Phòng chống cháy nổ phải bắt đầu từ mỗi người dân
VOV.VN - Vào thời điểm cuối mùa khô, cứ gần hai ngày xảy ra một vụ cháy, có ngày tới 2 vụ cháy nổ, khiến người dân hết sức lo lắng.
Thời gian gần đây, thành phố Hồ Chí Minh liên tục xảy ra nhiều vụ cháy nổ, gây thiệt hại lớn về người và của. Từ giữa tháng 2 đến đầu tháng 3, vào thời điểm cuối mùa khô năm nay, trung bình cứ gần hai ngày xảy ra một vụ cháy, có ngày xảy ra tới 2 vụ cháy nổ. Đây là điều khiến người dân hết sức lo lắng.
Với số lượng dân số đông và những khu dân cư lao động nghèo chưa được quy hoạch, thành phố Hồ Chí Minh đang ẩn chứa trong mình nguy cơ lớn về cháy nổ trong các khu dân cư. Những xóm trọ cho người lao động nghèo, cho công nhân, cho sinh viên là một trong những nơi có nguy cơ cháy nổ cao nhưng công tác tuyên truyền cho người dân vẫn chưa sâu, chưa rộng. Vụ một sinh viên sử dụng hóa chất sản xuất pháo gây ra vụ nổ làm chết 4 người tại quận 10 là minh chứng cho thấy rõ ràng sự lơ là, chủ quan của người dân trước mối hiểm nguy của cháy nổ.
Mặc dù buôn bán những hàng hóa dễ bắt lửa, nhưng các tiểu thương vẫn chưa chú trọng vào công tác PCCC (Ảnh minh họa: KT)
Ông Lê Văn Đoàn, Phó Trưởng công an quận 10 cho biết: “Do người dân sắp xếp lại diện tích ở của mình để cho thuê nên diện tích phòng chật hẹp từ 10 đên 15m2 cho rất nhiều người ở. Lối ra vào chật hẹp, không có lối thoát hiểm, không có phương tiện phòng cháy, nếu có cũng chỉ tập trung ở chủ nhà trọ. Nếu xảy ra hỏa hoạn thì thiệt hại rất lớn”.
Tại những khu chợ lớn của thành phố với những sạp hàng hóa chất, những vật liệu dễ bắt cháy cũng là mối nguy lớn. Trong quá khứ, những vụ cháy chợ luôn để lại những hậu quả nặng nề về người và của. Thế nhưng, nhiều tiểu thương vẫn chưa chú trọng đề phòng "bà hỏa" ghé thăm.
Một tiểu thương ở chợ Bến Thành cho biết: “Hiện tại, tại quầy hàng của tôi chưa trang bị phương tiện phòng cháy chữa cháy. Bản thân tôi chưa biết rõ về công tác phòng cháy chữa cháy như thế nào”.
Các khu chế xuất – khu công nghiệp với số lượng lớn công nhân và các nguyên vật liệu, hóa chất sản xuất là một mối nguy không thể xem thường. Theo thống kê của Ban quản lý các khu chế xuất – khu công nghiệp thành phố thì trong năm qua đã xảy ra 11 vụ cháy, 2 vụ nổ mà nguyên nhân phần lớn cũng do chập điện và sử dụng máy móc phát ra lượng nhiệt cao. Tuy một số công ty đã tự trang bị các trang thiết bị chữa cháy, tổ chức huấn luyện nhưng thực tế dường như chỉ thực hiện cho có lệ bởi các công ty gặp áp lực lớn về sản xuất và kinh doanh nên không thể chú trọng cho công tác này. Vì thế đã có tình trạng có trang thiết bị chữa cháy nhưng không có người biết sử dụng.
Ông Phạm Hiếu Nghĩa, Phó Trưởng ban Pháp chế Hội đồng nhân dân thành phố Hồ Chí Minh cho biết: “Tại một số cơ sở, ngoài mặt mạnh về trang bị cơ sở vật chất cho công tác phòng cháy chữa cháy (PCCC) thì cũng có một số vấn đề là cần quan tâm hướng dẫn người công nhân biết sử dụng các phương tiện PCCC mà đây là những thiết bị đơn giản nhất. Như trường hợp ở công ty TNHH Bình Tiên hoặc công ty sản xuất gỗ Nam Việt ở quận 9, mặc dầu bình chữa cháy ngay phía sau lưng thôi nhưng công nhân không biết sử dụng”.
Một thực tế hiện nay là dường như công tác phòng chống cháy nổ đã có đầy đủ mọi thứ từ các quy định đến các trang thiết bị chữa cháy nhưng vẫn còn thiếu rất nhiều, đó là những kỹ năng chữa cháy cho mỗi người, kỹ năng thoát hiểm để mỗi người có thể tự cứu lấy bản thân và thiếu lớn nhất là ý thức bảo vệ tài sản và tính mạng chung cho toàn xã hội.
Ông Nguyễn Văn Tính, cử tri quận Thủ Đức cho rằng: “Tuyên truyền như hiện nay là chưa đủ bởi mỗi năm tập huấn có 1 lần. Phải tập huấn như thế nào để trở thành phản xạ. Chẳng hạn chỉ cần có cái búa tạ đập tường chui ra cũng có thể sống được. Ngoài tuyên truyền về phòng chống cháy nổ cần tuyên truyền thêm về kỹ năng thoát hiểm”.
Thiếu ý thức và chủ quan chính là một trong những nguyên nhân gây cháy nổ hiện nay tại thành phố Hồ Chí Minh. 74% các nguyên nhân gây cháy nổ là các sự cố về điện, trong đó đa phần là do sự bất cẩn của con người. Đã thế, khi xảy ra hỏa hoạn thì các trụ bơm nước lại không thể phát huy tác dụng bởi trước đó mất cắp các nắp, các ty. Để hạn chế những việc này, người dân cần phải có ý thức và trách nhiệm hơn nữa.
Thiếu tướng Trần Triều Dương, Giám đốc Sở Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy thành phố Hồ Chí Minh cho biết: “Chúng ta cần phải xây dựng ý thức cho mỗi người dân, cơ quan, xí nghiệp trong PCCC. Do bất cẩn, do không tuân thủ qui định về PCCC nên đã gây ra hậu quả nghiêm trọng. Chúng ta phải thực hiện 4 phương châm: chỉ huy tại chỗ, phương tiện tại chỗ, lực lượng tại chỗ, hậu cần tại chỗ”.
Để thực hiện được đúng 4 tại chỗ như trên rõ ràng cần lắm sự tham gia của mỗi người dân từ việc tự ý thức phòng ngừa hỏa hoạn đến việc thực hiện vai trò giám sát xã hội của mình./.