Phát triển Chính phủ điện tử để phục vụ người dân tốt hơn

Năm 2012 tiếp tục đánh dấu sự phát triển ứng dụng công nghệ thông tin vào các hoạt động hành chính cũng như xây dựng Chính phủ điện tử tại Việt Nam

Những năm gần đây, Việt Nam liên tục có bước tiến đánh dấu sự phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin vào các hoạt động hành chính. Hiện đã có 96,6% các Bộ, ngành có website riêng, tất cả 63 tỉnh, thành phố có cổng thông tin điện tử, 83,6% các thông tin chỉ đạo ban hành được đưa lên mạng.

Tuy nhiên, để việc ứng dụng Chính phủ điện tử có thể phục vụ người dân tốt hơn thì thời gian tới, các cơ quan chức năng cần phải ứng dụng công nghệ thông tin mạnh mẽ hơn trong điều hành để hướng tới nền hành chính phục vụ thật sự.

Năm 2012 tiếp tục đánh dấu sự phát triển ứng dụng công nghệ thông tin vào các hoạt động hành chính cũng như xây dựng Chính phủ điện tử tại Việt Nam. Báo cáo xếp hạng mới nhất của Liên Hiệp Quốc về Chính phủ điện tử thể hiện sự cải thiện thứ bậc của Việt Nam khi từ vị trí thứ 90 năm 2010 lên vị trí thứ 83 trong năm 2012, đứng thứ 4 trong khu vực Đông Nam Á, sau Singapore, Malaysia và Brunei. Phần lớn các chỉ số đánh giá Việt Nam đều đạt cao hơn so với mức trung bình của thế giới cũng như trong khu vực, nổi bật là chỉ số về cơ sở hạ tầng, nguồn lực con người hay chỉ số Chính phủ điện tử.

Ông Nguyễn Thành Phúc – Cục trưởng Cục ứng dụng Công nghệ thông tin (Bộ Thông tin-Truyền thông cho biết: “Thời gian qua, công tác ứng dụng công nghệ thông tin của Việt Nam tiếp tục được triển khai mạnh góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan Nhà nước cũng như phục vụ người dân và doanh nghiệp tốt hơn. Việc cung cấp thông tin trên website và trên cổng thông tin điện tử của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, UBND tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương đã ngày càng cung cấp đầy đủ và kịp thời các thông tin chủ yếu. Về cung cấp dịch vụ công trực tuyến so với năm trước các cơ quan Nhà nước vẫn tiếp tục duy trì và cung cấp nhiều thông tin hữu ích”.

Đánh giá cao những kết quả đạt được trong hoạt động cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho người dân của các cơ quan Nhà nước trong thời gian qua, nhưng ông Lê Thanh Tâm – Tổng giám đốc Tập đoàn dữ liệu quốc tế IDG lại cho rằng: Hiện nay, mức độ cung cấp dịch vụ công cho người dân đa phần chỉ có tính 1 chiều, cơ quan Nhà nước công bố biểu mẫu, thông tin, sau đó người dân tải về điền dữ liệu rồi vẫn phải đến cơ quan nộp hồ sơ. Hiện mới chỉ có 5% người dân giao tiếp 2 chiều các dịch vụ công, tức vừa gửi và nhận hồ sơ trực tuyến. Chính vì vậy, các cơ quan chức năng phải tăng cường tuyên truyền để người dân tham gia 2 chiều để hướng tới nền hành chính phục vụ không giấy tờ, tiết kiệm thời gian, chi phí hành chính cho người dân. Ông Lê Thanh Tâm nêu rõ: “Nếu chúng ta muốn phát triển Chính phủ điện tử không cách nào khác chúng ta phải phát triển tạo điều kiện người dân tác nghiệp đưa thông tin tuyên truyền để giúp người dân tham gia 2 chiều nhiều thì tốt hơn. Muốn như vậy Việt Nam cần phải cải thiện rất nhiều mức độ chỉ số tham gia của người dân, đồng thời không chỉ đưa công cụ đưa thông tin mà phải tuyên truyền và giúp cho người dân kết nối được với In tơ nét từ trường học cho đến các thể chế khác trong xã hội”.

Ông Đinh Duy Hòa, Vụ trưởng Vụ Cải cách Hành chính (Bộ Nội vụ) khẳng định: Yếu tố then chốt để cải cách thủ tục hành chính là hiện đại hóa thủ tục thông qua việc ứng dụng công nghệ thông tin và phát triển Chính phủ điện tử. Trọng tâm của công cuộc cải cách sẽ phải tập trung vào ba lĩnh vực chính là thể chế, con người và chất lượng dịch vụ công.

Còn ông Đinh Duy Hòa phân tích: “Nếu con người trong bộ máy của chúng ta không được chú ý cải cách tương ứng thì phần lớn những kết quả đã đạt được ở mảng cải cách thể chế, tổ chức bộ máy, thủ tục hành chính… sẽ không mang lại tác động kết quả thực sự. Bởi vì chính đội ngũ công chức, viên chức chúng ta là người vận hành là người thực thi và đặc biệt là đội ngũ trực tiếp liên hệ làm việc với dân và tổ chức. Đặc biệt một trong những yếu tố đảm bảo thành công trong xây dựng Chính phủ điện tử đó là sự phối hợp trong chỉ đạo triển khai các chương trình này ở cấp trung ương”.

Phương châm lấy người dân làm trung tâm, phục vụ người dân và doanh nghiệp là mục tiêu và động lực trong cải cách, phát triển hạ tầng công nghệ thông tin, góp phần thúc đẩy kinh tế-xã hội. Tuy nhiên, có một thực tế đã được nhiều chuyên gia cảnh báo: Chính phủ điện tử không phải là cuộc chạy đua trang bị hạ tầng truyền thông, cũng không phải là việc cán bộ công chức tỉnh có bao nhiêu hòm thư điện tử, bao nhiêu cổng thông tin được xây dựng mà điều mấu chốt nhất chính là hiệu quả đầu tư, hiệu quả ứng dụng công nghệ thông tin đem lại thông qua mức độ hài lòng của người dân về những dịch vụ công họ được thụ hưởng.

Hiện Chính phủ đã đưa ra các mục tiêu cho giai đoạn sắp tới về Chính phủ điện tử, trong đó hướng tới bảo đảm hạ tầng kỹ thuật phục vụ ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động cơ quan nhà nước trên quy mô quốc gia, xây dựng hệ thống thông tin quốc gia, cung cấp dịch vụ để phục vụ cho người dân và doanh nghiệp một cách tốt hơn và minh bạch hơn./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên