Nhằm phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân các xã vùng biên giới Nghệ An với điều kiện đi lại khó khăn, bệnh viện Đa khoa huyện Kỳ Sơn, Nghệ An (nay là Trung tâm Y tế huyện Kỳ Sơn) đã đầu tư hai phòng khám đa khoa vùng ở xã Huồi Tụ và xã Hữu Kiệm với kinh phí hơn 10 tỷ đồng/phòng khám.
|
Phòng khám đa khoa khu vực Huồi Tụ được đầu tư hơn 10 tỷ đồng nhưng hiện tại hoạt động không hiệu quả. |
Phòng khám đa khoa khu vực Huồi Tụ nhằm phục vụ bệnh nhân 9 xã gồm: Phà Đánh, Huồi Tụ, Đọc Mảy, Na Loi, Keng Đu, Bắc Lý, Mỹ Lý, Mường Lống, Bảo Nam.
Đây là những xã xa khu vực trung tâm huyện, điều kiện đi lại khá khó khăn. Phòng khám được xây dựng khang trang, năm 2014, phòng khám khu vực này khai trương và đi vào hoạt động mang lại niềm vui cho người dân nơi đây.
Tuy nhiên ngay từ khi được đưa vào sử dụng phòng khám đa khoa khu vực này đã bộc lộ những hạn chế, không thể phát huy tác dụng của mình.
Ông Võ Văn Mỹ - Trường phòng khám chia sẻ: “Ngay từ đầu phòng khám đã không có điện, nên việc hoạt động hết sức khó khăn. Đây cũng là một cản trở trong công tác khám chữa bệnh đối với đội ngũ y bác sĩ khi không có sự hỗ trợ của máy móc, chủ yếu là bằng biện pháp thủ công”.
|
Những dãy nhà khang trang nằm im lìm trong sương mù không có bóng dáng của bệnh nhân. |
Theo tìm hiểu của phóng viên, phòng khám này đã “quên” mất hạng mục trạm biến áp hạ thế để đấu nối đưa nguồn điện vào phòng khám ngay từ thời điểm được thiết kế.
Phía trong những dãy nhà khang trang, có lắp đặt hệ thống điện chiếu sáng, quạt, máy tính... nhưng những trang thiết bị này không sử dụng vì không có điện. Một điều trớ trêu rằng ngay bên cạnh phòng khám khang trang này là một đường điện 250KW chạy qua.
Tại đây có 2 cán bộ, bác sỹ trực nhưng hầu như không có bóng bệnh nhân nào. Những phòng bệnh đều nằm im lìm trong lớp sương mù. Nhiều hạng mục công trình đã có dấu hiệu xuống cấp mặc dù mới đưa vào sử dụng được 3 năm nay.
Từ tháng 3/2017, những phòng khám này chỉ được khám và điều trị ngoại trú. Những bệnh nhân điều trị nội trú sẽ không còn được thanh toán bảo hiểm như trước. Điều này càng khiến cho phòng khám đã không hiệu quả lại càng trở nên “đói” bệnh nhân hơn.
|
Những căn phòng bệnh luôn trong tình trạng cửa đóng then cài, chờ ngày giải thể. |
Gần đây Sở Y tế Nghệ An cũng đã có buổi làm việc với Trung tâm y tế huyện Kỳ Sơn, UBND huyện Kỳ Sơn tiến tới giải thể những phòng khám này. Số phận những phòng khám đa khoa khu vực được đầu tư hơn 10 tỷ đồng/phòng khám đã được “định đoạt”. Theo đó những phòng khám này sẽ giải thể trong thời gian tới.
Ông Sầm Văn Hải – GĐ Trung tâm y tế huyện Kỳ Sơn cho biết: Ngày xưa những phòng khám khu vực hoạt động như một khoa của bệnh viện đa khoa. Vì hoạt động không có hiệu quả nên không đầu tư. Sắp tới những phòng khám này chắc chắn phải giải thể. Vấn đề về việc đầu tư xây dựng phòng khám cũng đã được UBND huyện kiểm tra.
Bà Vi Thị Quyên – PCT UBND huyện Kỳ Sơn cũng xác nhận thông tin liên quan đến việc giải thể những phòng khám này, đồng thời, hiện tại cũng chưa có phương án cuối cùng để sử dụng cơ sở vật chất của những phòng khám này, có thể dùng để làm trường học hoặc điểm cấp phát thuốc cai nghiện, hoặc làm trạm y tế xã.
|
Những chiếc giường bệnh vắng bóng bệnh nhân. |
Hơn 10 tỷ đồng được đầu tư để xây dựng một phòng khám khang trang, tuy nhiên lại không được cấp điện, không máy móc phục vụ công tác khám chữa bệnh, thì chẳng khác nào một trạm y tế. Trong khi tại đây xã nào cũng đã có trạm y tế. Vậy tại sao hàng chục tỷ đồng vẫn đầu tư để xây dựng những phòng khám như vậy để rồi chờ ngày giải thể?./.