Phía sau hàng trăm vụ phá rừng tại Bắc Kạn
VOV.VN - Năm 2023, tại tỉnh Bắc Kạn đã phát hiện, xử lý gần 560 vụ vi phạm Luật bảo vệ và phát triển rừng, trong đó có nhiều vụ phát phá rừng trái pháp luật để lấy đất sản xuất. Những con số này cũng cho thấy, những chính sách hỗ trợ người dân bảo vệ rừng cũng còn những hạn chế.
Năm 2023, xã Dương Phong, huyện Bạch Thông xảy ra 3 vụ phá rừng trái phép. Dù lượng gỗ bị chặt phá mỗi vụ chỉ hơn 10m3 cây tạp, nhưng cái giá mà những người dân vi phạm phải trả lại rất đắt. Trong số 3 hộ gia đình bị xử lý, có 2 hộ chịu mức phạt lên đến 87 triệu đồng, hộ còn lại chịu mức phạt 20 triệu đồng.
Ông Đinh Duy Tuấn, Chủ tịch UBND xã Dương Phong, huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Kạn cho biết: “Mức phạt này so với đời sống người dân là quá cao đấy, nhưng người dân đã được tuyên truyền liên tục, tuy nhiên họ nghe nhưng không nghĩ sẽ phạt cao vậy. Xã có Kiểm lâm địa bàn, có Ban lâm nghiệp xã rồi cán bộ phụ trách lâm nghiệp đã đến tuyên truyền nhiều, nhưng một số hộ ý thức chấp hành chưa tốt".
Dương Phong là xã thuần nông, người dân chủ yếu sống phụ thuộc vào rừng trồng keo, mỡ và cây cam quýt. Tuy nhiên, phần lớn diện tích đất lâm nghiệp của xã lại vốn do các lâm trường quản lý. Nhiều hộ có giấy chứng nhận rừng sản xuất, nhưng hiện trạng là cây rừng tự nhiên nên vẫn phải bảo vệ. Trong khi đó, nhiều năm qua Dương Phong không được nhận bất cứ khoản hỗ trợ nào cho những diện tích rừng tự nhiên này. Đây cũng là một trong những lý do khiến người dân dù biết phá rừng trái phép sẽ bị xử lý nặng, nhưng vẫn cố tình vi phạm. Bà Hoàng Thị Thoa, người dân xã Dương Phong, huyện Bạch Thông bày tỏ: “Tôi thấy giữ rừng là hợp lý, trước rừng còn nhiều khe suối nhiều nước, giờ cũng ít đi rồi. Vì cuộc sống, bà con cũng muốn phát chút dưới chân đồi, ven rừng để trồng cây hoặc lấy củi bán, nhưng giờ mà phát là bị phạt đấy, tôi đi họp nhiều được nhắc nhở như vậy. Tuy nhiên, nếu giữ rừng thì cũng cần có hỗ trợ thì họ mới bảo vệ được.”
Năm 2023, dù đã giảm hơn 60 vụ so với 2022 nhưng toàn tỉnh Bắc Kạn vẫn phát hiện gần 560 vụ vi phạm luật Lâm nghiệp, trong đó có tới 443 vụ phá rừng trái phép với diện tích thiệt hại hơn 128ha... Ngoài sự quyết liệt của lực lượng chức năng trong xử lý vi phạm, con số này còn cho thấy nhiều hạn chế về chính sách hỗ trợ người bảo vệ rừng.
Hiện Bắc Kạn có khoảng 272.000 ha rừng tự nhiên, trong đó có hàng chục nghìn ha thuộc diện rừng sản xuất đã giao cho các hộ gia đình quản lý với mức hỗ trợ chỉ từ 300 nghìn đồng đến 400 nghìn đồng/ha/năm, tùy theo khu vực. Người dân cho rằng mức chi trả này quá thấp so với công sức bỏ ra để chăm sóc, bảo vệ, trong khi trách nhiệm lại rất nặng nề. Đây cũng là lý do khiến một số hộ gia đình e ngại, không muốn nhận khoanh nuôi bảo vệ rừng. Vậy nhưng ở nhiều địa phương, người dân vẫn chưa nhận được số tiền hỗ trợ ít ỏi này trong nhiều năm qua.
Ông Hà Sỹ Huân, Giám đốc Sở NN&PTNT Bắc Kạn cho rằng, việc người dân có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất rừng sản xuất nhưng không được phép cải tạo rừng tự nhiên, bao gồm cả rừng trữ lượng thấp để lấy đất trồng rừng mà buộc phải bảo vệ và không được hưởng lợi ích tương xứng là một trong những nguyên nhân khiến các vụ phá rừng vẫn ở mức cao.
“Từ năm 2021 chúng ta không chi trả kinh phí khoán quản lý bảo rừng theo chương trình Lâm nghiệp phát triển rừng bền vững giai đoạn 2016-2020 do hết giai đoạn, ở giai đoạn này là 2021-2025, gần như chúng ta đã hẫng đi 2 năm không chi trả tiền khoán khanh nuôi bảo vệ rừng nên đâu đó người dân đã xuất hiện tư tưởng phá rừng. Bên cạnh đó, về khách quan thì nhận thức của người dân về trồng rừng phát triển kinh tế đã thay đổi, trồng rừng mang lại thu nhập lớn cho người dân, giúp xóa đói giảm nghèo nên họ có nhu cầu cao để phát triển, dẫn đến các vụ phát phá vẫn ở mức cao”- ông Hà Sỹ Huân nói.
Đặc biệt, với các thôn khu vực vùng đệm rừng đặc dụng hay những khu bảo tồn, hiện được hưởng hỗ trợ 40 triệu đồng/thôn bản/năm để thực hiện các công trình phúc lợi hoặc hỗ trợ cây, con giống cùng số tiền hỗ trợ khoán bảo vệ khoảng 150.000đ/ha. Mức hỗ trợ này cũng chưa thể khiến người dân chưa thể mặn mà bởi tại các khu vực rừng bảo vệ nghiêm ngặt, đời sống người dân gặp rất nhiều khó khăn. Bà Triệu Thị Thu Phương, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Bắc Kạn nêu quan điểm: “Tỉnh Bắc Kạn có tỉ lệ che phủ rừng cao, tuy nhiên người dân chưa thể sống được nhờ bảo vệ rừng do mức khoán bảo vệ hiện rất thấp. Các tỉnh miền núi như Bắc Kạn rất mong nâng cao định mức khoán bảo vệ rừng để phần nào đó giúp người dân bớt đi khó khăn”.
Năm 2023, tỉnh Bắc Kạn không thể giải ngân khoảng 100 tỉ đồng dành cho khoán khoanh nuôi bảo vệ rừng từ nguồn vốn sự nghiệp chương trình Mục tiêu quốc gia. Đây cũng là điều đáng tiếc trong bối cảnh các vụ phá rừng vẫn ở mức cao và đời sống người dân còn không ít khó khăn. Do đó, bên cạnh việc mong chờ sự thay đổi chính sách từ Trung ương, địa phương này cũng cần có các giải pháp đồng bộ, quyết liệt nhằm phát huy hiệu quả các nguồn lực giúp nâng cao đời sống người dân để họ an tâm bảo vệ những cánh rừng tự nhiên.