Phát triển giáo dục xứng với Thủ đô
(VOV) - Các đại biểu Quốc hội cơ bản nhất trí với chính sách phát triển một số cơ sở giáo dục chất lượng cao ở Thủ đô Hà Nội.
Nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội cho rằng, việc thông qua được Luật Thủ đô có ý nghĩa quan trọng. Về các phương án còn có ý kiến khác nhau, Ủy ban thường vụ Quốc hội nên lấy ý kiến thăm dò sau đó đưa ra phương án có số đông đại biểu ủng hộ để biểu quyết.
Thảo luận ở tổ về dự thảo Luật Thủ đô, các ý kiến đại biểu đều cho rằng cần thiết phải nâng Pháp lệnh Thủ đô lên thành Luật để tạo cho Hà Nội điều kiện phát triển tương xứng với vị thế Thủ đô tiêu biểu cho cả nước, với vị trí, tiềm năng và lịch sử nghìn năm văn hiến.
Các đại biểu cũng đánh giá cao sự tiếp thu chỉnh lý của ban soạn thảo; cho rằng dự thảo Luật trình Quốc hội lần này đầy đủ hơn, cụ thể và rõ ràng hơn.
Ngoài việc thống nhất ý kiến chọn Khuê Văn Các là biểu tượng cho Thủ đô, mức xử phạt vi phạm hành chính, nhiều ý kiến vẫn còn băn khoăn về quy định liên quan đến quản lý dân cư, giáo dục đào tạo, cơ chế tài chính…
Về giáo dục chất lượng cao ở Thủ đô, đại biểu Đào Trọng Thi (đoàn Hà Nội) hoàn toàn nhất trí nhưng đề nghị cần đảm bảo đủ các trường đại trà để đáp ứng yêu cầu của người dân. Có như vậy mới bảo đảm được nguyên tắc tự nguyện khi phụ huynh chọn trường cho con em mình theo học.
Cũng theo đại biểu, chất lượng cao phải đồng bộ trong một cơ sở, độc lập với cơ sở chất lượng đại tra, không nên chất lượng cao một phần. Ngoài ra, theo đại biểu, chất lượng cao cần phân ra các mức khác nhau, “nếu chỉ có cao ngất ngưởng với đại trà sẽ tạo cách biệt rất lớn”.
Đại biểu cũng cho rằng, mức học phí cũng phải có sự khác nhau tương ứng với các cơ sở giáo dục, nếu không sẽ khó tránh tình trạng xếp hàng cả đêm, xô đổ cổng trường để tìm trường cho con, vì chả ai dại gì học trường chất lượng thấp hơn khi mức đóng góp như nhau.
Là người đang làm công tác quản lý giáo dục, Đại biểu Phạm Thị Hồng Nga nêu thực tế, ngành giáo dục đào tạo của Hà Nội đang phải chịu áp lực rất lớn khi áp lực dân cư tăng.
Đại biểu Phạm Thị Hồng Nga cho biết, ở Hà Nội, mỗi năm tăng 100.000 học sinh, và riêng năm qua tăng 38.000 trẻ mầm non. Điều đó đồng nghĩa với việc phải mở rộng, xây mới trường lớp, nhưng vướng mắc nhất chính là quỹ đất để xây trường.
“Cả hệ thống chính trị không vào cuộc thì mình Hà Nội thực hiện rất khó. Đất đâu để xây trường liên tục. Nhìn 50 em trong một lớp mầm non chật chội thấy rất tội, nhưng cơ sở đó có nỡ không nhận các em không?”, đại biểu bày tỏ.
Có kiến đại biểu cho biết, nhiều địa phương khác cũng kêu thiếu đất để xây trường chứ không riêng gì Hà Nội. Vấn đề này cần được đặt ra nghiêm túc trong công tác quản lý, bởi lẽ, những dự án khác như sân goft thì quy hoạch rất nhanh.(?!)
Ngoài ra, đại biểu cũng nêu ý kiến cho rằng tiêu chí chất lượng cao nên do Hà Nội quyết định hoặc UBND thành phố xây dựng tiêu chí sơ bộ rồi xin ý kiến bộ. Có như vậy mới đảm bảo yếu tố đặc thù.
Về những nội dung còn ý kiến khác nhau như quản lý dân cư, cơ chế tài chính, ngay trong dự thảo luật cũng thiết kế 2 phương án để đại biểu Quốc hội cho ý kiến, nhiều đại biểu cho rằng nên lấy ý kiến thăm dò sau đó đưa ra phương án có số đông ủng hộ để biểu quyết thông qua. Nhiều đại biểu nhấn mạnh, cần xác định ý nghĩa của việc phải thông qua được Luật Thủ đô./.