25 năm làm “người rừng”

Gần 25 năm qua, anh Vi Văn Nọi ở bản Sơn Khê, Chi Khê (Nghệ An) sống đơn độc trong một căn chòi giữa rừng, kiếm cơm bằng nghề đào hào, vỡ đất thuê và hái lượm lâm sản.

Chúng tôi về bản Sơn Khê, hỏi thăm anh Vi Văn Nọi nhưng chỉ những người có tuổi rồi là còn biết đến anh. Người ta dường như đã lãng quên người đàn ông 46 tuổi từng là bộ đội ở Thượng Lào đầu những năm 1980.

“Người rừng” tật nguyền và nghề vỡ đất thuê

Vi Văn Nọi là con trai út một gia đình người Thái đông con ở bản Sơn Khê (Chi Khê – Con Cuông – Nghệ An). Trở về từ Lào đầu năm 1985, Nọi bị cảm hàn, ốm suốt 2 tháng liền, sau đó liệt một bên chân. Anh chỉ có thể đi lại nhờ chiếc gậy luôn kè kè bên người. Từ đó anh thành người thừa trong ngôi nhà có 7 anh chị của mình và cũng trở nên tội nghiệp hơn trong mắt bà con dân bản.

Một người vốn khỏe có tiếng trong vùng, từng vác được những súc gỗ người ta phải nhờ đến trâu bò kéo về bỗng thành “phế nhân”. Cuối năm 1985, anh rời nhà đi vào Thung Coong, một thung lũng hoang vu, cách nhà gần 10 km đường rừng và ở lại đó suốt 24 năm qua. Ngày ấy vùng này thi thoảng hổ còn về tha trâu thả rông của dân các bản lân cận vào hang núi ăn thịt.

Anh chỉ có thể di chuyển chậm chạp bằng chiếc gậy gỗ
Anh quyết định vào rừng ở một phần vì không muốn là gánh nặng cho gia đình, một phần muốn lánh xa ánh nhìn thương hại của những người xung quanh. Anh con trai 22 tuổi hồi ấy vào rừng với một ý nghĩ duy nhất là sống chết lúc nào tùy trời. Anh chọn cho mình một nơi ít người qua lại và tự chặt cây dựng lán, vỡ đất làm rẫy, di chuyển chậm chạp bằng chiếc gậy gỗ kẹp vào nách để giữ thăng bằng.

Trong suốt những năm qua anh không nhớ được là mình đã phải thay bao nhiêu cái gậy. Chiếc gậy giúp anh lên rừng đốn gỗ, hái măng, lấy mật ong. “Chỉ cần nhìn thấy tổ ong thôi, có cao mấy mình cũng phải lấy bằng được. Vì đói ăn mà… Chắc là nó có ở trên trời mình cũng phải trèo lên…”, Vi Văn Nọi tâm sự. 

Sau này túng thiếu quá, anh bán lại phần đất mình đã dành cả chục năm trời để vỡ hoang cho một người ở bản bên. Cũng từ đó, vỡ đất hoang rồi sang lại cho người dân các bản lân cận vào Thung Coong lập trang trại và đào hào thuê trở thành nghề chính của người đàn ông chỉ còn một bên chân lành lặn ấy.

Người dân vào lập nghiệp ở cái thung lũng rộng chừng 150 ha này đã quen với việc gọi anh Nọi đào hào giúp rồi trả công cho anh mỗi ngày dăm ba chục ngàn đồng, người ta trả công bằng gạo anh cũng sẵn lòng làm.

Anh Nọi không làm thì thôi, đã cầm đến cái cuốc chim, cái xẻng xúc đất rồi là làm nhiệt tình lắm. Những khi làm việc anh thường tra cán dài và cái cuốc, cái xẻng trở thành cái gậy giúp anh đứng vững khi nghỉ lấy sức.

Lâu thì vài ba năm, nhanh thì một năm anh Nọi lại chuyển chòi một lần. Sau mỗi lần như vậy vạt đất mà anh đã đổ không biết bao nhiêu mồ hôi, nước mắt để khai hoang lại có chủ mới. Sau hàng chục năm như vậy, anh đã chuyển nhượng được hơn mười phần đất lớn nhỏ khác nhau cho người dân trong vùng. Mỗi vạt đất như vậy anh cũng chỉ thu được khoảng 3 đến 5 triệu đồng. Anh nhận tiền và lại bắt đầu tìm đến những mảnh đất hoang để tiếp tục công việc của mình.

Đến một ngày nhìn lại sau lưng mình là một hẻm núi dựng đứng, anh thanh niên Vi Văn Nọi đã thành người đàn ông 45 tuổi. Anh nhận ra rằng mình không còn con đường để lùi sâu vào rừng nữa, mới nghĩ đến chuyện phải “định cư”. Anh tính đến việc khai hoang một phần đất cho mình, nhưng xung quanh chỉ còn lại những con khe cạn nước khi trời tạnh và chỉ cần một trận mưa đầu nguồn là nước tràn về cuốn phăng mọi thứ. Từ một người chuyên đi vỡ đất, hiện giờ anh lại không có được phần đất của riêng mình để có thể dựng lên một căn lán tránh mưa tránh nắng. Anh phải xin dựng chòi trên một vườn keo của một gia đình ở bản bên, trên mảnh đất mà người này đã mua lại của anh cách đây 5 năm.

Không thể làm “người làng” được nữa

Đã 2 năm nay, anh Nọi ở trên căn chòi tối tăm, ẩm thấp với một quyết tâm biến con khe cạn dưới chân đồi thành ruộng nước và ao nuôi cá. Muộn còn hơn không, người đàn ông có cuộc đời khá nhiều bất hạnh và không vợ con ấy bắt đầu khởi nghiệp ở một độ tuổi không còn trẻ nữa.

Anh dự định ngoài việc  đào một ao thả cá sẽ trồng thêm một vườn keo và chuyển tới ở hẳn tại khu vườn mới ấy. Anh cũng chưa nghĩ đến chuyện sẽ về bản ở, mặc dầu anh vẫn là một thành viên của bản Sơn Khê. “Nhưng về bản thì lấy chi ăn?” Đó là vấn đề lớn nhất của anh Nọi.

25 năm nay người đàn ông này mưu sinh bằng nghề vỡ đất thuê.

Chính quyền địa phương xét thấy gia đình anh từng có công giúp đỡ cách mạng. Ông thân sinh anh là cán bộ chống Pháp đã mất từ lâu. Các anh chị đều đã có gia đình riêng, hoàn cảnh của anh như vậy rất đang quan tâm. Chính quyền xã Chi Khê đã quyết định dựng một căn nhà sàn tình thương cho anh vào cuối năm 2008.

Nhà đã dựng lên nhưng không ai ở. Anh nói với những cán bộ địa phương rằng anh không thể rời xa nguồn sống của mình là măng nứa và rừng. Bản thân tật nguyền, học ít nên không biết chọn nghề gì tốt hơn nghề rừng. Anh đành nhường lại căn nhà cho một người em họ mới ra ở riêng. “Vợ anh ta mới mất, bản thân lại đang phải nuôi con nhỏ, cũng tội nghiệp lắm”./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên