Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân tiếp xúc cử tri tại An Giang
VOV.VN - Ngày 4/10, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân và Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang đã có buổi tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV; tại 2 địa phương là TP. Long Xuyên và huyện Châu Thành của tỉnh An Giang.
Tại buổi gặp gỡ và tiếp xúc cử tri, đại diện Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang đã thông tin đến bà con cử tri chương trình, nội dung và các vấn đề liên quan đến kỳ họp thứ 8.
Sau khi nghe nội dung, chương trình của kỳ họp Quốc hội lần này, cử tri tại 2 địa phương cũng đã kiến nghị đến Quốc hội nhiều nội dung như: Chế độ, chính sách đối với lực lượng hoạt động không chuyên trách ở cấp phường, xã; Tình hình an ninh trật tự xã hội; Lao động, việc làm nhất là ở ở nông thôn,vùng sâu vùng xa và vùng dân tộc thiểu số; Vấn đề già hóa dân số; Công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng… Đặc biệt, cử tri quan tâm đến 3 lĩnh vực đó là: sản xuất nông nghiệp, lĩnh vực y tế và lĩnh vực giáo dục.
Cụ thể, về lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, cử tri cho rằng, hiện nay, chi phí đầu vào cho sản xuất nông nghiệp quá cao, trong khi đó giá đầu ra nông sản không ổn định; tình trạng được mùa, mất giá xảy ra thường xuyên; Thuốc bảo vệ thực vật và phân bón giả, kém chất lượng bán tràn lan trên thị trường…
Cử tri kiến nghị Trung ương, Quốc hội, Chính phủ cần có chính sách trong sản xuất nông nghiệp; giảm thuế giá trị gia tăng một số mặt hàng liên quan đời sống xã hội. Đồng thời, chú trọng đến việc phát huy thế mạnh nông nghiệp, nông thôn; xây dựng nông thôn mới một cách thực chất, bền vững để người dân được thụ hưởng cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn.
Cử tri Võ Hữu Dự, xã Vĩnh Lợi và Nguyễn Duy Khánh, xã Vĩnh Thành, huyện Châu Thành, tỉnh An Giang cho rằng: “Bất cập ở lĩnh vực nông nghiệp hiện nay ở địa phương xuất hiện tình trạng thuốc bảo vệ thực vật kém chất lượng bán tràn lan trên thị trường; Trung ương có những biện pháp cụ thể nào để tăng cường kiểm soát và ngăn chặn tình trạng này. Tình trạng được mùa mất giá và thiếu thông tin thị trường, Trung ương có biện pháp gì để tăng cường, đảm bảo lợi ích của nông dân trước những biến động của thị trường; đặc biệt là thiết lập các cảnh báo sớm về giá và thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Chi phí đầu vào sản xuất cao. Khi thu hoạch, nông dân chúng tôi vẫn gặp tình trạng tư thương ép giá. Còn các doanh nghiệp liên kết thì chỉ liên kết được một số ít diện tích sản xuất của nông dân. Tình trạng trúng mùa thì mất giá. Do đó chúng tôi cũng kiến nghị Quốc hội và Chính phủ xem xét có chính sách bình ổn giá vật tư nông nghiệp và trợ giá nông sản, giảm thuế giá trị gia tăng ở một số mặt hàng liên quan đời sống xã hội”.
Còn về lĩnh vực Y tế và Giáo dục, cử tri cho rằng: về lĩnh vực giáo dục: cần thiết rà soát lại hoạt động của Hội phụ huynh học sinh cùng quy định các khoản thu tại các trường học đầu năm học; bất cập trong việc sử dụng sách giáo khoa…Với lĩnh vực Y tế, cử tri cho rằng, chi phí mua BHYT tăng cao gây khó khăn cho người dân, nhất là đối với những hộ nghèo; cùng với đó, việc giới hạn nơi đăng ký khám chữa bệnh BHYT cũng gây nhiều khó khăn cho người dân khi khám chữa bệnh; việc tiếp cận và sử dụng bảo hiểm y tế còn nhiều bất cập, nhất là chi trả cho dịch vụ y tế cần thiết.
Cử tri Lê Quang Vinh, phường Mỹ Thới, thành phố Long Xuyên và cử tri Nguyễn Thị Bé Tám, xã Vĩnh Lợi, huyện Châu Thành cho rằng: “Lương cơ sở tăng, mức đóng bảo hiểm y tế tăng; tuy nhiên, dịch vụ khám chữa bệnh vẫn chưa được cải thiện so với mức tăng của đóng bảo hiểm. Đề nghị xem xét lại mức đóng bảo hiểm, một cái bảo hiểm là 1.283.000, như vậy một số bộ phận người dân thu nhập thấp khó tiếp cận, khó mua được. Khi có toa thuốc của bác sĩ thì bệnh viện không có đủ thuốc theo toa, nên người bệnh phải qua quầy thuốc dịch vụ hoạc ra tiệm thuốc bên ngoài bệnh viện để mua, như vậy người dân đã đóng tiền mua BHYT rồi mà còn phải tốn thêm tiền mua thuốc. Đề nghị Quốc hội có ý kiến đến Bộ Y tế có biện pháp nào để đảm bảo quyền lợi của người dân khi đi khám, chữa bệnh tại bệnh viện, nhất là đối với các bệnh nặng”.
Theo Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân, những vấn đề cử tri nêu như: Phòng, chống, tham nhũng; công tác quản lý, giám sát cán bộ; đầu ra cho nông sản, những vấn đề ở lĩnh vực giáo dục, y tế,… cũng là những điều trăn trở của lãnh đạo Đảng, Chính phủ, Quốc hội. Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh sẽ tiếp tục thực hiện giám sát trong thời gian tới. Đồng thời, Đoàn ghi nhận những kiến nghị của cử tri và trên từng góc độ công việc sẽ có những kiến nghị ở từng diễn đàn phù hợp.
Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân cho rằng, bài toán về nông nông nghiệp không phải vấn đề riêng của An Giang, mà là vấn đề của Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước. Mặc dù Trung ương đã có nhiều chiến lược và chính sách cho nông nghiệp, nhưng thực tế vẫn còn nhiều bất cập, nhất là quá trình triển khai thực hiện ở các địa phương.
Cùng với đó, thói quen và phương pháp canh tác, tư duy sản xuất nông nghiệp của bà con công dân nhỏ lẻ và không đồng đều; các mô hình liên kết sản xuất nông nghiệp thiếu chặt chẽ, không bền vững,… là những rào cản trong phát triển kinh tế nông nghiệp, nâng cao đời sống người dân khu vực nông nghiệp.
Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân nhấn mạnh: “Trung ương và Quốc hội đưa ra những chính sách mang tính chất vĩ mô, còn tổ chức triển khai thực hiện thì ở từng địa phương; trách nhiệm, năng lực điều hành tổ chức thực hiện của cấp ủy, chính quyền, hệ thống chính trị và đặc biệt là của bà con nhân dân…để làm sao có những mô hình nông nghiệp phát triển bền vững. Lĩnh vực Giáo dục - Y tế: lĩnh vực này vẫn còn nhiều vấn đề cần hoàn thiện; hoàn thiện về chính sách, về pháp luật và cả về cách tổ chức thực hiện phải tốt hơn, hiệu quả hơn; để người dân chúng ta tiếp cận được các chính sách này. Người dân cũng phải hiểu được chính sách phải đi liền với điều kiện phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, của địa phương, chúng ta không thể đòi hỏi một chính sách quá cao so với thực lực kinh tế”.