Phát triển hệ thống silo giảm tổn thất sau thu hoạch lúa gạo
Mục tiêu hội thảo là làm thế nào để giảm tổn thất thu hoạch tăng thu nhập cho người nông dân trồng lúa, làm giàu cho xã hội…
- Xuất khẩu gạo cần tự tin “bắt bài”, vượt qua “bóng Thái”
- Vinafood II triển khai thu mua 3,8 triệu tấn lúa
Sáng 7/3, tại thành phố Cần Thơ, Cục Trồng trọt Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, trường Đại học Nông lâm TP HCM, Trung tâm khuyến nông Quốc gia phối hợp với UBND thành phố Cần Thơ tổ chức hội thảo “Nâng cao chất lượng và hiệu quả sản xuất lúa gạo: các giải pháp sau thu hoạch”.
Theo các nhà khoa học, tổn thất sau thu hoạch lúa gạo tại ĐBSCL khá lớn, khoảng từ 10 - 13%, bình quân hàng năm thất thoát hơn 2 triệu tấn, trị giá thiệt hại trên 550 triệu USD/năm. Trong đó, cao nhất là khâu phơi sấy mất 4,2%, thu hoạch 3%, xay xát 3%, bảo quản 2,6%, vận chuyển gần 1%. Các tổn thất phụ phẩm khác của lúa gạo cũng lên đến 50%.
Mục tiêu hội thảo là làm thế nào để giảm tổn thất thu hoạch tăng thu nhập cho người nông dân trồng lúa |
Bên cạnh đó, thực tiễn sản xuất ở ĐBSCL còn gặp nhiều khó khăn từ khâu sản xuất, chế biến, xuất khẩu. Đây là những rào cản lớn cho việc áp dụng các thiết bị sau thu hoạch để đạt hiệu quả. Do vậy, để giảm tổn thất sau thu hoạch, tăng giá trị trong chuỗi sản xuất, các chuyên gia đề xuất giải pháp tập trung đầu tư phát triển hệ thống silo bảo quản, tồn trữ lúa gạo tại đồng bằng sông Cửu Long.
PGS.TS Phạm Văn Dư, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt thuộc Bộ Nông Nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết, thất thoát sau thu hoạch ở ĐBSCL rất là lớn, vì vậy trong thời gian tới mọi người cần định hình quy mô sản xuất có như thế thì mới có thể giải quyết vấn đề sau thu hoạch.
Cũng theo PGS.TS Phạm Văn Dư hiện nay, chúng ta đang định hướng theo hai hướng đó là cánh đồng mẫu lớn và hướng sản suất theo quy mô trung bình. Trong đó đi lên cánh đồng mẫu lớn chúng ta phơi sấy tồn trữ theo dạng silo, sấy theo quy mô lớn, nông dân hợp tác lại sản xuất rất tốt và doanh nghiệp hợp tác toàn diện với nông dân, hình thành các vùng nguyên liệu lớn để đưa ra các dạng lúa có chất lượng, có thương hiệu Việt Nam thì dạng đó là vấn đề giải quyết sau thu hoạch rất dễ dàng.
Cũng tại hội thảo, các đại biểu được nghe các chuyên gia trình bày tổng quan về thu hoạch, sấy, bảo quản, xay xát lúa gạo và những chính sách thu hoạch sau cho phù hợp. Mục tiêu hội thảo là làm thế nào để giảm tổn thất thu hoạch tăng thu nhập cho người nông dân trồng lúa, làm giàu cho xã hội thông qua các biện pháp xử lý sau thu hoạch. Trong thời gian hội thảo, các đại biểu đi tham quan các mô hình sản xuất tại huyện Cờ Đỏ, thành phố Cần Thơ. Hội thảo diễn ra đến hết ngày mai 8/3./.