Phát triển đô thị vùng ĐBSCL theo hướng kinh tế xanh
VOV.VN -Tuy nhiên, việc phát triển đô thị của vùng cần đáp ứng các định hướng, tầm nhìn mới sao cho phù hợp, bền vững cho tương lai
Ngày 25/11, tại Vĩnh Long, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ phối hợp với Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức “Hội thảo liên kết phát triển đô thị vùng Đồng bằng sông Cửu Long theo hướng kinh tế xanh”.
Hội thảo lần này tập trung vào hai chủ đề chính là liên kết phát triển đô thị vùng ĐBSCL và bảo vệ môi trường đảm bảo phát triển đô thị bền vững, tăng trưởng kinh tế xanh. Đồng thời, tạo cơ hội, điều kiện cho các nhà khoa học, quản lý và doanh nghiệp gặp gỡ trao đổi các vấn đề liên quan đến phát triển bền vững.
Các ý kiến của đại biểu cho rằng, hiện nay, toàn vùng ĐBSCL có gần 160 đô thị được phân bố theo các hành lang dọc hệ thống sông chính và các trục giao thông quan trọng của vùng nhưng liên kết giữa các đô thị trong toàn vùng chưa đồng đều. Việc liên kết này mới chỉ thể hiện thông qua quy hoạch. Chính vì vậy, công tác phát triển đô thị của vùng cần đáp ứng các định hướng, tầm nhìn mới sao cho phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế xanh, bền vững trong tương lai.
Toàn vùng ĐBSCL có gần 160 đô thị được phân bố theo các hành lang dọc hệ thống sông chính và các trục giao thông quan trọng của vùng - Ảnh minh họa (Vân Anh) |
Bên cạnh đó, một số ý kiến tại hội thảo cũng chỉ rõ phát triển đô thị cần chú trọng việc nâng cao chất lượng, điều kiện sống cho người dân; khai thác đặc trưng văn hóa, lối sống để tạo dựng những mô hình đô thị đặc thù của khu vực. Vì vậy, việc xây dựng định hướng phát triển kinh tế xanh là cách để đạt được mục tiêu tăng trưởng, phát triển kinh tế bền vững; bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học; khai thác và sử dụng có hiệu quả tài nguyên thiên nhiên là mục tiêu mà ĐBSCL cần hướng đến hiện nay.
Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị, cần chú trọng nâng cao năng lực và chất lượng đội ngũ nguồn nhân lực xây dựng và phát triển đô thị đi đôi với cải cách hành chính nhằm giải phóng các tiềm năng của đô thị theo hướng kinh tế xanh.