lúc bấy giờ.
Trò chuyện cùng chúng tôi, Ông Nghi Xuyên kể lại kỷ niệm vui trong đời mà ông không thể nào quên : ấy là khi dàn dựng xong chương trình “ Kể chuyện Cảnh giác “ Vì không có radio để nghe , ông đi bộ để ra bờ Hồ nghe Đài công cộng .......Kiếm một chỗ ngồi lặng thinh cùng thính giả. Câu chuyện cảnh giác bắt đầu , mọi người im lặng hồi hộp theo dõi và khi giọng ông vang lên trên làn sóng điện.. Thưa các đồng chí thưa các bạn, số phận của toán biệt kích mang mật danh Z8 thế nào, mời các bạn theo dõi tiếp vào tối thứ 7 tuần sau...Thế là đâu đó lục tung vang lên giọng mấy thanh niên văng bậy ...Mẹ nó, đang lúc gay cấn thì hết ...còn mọi người giải tán trong tiếc nuối.
Cuộc đời 42 năm trong lực lượng Công an, Nghi Xuyên gắn bó với công việc biên tập, sáng tác kịch bản tiết mục “Kể chuyện Cảnh giác “Ông đã viết gần 2000 kịch bản, hàng trăm bài báo về đề tài an ninh đăng trên các báo và hàng chục vở kịch, bộ phim truyền hình, phim nhựa... Thế nhưng, một trong những điều ông tâm đắc nhất không phải là số lượng kịch bản, những tấm huy chương hay danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú mà là sự thảnh thơi, nhẹ nhõm khi Ông hoàn thành nhiệm vụ Đảng và Nhà nước giao phó bởi Ông đã đào tạo một cách xuất sắc lớp người kế nhiệm để gìn giữ “Câu chuyện Cảnh giác truyền thanh” cho đến ngày hôm nay.
Trong thời kỳ đổi mới, phát thanh VANTQ luôn phát triển không ngừng cả về đội ngũ, cơ sở vật chất, phương tiện làm việc và chất lượng công tác tuyên truyền. Không bằng lòng với chính mình, Phát thanh VANTQ luôn tìm tòi, đổi mới, mở thêm chuyên mục cho phù hợp với xu thế phát triển của đất nước, theo kịp yêu cầu, đòi hỏi của cán bộ, chiến sỹ trong ngành cũng như quảng đại quần chúng. Một trong những bước ngoặt ghi dấu sự đổi mới là Tháng 9/1999, Phát thanh VANTQ ra mắt "Tạp chí Văn hóa - Thể thao", đều đặn lên sóng vào mỗi tối chủ nhật hàng tuần, bám sát việc thực hiện Nghị quyết Trung ương V về xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiến tiến đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc . Các chuyên mục "Vì những tuyến đường bình yên", "An ninh đời sống"… đã cập nhật mọi diễn tiến tình hình an ninh trật tự, an toàn giao thông trên khắp các vùng miền của Tổ quốc.
Năm 2010,Trung tâm phát thanh, truyền hình, điện ảnh CAND được thành lập. Những Phóng viên đã không quản ngại đường xá vất vả, dấu chân các anh, các chị có mặt từ những vùng núi cao hiểm trở đến vùng hải đảo xa xôi, để ghi lại cuộc sống muôn màu trên chặng đường đổi mới của Tổ Quốc.
Một trong những điểm nhấn nằm trong chuỗi những hoạt động thiết thực kỷ niệm 70 năm ngày Truyền thống lực lượng Công an nhân dân Việt Nam (19/8/1945 - 19/8/2015) và kỷ niệm 50 năm ngày Phát thanh CAND được thành lập, Cuộc thi viết "Hình tượng người chiến sĩ công an nhân dân" do Ban Biên tập phát động, đến nay đã nhận được nhiều tin bài từ khắp mọi miền Tổ quốc.
50 năm trôi qua với biết bao kỷ niệm về sự ra đời và phát triển, Chương trình đã góp phần thắt chặt mối quan hệ gắn bó máu thịt giữa Công an với nhân dân, làm cho dân hiểu, tin yêu Công an, tích cực ủng hộ, giúp đỡ lực lượng Công an hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ và khẳng định được vị trí của mình trên sóng Đài Tiếng nói Việt Nam./.