Phép màu là nghị lực, tình yêu thương

Hoài Thương đã 14 tuổi nhưng người nhỏ như đứa trẻ lên 6 tuổi và chỉ nặng khoảng 7kg. Do di chứng chất độc màu da cam nên em bị dị tật toàn thân, không thể tự làm gì được mà chỉ nằm hoặc ngồi. Vậy mà, chỉ sau 1 năm học, bằng nghị lực của chính mình và sự yêu thương, tận tâm hết mực của cô giáo Đinh Thị Lan (Trường tiểu học Cao Xanh, TP. Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh), Thương đã đoạt được giải đặc biệt trong hội thi “Viết chữ và trình bày đẹp” cấp tỉnh và là học sinh giỏi năm học 2008-2009.

Người mẹ thứ 2!

Hoàn cảnh gia đình Thương đặc biệt khó khăn, bố mất sớm, nhà có 2 chị em, nhưng cả Thương và một người em trai đều bị tật nguyền. Mẹ em không có việc làm ổn định nên cả gia đình chỉ biết trông vào quán nước nhỏ ven đường để sinh sống. Dù đã 14 tuổi nhưng do em bị tật nguyền nặng nên nhiều năm qua mẹ không dám cho em tới trường vì sợ sự dị nghị của dư luận làm tổn thương đến tâm hồn non nớt của em. Mặt khác, mẹ cũng lo ngại em không có khả năng nhận thức để học tập. Song, em lại luôn có một khao khát cháy bỏng là được bước chân đến trường như các bạn.

 Biết hoàn cảnh gia đình em và mong muốn được cắp sách tới trường của Thương, đại diện Ban giám hiệu Trường tiểu học Cao Xanh đã đến tận nhà để động viên gia đình mạnh dạn cho em đi học. Với sự thuyết phục của nhà trường, mẹ Thương yên tâm gửi gắm em cho các cô dạy dỗ, chăm sóc. Năm học 2008 - 2009, Thương đã được cắp sách đến trường, nhưng tìm cho em lớp học nào có cô giáo thực sự yêu thương, tập thể lớp đồng cảm là trăn trở của Ban giám hiệu. Biết được điều đó, cô Lan đã tự nguyện xin trường cho Thương về lớp 3A2 do mình chủ nhiệm. “Lần đầu nhìn thấy bé Thương người nhỏ thó như đứa trẻ 6 tuổi và chỉ nặng khoảng 7kg, nhiều học sinh và giáo viên không khỏi bàng hoàng, thảng thốt và thương xót em” - cô Lan tâm sự.

Một lớp học dành cho trẻ khuyết tật

Lần đầu tiên trong lớp có một học sinh khuyết tật 14 tuổi mới đi học từ lớp 3 (là năm đầu tiên được học hòa nhập tại trường), nên cô Lan gặp không ít khó khăn. Cô Lan cho hay: “Từ khi Thương vào lớp, dường như cả tôi và các em học sinh thấy mình có trách nhiệm hơn, biết yêu thương hơn. Tôi xác định giờ đây mình không chỉ là cô giáo mà còn phải là người mẹ thứ 2 chăm sóc em ở lớp. Mỗi tiết học, tôi luôn để mắt tới em, những lúc em mỏi hay đau nhức, tôi lại giúp em đổi tư thế, thể dục tại chỗ, nắn bóp tay… sao cho em thật sự thoải mái khi học. Khi em ngồi viết, em phải tỳ cằm và toàn thân mình vào mép bàn mới viết được những nét chữ run rẩy. Nhìn em, tôi mới thấu hiểu sự khó khăn, vất cả để hoàn thành được một nét chữ bằng cánh tay trái thường xuyên bị đau của em. Tôi đã đề nghị nhà trường thiết kế một chiếc bàn phù hợp với hình thể và tư thế để em đỡ phần khó nhọc khi học”. Ngày qua ngày, cô Lan kiên trì, tỉ mỉ sửa cho Thương từng nét chữ và luôn động viên mọi sự cố gắng dù là nhỏ nhất, nhờ thế, Thương ngày càng tỏ ra thành thạo, tự tin và hoạt bát hơn.

Có công mài sắt có ngày nên kim

Trao đổi với chúng tôi, cô Lan tự hào: "Niềm say mê học tập của Thương chính là động lực lớn giúp tôi bồi dưỡng cho em học ngày càng tốt hơn. Em đã thực sự trở thành một nhân tố điển hình cho các bạn học sinh trong lớp, trong trường học tập”.

Với sự nỗ lực của Thương và sự động viên theo sát của cô Lan nên chữ viết của Thương cứ đẹp dần lên qua mỗi trang viết và kết quả thật bất ngờ: Thương đã đạt giải nhất cuộc thi viết chữ đẹp cấp trường. Ban giám hiệu nhà trường đã tiếp tục cử em đi dự thi Viết chữ đẹp cấp thành phố với mong muốn em được phát huy khả năng của mình, được giao lưu với bạn bè để thêm tự tin.

Cô Đinh Lan tại một lớp học cho trẻ khuyết tật

Trong hội thi “Viết chữ và trình bày đẹp” thành phố Hạ Long, mọi người không khỏi xúc động trước hình ảnh một cô bé tật nguyền ngồi miệt mài viết nắn nót từng nét chữ thật đẹp với nghị lực phi thường. Giải thưởng đặc biệt dành cho em trong hội thi Viết chữ đẹp xứng đáng với công sức luyện viết của cả cô và trò trong bao tháng. Để có được thành tích đáng nể đó, Thương không chỉ đổ mồ hôi mà còn bằng cả nghị lực vượt qua đau đớn của cơ thể.

Ngoài thành tích viết chữ đẹp, Thương còn học giỏi cả văn lẫn toán. Những bài văn của em gần gũi và giàu cảm xúc. Có những bài văn hay của em còn được mang ra làm mẫu cho học sinh trong khối lớp 3 và trường học tập. “Tôi hiểu ẩn sâu trong tâm hồn cô học trò nhỏ khuyết tật kia là cả một thế giới rộng lớn, ấp ủ đầy ước mơ, bên trong thân thể yếu ớt lại chứa đựng một niềm đam mê, nghị lực, ý chí mạnh mẽ...”.

Cô Đinh Thị Lan nói như tâm sự với chính mình. Với thành tích “trồng người” này, cô Định Thị Lan vừa được Bộ GD - ĐT tặng Bằng khen./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên