Phòng chống dịch sốt xuất huyết không thực chất sẽ trả giá đắt
VOV.VN - Số ca nhập viện tại các bệnh viện tuyến cuối điều trị SXH ở TP.HCM đang quá tải dù chưa vào đỉnh dịch. Thế nhưng số ca trong cộng đồng vẫn tiếp tục tăng cao, mỗi tuần phát sinh hàng chục ổ dịch mới. Đáng lo ngại việc phòng chống dịch nếu không thực chất sẽ trả giá đắt
Ổ lăng quăng tồn tại khắp nơi
Mới đây, Đoàn công tác của Sở Y tế TP.HCM đến kiểm tra đột xuất một số khu dân cư trên đường Trần Quang Nghị, Phường 7, Quận 8 và phát hiện nơi nào cũng có lăng quăng. Đặc biệt, tại nhà người dân làm nghề sửa xe đạp, rất nhiều lốp xe để ngoài trời và đọng nước mưa, đã phát sinh lăng quăng trong đó. Tại đây, nhà dân nuôi gà dùng các hũ nhựa đựng nước cho gà uống, trong đó đã có nhiều lăng quăng. Đáng nói là khi phóng viên phát hiện hũ nhựa với hàng chục ấu trùng của muỗi, ông chủ tiệm sửa xe đã nhanh chóng mở lấy ra, đem đi đổ rồi phủ nhận việc có lăng quăng. Nhìn hình ảnh lăng quăng đã được chụp lại, ông Trần Thanh Hoàng, chủ nhà này phân trần: “Mới hồi tối hôm qua dọn rồi, mà sáng nay có mưa đã đọng nước rồi. Chứ thực tế ai cũng gìn giữ cho con cháu vì cũng sợ bị bệnh. Nói chung nhằm tháng mưa, nước lọc với nước mưa chỉ cần một ngày 24 tiếng đồng hồ là có lăng quăng liền. Nước mưa xuống tạo lăng quăng nhanh lắm”.
Ngoài các rạch nước nhỏ đọng nước ở kế hẻm 154 Trần Quang Nghị, còn có tình trạng người dân dùng chum trữ nước mưa mà quên đậy lại, vỏ dừa ngổn ngang ở sân vườn và bãi đất trống có nhiều vũng nước đọng, gây phát sinh lăng quăng. Tại Trường THCS Phú Lợi, mặc dù đã cho học sinh nghỉ học nhưng hiện đang có các lớp ôn thi cuối cấp của Trường THPT Lương Văn Can, xung quanh tồn tại các xô chậu nhựa, thùng đã đóng rêu có lăng quăng, rác thải dưới gốc cây cũng có nguy cơ trở thành nơi cho muỗi đẻ trứng.
Theo Trạm Y tế phường 7, quận 8, trên địa bàn phường "rất ít lăng quăng” vì trước đó đoàn chức năng phường đã đi kiểm tra nhắc nhở, yêu cầu người dân xử lý các điểm nguy cơ, nếu tái kiểm tra mà vi phạm sẽ bị lập biên bản. Song, tình trạng lăng quăng đã xuất hiện nhiều, không như báo cáo trước đó.
Bà Cấn Thị Thư Vi, trưởng Trạm y tế Phường 7 cho biết, phường có số ca mắc sốt xuất huyện đứng nhì trên địa bàn Quận 8. Ở đây, nhiều người dân tại khu phố 4, 5, 6 trên địa bàn vẫn giữ thói quen dùng lu để trữ nước, trạm y tế mỗi tháng đều ra quân nhắc nhở người dân súc rửa lu hàng tuần, nhờ vậy từ 160 điểm nguy cơ năm 2020, hiện đã giảm 50 điểm, do người dân đã đập bỏ bớt lu và thay đổi lối sống hiện đại hơn. Thông thường mỗi quý đoàn sẽ đi kiểm tra 1 lần, nhưng trong đợt chiến dịch “Hưởng ứng ngày ASEAN phòng chống sốt xuất huyết” thì đi kiểm tra đột xuất khoảng 2 lần.
Bà Vi cho biết trước đó, từ đầu tháng, đoàn đã tiến hành kiểm tra, cho người dân ký cam kết và dự định cuối tháng sẽ tái kiểm tra, trong đó có trường Phú Lợi nói trên, thế nhưng giờ đã phát hiện nhiều lăng quăng. Bà Vi giải thích:“Quy định xử phạt có những bước, bước 1, bước 2 bước 3 cứ không phải tới là mình xử phạt người ta. Lần đầu tiên sẽ nhắc nhở, lúc đó không có lăng quăng, đến hôm nay đoàn tới có lăng quăng. Trong hôm nay sẽ làm biên bản cam kết. Trước đó đi kiểm tra làm biên bản ký cam kết rồi, dự định tuần tới đi kiểm tra nếu vi phạm nữa là sẽ tham mưu Ủy ban trình quận xử phạt”.
Từ đầu năm đến nay, Quận 8, TP.HCM ghi nhận số ca mắc tăng 40,03% so với cùng kỳ. Đáng nói, toàn quận 8 có 1.147 điểm nguy cơ sốt xuất huyết thì có tới 1.014 điểm là nhà dân trữ nhiều nước sinh hoạt, có khả năng phát sinh sốt xuất huyết.
Cần biện pháp mạnh hơn
Theo ông Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, một số địa phương báo cáo đã thực hiện nhiều hoạt động để phòng chống dịch sốt xuất huyết, nhưng khi đi kiểm tra thực tế thấy không giống báo cáo, các vật chứa còn tồn tại rất nhiều điểm phát sinh lăng quăng. Đây là thực tế đáng lo ngại cho công tác phòng dịch bệnh, nếu cả hệ thống chính quyền, tổ chức xã hội địa phương không thực hiện các giải pháp quyết liệt thì sẽ trả giá đắt.
Cũng theo ông Hưng, từ năm 2015, Sở Y tế đã triển khai tập huấn xử phạt hành chính trong phòng chống dịch sốt xuất huyết. Đến năm 2019, toàn thành phố đã ban hành 1.500 quyết định. Đây là một biện pháp mạnh cho các đơn vị, người dân vi phạm khuyến cáo, nhắc nhở của ngành chức năng và để phát sinh lăng quăng. Song, từ sau khi dịch bệnh COVID-19 đến nay, mặc dù có sự chỉ đạo của UBND TP.HCM nhưng 6 tháng đầu năm mới chỉ có 9 quyết định xử phạt. Hiện các địa phương chủ yếu vận động thuyết phục, nếu các đơn vị, tổ chức cá nhân không thực hiện thì vẫn phải bị xử phạt.
Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết, Sở này cũng đã tham mưu UBND Thành phố tổ chức chiến dịch tổng vệ sinh hàng tuần, nhằm thu hút sự tham gia mạnh mẽ của toàn dân. Đặc biệt, chiến dịch cao điểm tập trung tháng 7 và tháng 8, vì thời điểm này dự đoán là đỉnh dịch, cần kìm hãm sớm được sự phát triển của lăng quăng. Đến ngày 27/6 đã có 17 địa phương quận huyện ra quân diệt lăng quăng. Hằng tuần, các đội của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (HCDC) đi giám sát các quận huyện và thành phố Thủ Đức về thực hiện chiến dịch tìm, diệt lăng quăng. Ông Nguyễn Hữu Hưng nói:“Tổng vệ sinh không chỉ là chúng ta dọn dẹp vệ sinh cảnh quan nói chung mà làm sao dọn dẹp các vật chứa đang sử dụng như bình bông, chậu hoa và các vật chứa phế thải. Tất cả các vật chứa này đều phải có cách xử lý, và chúng tôi cũng đã có các hướng dẫn cụ thể đối với những loại vật chứa nào thì nên xử lý như thế nào”.
Tổng số ca tử vong do sốt xuất huyết tại TP.HCM đến nay đã là 10 trường hợp. Trong tuần vừa qua, TP tiếp tục ghi nhận 2.548 ca mắc, tăng 31,6% so với trung bình 4 tuần trước, số ca nặng cũng đang tăng lên nhanh, gây quá tải bệnh viện. Với diễn biến dịch bệnh phức tạp như hiện nay, khi TP.HCM và các tỉnh thành phía Nam liên tục có mưa, người dân cần chủ động hơn trong việc diệt lăng quăng, phòng chống muỗi đốt./.