Phó Thủ tướng: Không để tồn tại các băng xã hội đen
VOV.VN - 6 tháng đầu năm, trên toàn quốc đã xảy ra gần 28.500 vụ tội phạm xâm phạm trật tự xã hội.
Chiều 29/7, Ban chỉ đạo chương trình quốc gia phòng chống tội phạm của Chính phủ (Ban Chỉ đạo 138/CP) tổ chức Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm, bàn phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2013. Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc-Trưởng ban Chỉ đạo 138/CP chủ trì hội nghị. Hội nghị được tổ chức trực tuyến với Ban chỉ đạo phòng, chống tội phạm các tỉnh, thành phố trên toàn quốc.
Tại Hội nghị, Bộ Công an đã báo cáo kết quả thực hiện Chỉ thị số 48 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 09 của Chính phủ về chương trình mục tiêu quốc gia phòng chống tội phạm, phòng chống mua bán người 6 tháng đầu năm 2013 và phương hướng trong thời gian tới. Trong đó tội phạm xâm phạm trật tự xã hội trong toàn quốc 6 tháng đầu năm xảy ra gần 28.500 vụ.
Các đại biểu tham dự hội nghị tại đầu cầu Hà Nội. Ảnh: Xuân Dần/QĐND. |
Trong những tháng còn lại của năm 2013, Ban Chỉ đạo 138/CP đề ra giải pháp thực hiện 9 nhiệm vụ trọng tâm, trong đó xác định rõ nhiệm vụ của các Bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh công tác phòng, chống tội phạm. Tăng cường công tác quản lý, giáo dục thanh, thiếu niên; cảm hóa giáo dục người phạm tội, mở các đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm. Trước mắt thực hiện tháng cao điểm phòng, chống tội phạm từ ngày 15/8 - 15/9.
Sau khi nghe đại diện Ban Chỉ đạo 138 một số địa phương, bộ ngành báo cáo tình hình an ninh trật tự trên địa bàn, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, cần loại bỏ tình trạng cán bộ cơ sở bảo kê các hoạt động tội phạm, chỉ đạo kiểm điểm nghiêm túc các địa phương, các đơn vị để xảy ra tình trạng tội phạm lộng hành, xảy ra trong thời gian dài. Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh vai trò của Mặt trận Tổ quốc, của các Hội, Đoàn thể có ý nghĩa quan trọng trong phòng chống tội phạm,kiên quyết không để tồn tại các băng nhóm xã hội đen.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói: “Phòng chống tội phạm, giữ bình yên cuộc sống của nhân dân là nhiệm vụ của chúng ta, của cấp ủy chính quyền và lực lượng công an. Chúng ta phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức, ý thức cho nhân dân về tinh thần trách nhiệm tham gia phòng chống tội phạm. Trước hết là cảm hóa, tuyên truyền để mọi tấng lớp nhân dân hiểu được. Đặc biệt là tầng lớp thanh thiếu niên hiểu về công tác này một cách mạnh mẽ hơn. Đồng thời phải nâng cao chất lượng và nhân rộng các mô hình, các phong trào quần chúng tham gia phòng chống tội phạm theo hướng tự quản, tự phòng, tự bảo vệ, tự hòa giải ở cơ sở”./.