Phía sau cuộc sống thử
VOV.VN -Những nấm mộ không có ngày sinh là hậu quả của việc quan hệ tình dục bừa bãi đang gia tăng ở các khu công nghiệp.
Nằm ở góc trong cùng của nghĩa trang xã, qua một con đường cỏ mọc lút đầu người, là la liệt những nấm đất lùm lùm, đó là những nấm mồ không một dòng chữ, không một bia mộ...
Từ những mối tình chóng vánh - phía sau những cuộc sống thử vợ chồng, phía sau việc quan hệ tình dục bừa bãi là những hệ lụy như mang thai ngoài ý muốn, mắc và lây nhiễm bệnh qua đường tình dục đang ngày một gia tăng ở các khu công nghiệp (KCN). Để đáp ứng nhu cầu giải quyết những hậu quả này, tại nhiều KCN đã xuất hiện những phòng khám chuyên về sản phụ khoa. Chỉ riêng KCN Thăng Long (Đông Anh, Hà Nội) đã có đến 4-5 phòng khám gần nhau để phục vụ riêng cho nữ công nhân.
Một nhân viên trong đội chôn cất thi hài thai nhi tại nghĩa trang Kim Chung |
Trong vai một người đi "giải quyết hậu quả", tôi được người dân mách nước, nếu thai nhỏ thì nên vào Phòng khám Đa khoa Bắc Thăng Long (xã Kim Chung, Đông Anh), nếu thai to thì vào nhà bác sĩ Nghĩa, hiện đang làm ở chuyên khoa sản, Bệnh viện Đông Anh nên tay nghề cao. Nhưng vào nhà bác sĩ Nghĩa sẽ rất đắt, phải từ tiền triệu trở lên.
Bước chân vào phòng khám của bác sĩ Nghĩa, một người đàn bà có gương mặt sắc sảo vừa thu tiền khám dịch vụ, vừa bố trí, sắp xếp người bệnh. Bà này tự giới thiệu mình tên Hợp, là vợ của bác sĩ Nghĩa.
Mới ngồi đợi được 5 phút, chúng tôi đã thấy có đến 4-5 người vào khám phụ khoa và siêu âm thai, cứ như thế khách vào ra nườm nượp cả buổi chiều. Bà Hợp sau khi hỏi han rất kỹ tình trạng của tôi thì ra chiều thông cảm, vỗ vai tôi: "Em cứ vào siêu âm, không có gì phải ngại, nhà chị toàn làm những trường hợp lỡ làng như em".
Bà Hợp kể rằng, chồng bà có tay nghề cao nên làm rất uy tín, công nhân thường tìm đến để giải quyết những hậu quả của các mối tình chóng vánh, có ngày cao điểm giải quyết đến 4-5 ca. Bà còn động viên, với trường hợp thai to, nhà bà đã làm việc với quản trang ở nghĩa trang gần đó, đem ra đó chôn cất đàng hoàng, chu đáo. "Nên em cứ yên tâm", bà Hợp trấn an.
Được biết, phòng khám của bác sĩ Nghĩa mới được cấp phép hoạt động chuyên sản phụ khoa từ tháng 7/2013. Còn trước đó (từ năm 2010 đến tháng 7/2013) là hoạt động không có giấy phép. Quy định về việc nạo hút thai có ghi rõ, các phòng khám sản phụ khoa tư nhân chỉ được nạo hút thai trong vòng 6 tuần trở lại, xử lý thai to phải có chỉ định và phải vào bệnh viện lớn mới có đủ thiết bị cấp cứu sản phụ khi có sự bất thường.
Theo ông Thế, các nấm mồ thai nhi này phần nhiều là 5-6 tháng tuổi, có những thai nhi to 7 tháng tuổi.
Nhưng do các nữ công nhân đều có hoàn cảnh khó khăn, người thì bạn trai bỏ, người bị lừa, người thì bạn trai không đồng ý cho sinh con… nên đành phải phá thai.
Những nấm mộ không có ngày sinh - Lần theo lời bà Hợp, chúng tôi tìm đến nghĩa trang xã Kim Chung. Sau một buổi sáng lặn lội đi tìm ông quản trang và chờ đợi, cuối cùng chúng tôi cũng gặp được ông Trần Văn Thế, người làm quản trang tại đây đã hơn 4 năm. Chúng tôi đóng vai một người mở phòng khám sản phụ khoa, đến để tìm người và tìm nơi lo việc hậu sự cho các thai nhi như các phòng khám thai bình thường khác vẫn làm.
Sau một hồi trò chuyện, ông Thế cho biết, ở đây có đến 4-5 phòng khám thai, nhưng chỉ có 2 nơi chuyên giải quyết hậu quả “lỡ làng” của công nhân, đó là Phòng khám Đa khoa Bắc Thăng Long và phòng khám của bác sĩ Hoàng Văn Nghĩa, đông khách nhất vẫn là phòng khám của bác sĩ Nghĩa. Hai phòng khám này đều làm việc với quản trang về việc chôn cất các thai nhi. Vì vậy, nếu có vụ việc là gọi điện cho ông Thế, bất kể giờ giấc nào cũng đều có một đội đến làm nhanh gọn và chuyên nghiệp.
Theo chân ông Thế ra nghĩa trang xã Kim Chung, chúng tôi được dẫn vào góc trong cùng của nghĩa trang (nơi an táng thai nhi). Nằm phía bên ngoài của góc này có khoảng vài chục nấm mồ được xây, chát sơ sài, tất cả đều có bia ghi tên và ngày mất. Nằm sâu nữa bên trong, qua một đường đi cỏ mọc lút đầu người là la liệt những nấm đất chỉ lùm lùm, thâm thấp chồi lên khỏi mặt đất một chút, đó là những nấm mồ không một dòng chữ, không một bia mộ...
Theo ông Thế, các nấm mồ thai nhi này phần nhiều là 5-6 tháng tuổi, có những thai nhi to 7 tháng tuổi. Nhưng do các nữ công nhân đều có hoàn cảnh khó khăn, người thì bạn trai bỏ, người bị lừa, người bạn trai không đồng ý cho sinh con… nên đành phải bỏ.
Câu chuyện khiến ông Thế đau lòng nhất từ khi làm quản trang là chuyện một nữ công nhân đã có thai 7 tháng mà vẫn đến phòng khám xin “giải quyết”. Khi đưa thai nhi đi chôn cất, cô cũng đi cùng mọi người và nghẹn ngào cho biết, do bạn trai không đồng ý sinh con nên cô phải bỏ. Do còn quá trẻ và sợ hãi mà cô không kịp ý thức rằng, chỉ còn 1 thời gian ngắn nữa là đứa trẻ đó có thể làm người. Nhưng mọi việc đã rồi, cô này nói với ông Thế rằng, có lẽ suốt cuộc đời này cô sẽ không bao giờ yên lòng được. Cô gái trẻ này còn có tiền lo hậu sự cho thai nhi, nhiều nữ công nhân khác chỉ lo được tiền để "giải quyết" thai, dù giá để làm việc này chỉ từ 150 - 350.000 đồng/ca. Không ít người, sau khi lo xong việc với bác sĩ, chỉ còn 100.000 đồng nhờ quản trang chôn cất hài nhi.
Làm quản trang, tiếp xúc thường xuyên với sự thương tâm, chết chóc, nhưng theo ông Thế, có lẽ việc chôn cất thai nhi là điều buồn và khó khăn nhất đối với ông. Những tâm sự nặng lòng của ông Thế khiến tôi rời nghĩa trang mà nặng trĩu suy tư, tưởng như có tiếng khóc văng vẳng đâu đây./.