1 thôn, 5 nhà máy nhả khói

Mới đây Báo TNVN lại nhận được phản ánh của độc giả về tình trạng, 4 nhà máy xi măng, 1 nhà máy hóa chất ở thôn Bồng Lạng đã đi vào hoạt động đã gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng

Báo TNVN số 53, ra ngày 1/7/2008, đăng phóng sự về một ngôi làng ven sông Đáy do có lợi thế về vận tải đường thủy, lại nằm gần quốc lộ 1A và quan trọng hơn là cận kề vùng tài nguyên đá vôi vô giá nên trở thành “bãi đáp” lý tưởng của những dự án nhà máy sản xuất xi măng. Đó là thôn Bồng Lạng, xã Thanh Nghị (Thanh Liêm, Hà Nam), một thôn mà có tới 4 nhà máy xi măng, một nhà máy hóa chất, cái đang trong quá trình xây dựng, cái đã hoạt động đã lấy hết đất canh tác của dân. Nhận được khoản tiền đền bù nhưng người dân không tìm kiếm được việc làm mới nên chẳng mấy chốc mà tiền đền bù hết. Bài báo phản ánh nỗi lo của dân bị mất ruộng không biết làm gì để kiếm sống đi liền với nỗi lo môi trường trong thôn bị ô nhiễm khi các nhà máy đồng loạt đi vào hoạt động.

Hơn một năm sau khi bài báo ra đời, mới đây, Báo TNVN lại nhận được phản ánh của độc giả về tình trạng, 4 nhà máy xi măng, 1 nhà máy hóa chất ở thôn Bồng Lạng đã đi vào hoạt động đã gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Như vậy là chỉ sau 1 năm Báo TNVN cảnh báo, nỗi lo của người dân thôn Bồng Lạng đã thành hiện thực. Thế nhưng, điều đáng nói là tỉnh Hà Nam vẫn đang tiếp tục đề nghị Bộ Xây dựng cho phép xây dựng thêm một cơ sở sản xuất xi măng nữa ở thôn Bồng Lạng. Sự việc này khiến cho nhân dân trong thôn hết sức bất bình, bởi sức khỏe của họ đang bị đe dọa khi phải sống trong môi trường ngày càng ô nhiễm.

Ông Phạm Văn Thìn, người thôn Bồng Lạng, chỉ cho chúng tôi xem làn khói đen mù mịt cuộn lên từ ống khói nhà máy xi măng Hoàng Long, đóng trên địa bàn thôn Bồng Lạng bức xúc: “Trong thôn có nhiều người bị đau mắt đỏ vì khói, bụi bẩn của nhà máy xi măng Hoàng Long thải ra. Vào mùa thu, gió heo may thổi mạnh, khói, bụi bẩn, clinker từ các nhà máy xi măng lẫn bụi bẩn của hàng chục xe tải của các đơn vị: Công ty Hải - Phong Phú, doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường, Trường An… chở đất đá, chạy trên tuyến đường 495B dọc theo thôn hắt vào nhà dân, trường học, trạm y tế, khiến không khí trở nên ngột ngạt, người dân thấy khó thở”. Một cán bộ Sở Tài nguyên - Môi trường tỉnh Hà Nam cho biết: “Nhà máy Xi măng Hoàng Long mới đi vào hoạt động được vài tháng nay, song không tuân thủ các quy định bảo vệ môi trường. Toàn bộ chất thải nguy hại, chất thải rắn trong quá trình xây dựng, hoạt động không được Nhà máy phân loại để xử lý mà chất thành đống lẫn lộn, rồi san lấp làm sân dẫn đến rác thải tràn cả ra tuyến kênh dẫn nước nối liền với sông Đáy, là nguồn nước chính phục vụ sản xuất, sinh hoạt của người dân trong thôn, gây ô nhiễm nguồn nước”.

Người dân thôn Bồng Lạng cho biết, lúc cần mặt bằng để xây dựng nhà máy, lãnh đạo Nhà máy Xi măng Hoàng Long hứa như đinh đóng cột là sẽ tuyển dụng hơn 100 lao động tại địa phương bị thu hồi đất vào làm việc tại nhà máy. Đến nay, Nhà máy đã đi vào sản xuất nhưng mới chỉ có có 5 - 6 lao động là con em của một số cán bộ xã được Nhà máy tuyển dụng.

Đã gây ô nhiễm môi trường và thất hứa không tuyển dụng lao động đối với các hộ dân bị thu hồi đất sản xuất không có công ăn việc làm, nhưng doanh nghiệp này vẫn được tỉnh Hà Nam ủng hộ bằng việc tiếp tục đề nghị Bộ Xây dựng cấp phép cho Nhà máy Xi măng Hoàng Long xây dựng cơ sở sản xuất xi măng thứ hai tại thôn Bồng Lạng có công suất 4.000 tấn clinker/ngày. Điều này càng khiến cho nhân dân thôn Bồng Lạng bức  xúc. Anh Phạm Văn Hải, có nhà nằm sát tuyến đường 495B, cho rằng: “Một thôn nhỏ như Bồng Lạng hiện có tới bốn nhà máy xi măng, một nhà máy hoá chất. Thế mà, tỉnh Hà Nam lại cho phép Nhà máy Xi măng Hoàng Long xây dựng thêm cơ sở thứ hai. Điều này sẽ khiến môi trường ở thôn Bồng Lạng bị ô nhiễm trầm trọng...”.

Được biết, Bộ Xây dựng đã có văn bản số 1054/ BXD-VLXD đề nghị UBND các tỉnh, thành phố: Hà Nam, Ninh Bình, Thanh Hoá, Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa  Thiên - Huế, Hoà Bình, Hải Dương, Bắc Giang, Quảng Ninh, Phú Thọ, Yên Bái, Hải Phòng không đăng ký đầu tư thêm các dự án xi măng trong giai đoạn từ nay đến 2015 nhằm phát huy hết công suất thiết kế các dự án xi măng đã triển khai đầu tư.

Như vậy, việc lãnh đạo tỉnh Hà Nam trong tháng 8/2009 ban hành văn bản số 1047/ UBND-GTXD đề nghị cho Nhà máy Xi măng Hoàng Long xây dựng cơ sở sản xuất xi măng thứ hai là xuất phát từ đâu?

Mong rằng, Bộ Xây dựng sẽ xem lại việc phê duyệt quy hoạch phát triển xi măng ồ ạt tại thôn Bồng Lạng để ngăn chặn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường trong thôn và các vùng phụ cận./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên