Phía dưới cột cờ Lũng Cú

Đã mấy lần lên Đồng Văn (Hà Giang), nhưng tôi vẫn không khỏi ngỡ ngàng mỗi khi được ngắm nhìn lá cờ Tổ quốc tung bay trước gió nơi cực Bắc

Từ thành phố Hà Giang vượt qua đèo Bắc Xum, ngoằn ngoèo hơn mười cây số, đến cổng trời Quản Bạ, qua núi Cô Tiên - hai ngọn núi được ví như hai bầu vú căng tròn của cô thiếu nữ tuổi 18 đôi mươi; rồi lại qua huyện Yên Minh, vượt đèo chín khoanh, mây mù bao phủ quấn quýt lấy bánh xe, mới vào được đất Đồng Văn. Thế là mất trọn buổi, tuy chặng đường chỉ hơn 150km.

Con đường dẫn vào hai xã Ma Lé, Lũng Cú thuận lợi hơn nhiều. Những ngôi nhà mái ngói, mái tôn, prôximăng, trường học, trạm y tế, nhà văn hoá… thấp thoáng hai bên đường. Đến xã Ma Lé, tôi ngẩn ngơ, chộn rộn ngắm nhìn mấy cô tuổi ngọc vận trên mình váy áo nhiều màu sắc, hoa văn rực rỡ. Các cô nói ríu rít như chim bằng tiếng của dân tộc mình.

Một thanh niên đi sau cùng khoẻ mạnh, trông chững chạc, dày dạn, nói tiếng Kinh khá thành thạo, trả lời rành mạch những câu hỏi của tôi. Xã ta có nhiều ruộng nương không? Ít lắm, chỉ núi đá là nhiều thôi! Ruộng nương ít thì làm gì để đủ ăn, đủ mặc? Phải làm nhiều, gùi đất bỏ vào hốc đá, tra hạt ngô, hạt đậu vào, phải biết thâm canh cây trồng, đưa giống mới, phát triển chăn nuôi…, những hộ nghèo được xã hỗ trợ 50% phân bón và 90% giống ngô, lúa, rồi được vay vốn từ Ngân hàng chính sách xã hội không tính lãi nên chỉ cần chăm chỉ làm là đủ ăn, còn lười lao động thì mới nghèo!

Tôi hỏi tiếp: Thế xã còn nhiều hộ nghèo đói không? Hộ đói không còn, nhưng nghèo thì còn đấy. Sao em biết nhiều thế? Em là Phó chủ tịch xã. À ra thế!

Rời Ma Lé, vào xã Lũng Cú, nơi có cột cờ, cực Bắc của Tổ quốc, trên đường nhiều bà con gùi cỏ voi, có em gùi ngọn cỏ cao hơn đầu người. Tôi biết họ đang tích trữ thức ăn cho trâu, bò chuẩn bị chống chọi với giá rét cận kề. Anh Sính Dỉ Gai, trưởng Bản Lô Lô Chải - một bản nhiều năm đạt chuẩn bản văn hoá của xã, đưa chúng tôi đến thăm một số hộ. Điều tôi cảm nhận được là nhà nào cũng có nhà cao cửa rộng, có chuồng cho trâu, bò, có máy xay xát và nhiều tiện nghi sinh hoạt khác.

Anh Sính Dỉ Gai cho biết: “Năm nay bản giảm được 10 hộ nghèo, hộ đói không còn. Cả bản có hơn 40 xe máy. Hộ Vàng Dỉ Khoanh, Vàng Dỉ Chu làm ăn khá, chăn nuôi nhiều trâu, bò; trồng nhiều lúa, ngô cho thu hoạch cao. Cả bản duy nhất chỉ còn một hộ Vàng Dỉ Ky bị bại liệt, nhà có vợ và một con hai tuổi, còn khó khăn. Năm ngoái bản chủ trương mỗi hộ ủng hộ 3 ống ngô, năm nay vì giá cả lên cao nên ủng hộ 5 ống ngô để gia đình ông Ky được đón tết. So với những nơi khác chẳng thấm vào đâu, nhưng ở nơi đây, chỉ chừng ấy thôi cũng đủ cho ta thấy một tình thương cao cả, đùm bọc, biết chia sẻ của những con người”.  

Đến với Ma Lé, Lũng Cú, tiết trời se lạnh, những cơn gió chuyển mùa hoà quyện với làn sương, báo hiệu một mùa xuân đang về. Đi trong mờ sương, lòng tôi thấy ấm áp hẳn lên. Con người, cảnh vật nơi đây đều đổi thay đến ngỡ ngàng, nội lực đang được khơi dậy và chuyển động. Con người địa đầu của Tổ quốc vừa giàu lòng mến khách, vừa thật thà, chất phác, vẻ đẹp nơi đây đọng lại từ những nụ cười hồn nhiên, tuy có phần khắc khổ, nhưng đầy tự tin.

Đi trên những con đường mới mở, thả mình cùng với mưa sương, tôi thấy đâu đó những vạt đất nhỏ bé quý hơn vàng còn sót lại sau dãy núi đá đang được xới lên bằng bàn tay chai sạn chuẩn bị cho vụ mùa sau. Phía trên kia là cột cờ nơi địa đầu của Tổ quốc, lá cờ đỏ sao vàng đang phần phật tung bay trước gió. Đất trời cực Bắc hoà quyện với những con người thuần khiết, năng động, cần cù, chịu khó mà lòng tôi hy vọng và vững tin vào cuộc sống vùng cao này.

Đúng là có đi đến tận nơi vùng sâu, vùng xa, vùng cao mới thấy hết được đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước đi vào cuộc sống, thấm sâu vào mỗi con người, biết nhường nào. Ma Lé, Lũng Cú là thế đấy! Đến một lần không thể không đến lần hai. Thời gian xoay vần xuân, hạ, thu, đông và ai cũng cảm nhận được điều ấy./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên