Phía sau những sự cố y khoa
VOV.VN - Thời gian gần đây, nhiều sự cố y khoa xảy ra gây hậu quả nghiêm trọng. Nhiều chuyên gia y tế cho rằng, những sự cố này là lỗi hệ thống.
Điều đó có nghĩa là sự cố y khoa nếu không xuất hiện ở vùng này thì cũng có ở vùng kia, nếu không rơi vào bác sĩ này thì bác sĩ khác cũng sẽ gặp phải. Điều gì đang xảy ra phía sau những sự cố y khoa này?
Liên tiếp trong tháng 3/2016, hai sự cố trong ngành y khiến dư luận xôn xao dư luận. Đó là vụ nữ sinh Lê Thị Hà Vi bị cưa chân sau khi bó bột ở Bệnh viện huyện Cư Cuin, tỉnh Đắk Lắk và trước đó là một nữ bệnh nhân bị tử vong sau khi mổ chân ở Bệnh viện đa khoa Đà Nẵng. Những sự cố y khoa xảy ra dồn dập khiến dư luận không thể không đặt câu hỏi: Vì sao lại có những tai biến y khoa dẫn đến những sự việc đau lòng như vậy?
Dưới cái nhìn của người trong ngành y, những sự cố này chính là lỗi hệ thống. Đó là nguồn nhân lực y tế đang có vấn đề về chất lượng, xuất phát từ chủ trương đào tạo vội vã, chú trọng số lượng hơn là chất lượng. Đây chính là cái bẫy khiến cho thời gian gần đây liên tiếp những tai biến y khoa xảy ra.
Chất lượng nguồn nhân lực ở y tế cơ sở luôn khiến người dân không thể yên tâm |
Phó giáo sư, Tiến sĩ, Bác sĩ Nguyễn Hoài Nam, Chủ tịch Hội Tĩnh mạch học TP HCM phân tích: “Ở Thái Lan, tỉ lệ 4 bác sĩ trên 10.000 dân. Trong khi đó, Việt Nam đạt tỉ lệ 7 bác sỹ/10.000 dân. Nhưng chất lượng y tế Thái Lan hơn hẳn chúng ta.
Đã đến lúc chúng ta phải xem lại bất cập này. Bác sĩ nhiều nhưng đào tạo không chuẩn mực thì dễ dàng đưa đến những trường hợp đau lòng vừa rồi. Phải thay đổi quan điểm trong đào tạo nhân lực y tế. Đừng chạy theo số lượng nữa mà phải theo chất lượng. Rất nhiều trường hợp bác sĩ trình độ kém không phát hiện ra bệnh. Cuối cùng bệnh nhân là người phải gánh chịu trình độ kém của bác sĩ”.
Một thực tế diễn ra hiện nay là việc đào tạo nhân lực ngành y đang được xã hội hóa mạnh mẽ. Không chỉ có các trường đại học chuyên về y dược mà cả các cơ sở tư thục, cả các hệ trung cấp, cao đẳng cũng xin mở lớp đào tạo về y khoa. Bên cạnh đó, vẫn tồn tại các hệ cử tuyển, tại chức song song với đào tạo chính quy.
Các bác sĩ phân tích vấn đề không phải là đầu vào như thế nào mà chính là chuẩn đầu ra. Những nơi đào tạo phải thực hiện nghiêm túc chuẩn đầu ra cho ngành y khoa thì mới đảm bảo được chất lượng nguồn nhân lực. Việc thả nổi chất lượng đào tạo nguồn nhân lực về y tế chắc chắn sẽ khiến cho những sự việc đau lòng như vụ nữ sinh Hà Vi tiếp diễn.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh, Bệnh viện Nhi Đồng 1 khẳng định: “Ngành Y không đào tạo gấp được vì đào tạo phải kéo dài. Không phải ai cũng học được, phải có nền nhất định. Cho nên muốn bao nhiêu bác sĩ trên 10.000 dân thì phải có kế hoạch. Không phải vì chỉ tiêu mà đầu vào không tốt là không được. Thà là mình chậm còn hơn đào tạo ra một loạt người không làm được để rồi ỷ y vào nơi đó, vào con người đó. Trong khi chất lượng thì phải quan trọng hơn”.
Các bác sĩ phân tích hiện nay một trong những vấn đề quan trọng trong đào tạo nguồn nhân lực y tế chính là thời gian đào tạo và kinh nghiệm thực hành. Một bác sĩ tại Việt Nam được đào tạo 6 năm ở trường đại học và tự kiếm việc làm ở một bệnh viện tuyến quận huyện khoảng 18 tháng thì được cấp chứng chỉ hành nghề.
Ở các nước phương Tây như Pháp, Mỹ thì để được cấp chứng chỉ hành nghề, bác sĩ phải học chuyên khoa. Tổng thời gian để được hành nghề phải mất từ 12 đến 15 năm. Chính vì thế, những bác sĩ này dù có hoạt động ở bất cứ nơi đâu thì cũng đảm bảo được chất lượng.
Trong khi đó, tại Việt Nam, do thiếu nguồn nhân lực nên các bác sĩ sau khi ra trường nếu lựa chọn về vùng sâu vùng xa thì xem như không thể phát triển thêm được chuyên môn. Chính vì thế, trong hệ thống y tế quốc gia, nguồn nhân lực y tế ở tuyến y tế cơ sở như bệnh viện quận, huyện và trạm y tế là nơi yếu kém nhất.
Bác sĩ Tăng Hà Nam Anh, Phó Chủ tịch Hội Y học thể thao và nội soi khớp Đông Nam Á cho rằng: “Những bác sĩ ở y tế cơ sở hiện nay không được đào tạo đến nơi đến chốn. Bác sĩ chỉ sau 6 năm đào tạo thì không thể gọi là bác sĩ được.
Người nào muốn làm bác sĩ thì phải có chuyên môn, về bác sĩ gia đình hay chuyên khoa sâu nào đó. Tuyến huyện là nơi đầu sóng ngọn gió nhưng bác sĩ ở đó lại không được đi đào tạo chuyên khoa. Ngoài ra là rất ít người chẳng ai chịu về vì lương quá thấp. Thậm chí nếu họ mở phòng mạch thì cũng chưa chắc sống được với phòng mạch”.
Để giải quyết bài toán nguồn nhân lực vừa thiếu lại vừa yếu, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, Bộ Y tế đang triển khai Đề án 1816 về luân chuyển cán bộ. Tuy nhiên, đề án này chỉ có thể thành công nếu bác sĩ tuyến trên thực sự chuyển giao kỹ thuật cho đội ngũ tuyến dưới. Còn nếu bác sĩ tuyến trên chỉ về để khám bệnh theo kiểu làm thay thì khi được rút về cũng không thay đổi được chất lượng nguồn nhân lực.
Để vá tạm lỗ hổng về nguồn nhân lực, một số bác sĩ hiến kế: Nên thực hiện khảo sát nhu cầu khám chữa bệnh tại các địa phương, sau đó đưa bác sĩ chuyên khoa về y tế cơ sở, như bác sĩ chuyên khoa về chấn thương chỉnh hình, tim mạch, sản khoa hay nhi khoa, tùy thuộc từng địa phương.
Bác sĩ Nguyễn Hoài Nam, Chủ tịch Hội Tĩnh mạch học TP HCM cho rằng nên thực hiện nghĩa vụ y tế. Bác sĩ sau khi ra trường phải về làm việc 3 năm ở vùng sâu, vùng xa thì mới được cấp bằng đại học. Các bác sĩ cũng cho rằng việc đào tạo nhân lực ngành y nhất quyết phải chú trọng về chất lượng, chứ không thể chạy theo số lượng như lúc trước./.