Phòng chống tai nạn thương tích trẻ em giai đoạn 2011-2015

Trong 5 năm qua, mỗi ngày trên thế giới có khoảng 2.000 trẻ tử vong do tai nạn thương tích

Sáng 16/5, tại Hà Nội, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) phối hợp với Quỹ nhi đồng LHQ (Unicef) tổ chức Hội thảo xây dựng Chương trình phòng chống tai nạn thương tích trẻ em giai đoạn 2011-2015.

Phát biểu tại hội thảo, ông Doãn Mậu Diệp, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH cho biết: Tai nạn thương tích trẻ em đang là vấn đề mang tính toàn cầu. Trong 5 năm qua, mỗi ngày trên thế giới có khoảng 2.000 trẻ tử vong do tai nạn thương tích.

Tại Việt Nam, trong 6 năm (từ năm 2005 đến năm 2010), trung bình mỗi năm có khoảng 7.300 trẻ (từ 0 đến 19 tuổi) tử vong do tai nạn thương tích, bình quân mỗi ngày có hơn 20 trẻ tử vong và số trẻ bị tai nạn thương tích năm sau thường cao hơn năm trước. Các nguyên nhân hàng đầu khiến trẻ tử vong do tai nạn thương tích gồm: tai nạn đuối nước (chiếm 50%), tai nạn giao thông (chiếm 24%) và do bỏng và ngã. Hầu hết trẻ bị tai nạn thương tích do sự bất cẩn của cha mẹ và người chăm sóc trẻ. Ngoài ra còn do môi trường xã hội tiềm ẩn nhiều rủi ro nhưng chưa có biện pháp can thiệp… Địa điểm xảy ra tai nạn thương tích trẻ em chủ yếu diễn ra tại nhà, cộng đồng và trường học.

Nhằm đảm bảo sự sinh tồn và phát triển của trẻ, Bộ LĐ-TB&XH phối hợp với các bộ, ngành, tổ chức… xây dựng Chương trình phòng chống tai nạn thương tích trẻ em giai đoạn 2011-2015 nhằm từng bước hạn chế tai nạn thương tích và tử vong do tai nạn thương tích ở trẻ em.

Ông Doãn Mậu Diệp, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH cho biết: Chương trình phòng chống tai nạn thương tích trẻ em giai đoạn 2011-2015 là bước tiếp tục của Chính sách Quốc gia phòng chống tai nạn thương tích giai đoạn 2002-2010. Chúng ta đã có nhiều chương trình phòng chống thương nhưng riêng đối với Trẻ em chưa bao giờ có Chương trình cụ thể. Vì vậy, Bộ LĐ-TB&XH thấy rằng cần phải xây dựng một Chương về phòng chống tai nạn thương tích trẻ em. Mục tiêu nhằm nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành trong việc chăm lo thế hệ trẻ; giảm thiểu ít nhất mỗi năm khoảng 10% số trẻ em bị thương tích; trang bị kỹ năng kiến thức sơ cứu, cấp cứu để giảm thiệt hại về vật chất và tinh thần cho gia đình và xã hội.

Tại hội thảo, đại diện Quỹ Nhi đồng LHQ, Trung tâm nghiên cứu phát triển cộng đồng và Sở LĐ-TB&XH các địa phương đóng góp ý kiến nhằm hoàn thiện dự thảo Chương trình phòng chống tai nạn thương tích trẻ em giai đoạn 2011-2015, dự kiến trình trình Chính phủ trong năm nay./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên