Phòng lũ ống, lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi
Chính quyền địa phương các tỉnh miền núi phía Bắc đang chủ động triển khai các biện pháp phòng chống ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới sau bão số 2.
Trong đó, tập trung thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ nhất là để phòng khả năng lũ ống, lũ quét và sạt lở đất ở vùng núi và chống ngập úng ở vùng thấp do mưa kéo dài..
Ðể đối phó với hoàn lưu bão số 2, tỉnh Lạng Sơn yêu cầu các sở, ban, ngành chuẩn bị, thực hiện tốt phương châm 4 tại chỗ. Ban chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh đã có đoàn công tác đến các điểm xung yếu kiểm tra hồ đập, có phương án di dời dân khỏi vùng nguy hiểm có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất và vùng thường xuyên bị ngập lụt. Trong đó, Ban chỉ huy phòng chống lụt bão huyện Văn Lãng đã cấp 240 phao cứu sinh, chuẩn bị hơn 100 bè, mảng, sẵn sàng sơ tán 1.400 người dân sống dọc sông Kỳ Cùng đến nơi an toàn. Công việc này cũng đang được các tỉnh Quảng Ninh, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Cao Bằng, Lai Châu… gấp rút triển khai nhằm giảm đến mức thấp nhất thiệt hại về người và của do mưa lũ có thể gây ra.
Ông Bùi Tiến Chính, Chi cục trưởng Chi cục Thuỷ lợi và phòng chống lụt bão tỉnh Thái Nguyên cho biết: Rút kinh nghiệm từ đợt mưa bão trước, Ban chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh đã tổ chức đoàn đi kiểm tra 7/9 huyện, tập trung vùng lũ quét, thuộc các huyện Phú Lương, Định Hoá, Võ Nhai; vùng sụt lún huyện Đồng Hỷ do bị ảnh hưởng bởi khai thác quặng.
Để chủ động phòng ngừa và hạn chế thấp nhất thiệt hại do mưa, nhất là đảm bảo an toàn hầm lò, Ban Chỉ đạo Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam có công điện khẩn yêu cầu tất cả 25 công ty than hầm lò và 6 công ty lộ thiên trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh và công ty khoáng sản ở vùng Tây Bắc tổ chức trực ban suốt ngày đêm tại đơn vị khi thời tiết có mưa to. Tập đoàn cũng yêu cầu Tổng Giám đốc, Giám đốc các đơn vị trong những ngày mưa bão phải thường trực tại đơn vị. “Chúng tôi đặc biệt chú ý đến các điểm trọng yếu ở tỉnh Quảng Ninh, gồm có các bãi thải, đê chắn bãi thải và các công trình thuộc các mỏ quản lý đã được đưa vào chế độ chuyển từ chế độ bình thường sang chế độ đối phó khẩn cấp với mưa bão. Còn 100% các mỏ hầm lò có hệ thống trạm điện diezen- dự phòng đã được chuẩn bị đầy đủ dầu và chạy thử trước mưa bão. Nếu có tình trạng mất điện sẵn sàng đưa vào chế độ để chạy bơm nước tránh ngập lụt trong hầm lò. Còn nhà xưởng, các công trình của các công ty cơ khí, nhà máy sàng tuyển thì cũng đưa vào chế độ đảm bảo an toàn, đề phòng mưa bão. Các vật tư ứng phó dự phòng cho mưa bão đã sẵn sàng”. Ông Vũ Thành Lâm, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam cho biết.
Nhằm cung cấp những dự báo chính xác diễn biến thiên tai, những ngày này, 174 trạm khí tượng bề mặt, 232 trạm quan trắc mực nước thuỷ văn và 158 điểm quan trắc về môi trường, 7 trạm ra đa thời tiết và khoảng 500 trạm đo mưa của Trung tâm dự báo khí tượng thuỷ văn Trung ương tổ chức lực lượng ứng trực liên tục.
Ông Lê Thanh Hải, Phó Giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thuỷ văn Trung ương cho biết một số thông tin: Do ảnh hưởng của hoàn lưu áp thấp nhiệt đới này, hiện nay một số nơi vùng núi phía Bắc đã có mưa nhưng đêm nay Bắc bộ sẽ có mưa vừa. Riêng vùng núi phía Bắc và khu Đông Bắc có mưa vừa đến mưa to, có nơi mưa rất to cần đề phòng lũ quét và sạt lở đất. Bà con ở vùng núi các tỉnh như Quảng Ninh, Cao Bằng, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái, Lai Châu… phải hết sức đề phòng lũ quét và sạt lở đất. Đặc biệt, khi mưa lớn xảy ra vào ban đêm và sáng sớm là thời điểm rất dễ xảy ra lũ quét./.