Ám ảnh chuyện "ma lai", "thuốc thư"

Không ai biết ma lai, thuốc thư là gì, nhưng nó vẫn âm ỉ tồn tại trong đời sống của cộng đồng người dân tộc ở Tây Nguyên, là nguyên nhân của nhiều vụ án giết người đau lòng

Theo lý giải của một số người Bana, Jarai: “ma lai” là một thứ ma không có hình thù cố định, chuyên bay đi để ăn nội tạng của người hay súc vật. Người có “ma lai” sẽ làm ra “thuốc thư”. Nếu ghét ai thì sẽ bỏ cho người đó đau ốm mà chết. Người bị nghi ma lai bị cộng đồng xa lánh, bị đuổi ra khỏi làng, thậm chí bị giết cả nhà. Những vụ án giết người hết sức đau lòng xảy ra trên địa bàn tỉnh Gia Lai thời gian qua đã minh chứng cho hủ tục lạc hậu và nhận thức còn hạn chế của đồng bào.

Những vụ án đau lòng

Làng Đắk Yă, xã Đắk Yă, huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai giờ là ngôi làng bình yên giữa bạt ngàn núi rừng Tây Nguyên. Thế nhưng cách đây 4 năm, hai vụ án mạng xảy ra làm 3 người chết và nhiều căn nhà, tài sản bị đập phá đã gợi lên những nỗi buồn vô hạn của người dân nơi đây về hủ tục thuốc thư.

Năm 2007, Duân và Kel đều 29 tuổi, trú ở làng Đắk Yă, thường ngày có hành vi trộm cắp vặt, gây gổ với một số thanh niên trong làng. Mọi người đến khuyên can thì cả hai đều cho rằng: “Tao đi ăn cắp của làng khác, chúng mày xen vào làm gì. Từ nay, đứa nào cản chuyện của tao, chúng tao sẽ thư chết”. Ai ngờ, câu nói trong khi ngà ngà say của cả Duân và Kel như lửa đổ thêm dầu vào những thanh niên trong làng vốn trước đây đã nghi ngờ Duân và Kel có “thuốc thư” . Trớ trêu thay, sau phát ngôn ấy được một tuần thì làng Đăk Yă có bà H’Blin lăn ra ốm và chết. Quá bức xúc, khoảng 21h ngày 10/3/2007, hàng chục người dân trong làng đã kéo đến nhà Duân đập phá tan hoang nhà cửa, tài sản. Vài tiếng sau, Duân đi uống rượu về thấy nhà mình bị đập phá nên đến nhà rông chửi bới, đe dọa những thanh niên đang ngủ ở đây. Thấy Duân cầm dao rựa rất hung hăng nên hàng chục thanh niên đã bao vây, đánh Duân cho đến chết rồi kéo xác vứt ở khu nhà mồ của làng.

Hlin (cởi trần) cho biết, lúc kích động các bạn đánh chết bố con nhà Kel và Duân, Hlin đang làm Bí thư Chi đoàn làng Đăk Yă

Không chỉ dừng lại ở đó, sáng sớm hôm sau, nhiều thanh niên trong làng lại tiếp tục kéo nhau đến đập phá nhà cửa, tài sản của gia đình Kel. Sau đó cả nhóm thanh niên dùng bụi than, bôi vào mặt với mục đích giả những người bị thư chết về trả thù rồi kéo lên khu rẫy Đắk Ram đánh chết Kel cùng cha ruột Hnhêu (76 tuổi) khi họ đang làm rẫy.

Qua kết quả điều tra của Cơ quan CSĐT, Tòa án nhân dân huyện Mang Yang đã đưa các đối tượng: Hlin (sinh năm 1980), Yưk (sinh năm 1984), Ngin (1989), Uônh (1987), Hưn (1982), Hlinh (1989), Kưh (1980) ra truy tố trước pháp luật với tội danh giết người và hủy hoại tài sản công dân. Trong đó, Hlin bị kết án 9 năm tù giam, những đối tượng khác đều bị kết án 7 năm tù. Ngày 2/9/2010, do ý thức cải tạo tốt, cùng với chính sách khoan hồng của Đảng và Nhà nước, cả 7 đối tượng trên đã được đặc xá trở về hòa nhập với cộng đồng xã hội và làm lại cuộc đời.

“Mình không biết thuốc thư là gì”

Gương mặt bà Pok vẫn còn đầy sợ hãi
khi kể chuyện với PV

Không chỉ có Duân, Kel, Hnhêu, mà ở trong làng Đăk Yă còn có bà Pok, sinh năm 1937, người từng một thời bị xua đuổi vào rừng vì bị dân làng quy kết có “thuốc thư” hại người. Chúng tôi đến gặp bà Pok, ngôi nhà tuềnh toàng cũ nát như chính khuôn mặt rầu rĩ của bà sau bao sóng gió bị nghi là có thuốc thư. Bà Pok kể: “Mình sinh ra ở làng Plei Bong, xã A Yun, một xã nghèo nhất của huyện nghèo Mang Yang. Gần 50 năm trước mình đã lấy chồng về làng Đăk Yă, xã Đăk Yă. Trước đây, mình là thầy mo chuyên đi cúng cho dân làng để cầu cho mưa thuận gió hòa, bà con làm ăn thuận lợi. Năm 2006, không biết vì sao dân làng bảo mình có thuốc thư, từ đó bị mọi người đánh đập, xua đuổi. Sợ quá, vào một đêm mưa gió, mình phải trốn vào rừng lánh nạn”.

Tôi hỏi bà có biết thuốc thư là thế nào không, bà Pok trả lời: “Thuốc thư là gì mình cũng không biết mà. Mình là người, mình muốn ăn bát cơm, dân làng cũng là người, cũng muốn ăn bát cơm, tại sao mình phải hại họ chứ”.

Chỉ cho chúng tôi ngôi nhà đã bị bỏ hoang hơn 4 năm nay của Kel cùng cha ruột Hnhêu, anh H’Lây - Trưởng Công an xã Đăk Yă cho biết: “Gia đình ông Hnhêu từ bao đời nay sinh sống với bà con trong làng hòa thuận, nhưng năm 2007, cũng chỉ vì những hủ tục lạc hậu mà tình làng nghĩa xóm không còn, cả Kel cùng cha ruột là Hnhêu đã phải chết vì bị thanh niên trong làng đánh đập tại khu rẫy Đắk Ram. Kể từ đó đến nay, ngôi nhà bị bỏ hoang, không ai ngó ngàng tới”.

Chiều tối, chúng tôi đến nhà Hlin, một trong số 7 người đã gây ra cái chết đau lòng trong hai vụ án giết người vì thuốc thư. Tới nhà, Hlin vừa đi làm đồng về và đang ngồi uống rượu cùng với những thanh niên trong làng. Tôi liền ngồi xuống uống chén rượu suông với họ. Qua câu chuyện, Hlin cho biết: “Nghe dân làng nói đến thuốc thư nên em bức xúc kêu thanh niên trong làng kéo đến đánh hai bố con nhà Kel và Duân chết. Sau đó, em bị đi tù. Lúc đó, em đang làm Bí thư Chi đoàn làng Đăk Yă, nhưng cũng chẳng biết thuốc thư là gì”.

Tôi hỏi, không biết thuốc thư là gì tại sao lại kéo thanh niên đến đập phá nhà người ta, rồi đánh người ta đến chết, Hlin ậm ừ: “Thì dân làng bảo phải tẩy chay thì mình đến và hùa vào đánh thôi. Giờ đi cải tạo về rồi em rất ân hận vì đã gây ra lỗi lầm này. Lúc mới ra trại, em và 6 người còn lại đã mua con lợn đến gia đình họ làm thịt, thắp hương và xin lỗi họ rồi”.

Thầy mo H'Nheo cũng không biết thuốc thư là gì

Để tìm lời giải cho thuốc thư, chúng tôi tìm đến nhà bà H’Nheo ở làng Đăk Trôk, xa Đăk Yă, người được coi là một thầy mo chuyên giải thuốc thư. Bà H’ Nheo cũng cho biết: “Mình có biết thuốc thư là gì đâu, dân làng ai đến nhờ mình cúng thì mình cúng thôi. Mỗi lần cúng xong, mình cho người ốm uống một cốc nước và ăn một quả trứng luộc, có người thì khỏi, có người không”.

Xóa bỏ hủ tục

Ma lai là gì, thuốc thư là gì, ngay cả những người nghi ngờ và những người bị nghi ngờ đều không ai biết khi trả lời câu hỏi của tôi. Vậy tại sao nó vẫn âm ỉ tồn tại ở vùng Tây Nguyên còn đầy rẫy vất vả khó khăn này?!

Đại tá Trần Văn Thọ, Trưởng công an huyện Măng Yang cho biết: “Mỗi lần nhắc đến chuyện thuốc thư, ma lai, chính quyền ở đây lại đau đầu. Lúc trước, ngoài thuốc thư, người ta còn đồn về loại ma lai chuyên bắt người ăn thịt. Nhiều năm qua, chúng tôi đã cố gắng giải quyết những lời đồn mê tín dị đoan này trong dân cư.

Mới đây nhất, vào tháng 7/2010, tại làng Đê Kôp, thị trấn Kon Dỡng, huyện Mang Yang cũng xảy vụ mâu thuẫn về thuốc thư. Jêl quê ở làng Đăk Yă lấy vợ và về làng Đê Kôp ở rể theo phong tục của người Bana. Trong lúc rượu ngà ngà, Jêl nói với nhóm thanh niên là mình có thuốc thư. Một lần, do có mâu thuẫn trong bàn rượu, Jêl đã dùng một loại bột cây có độc tố và thổi vào các thanh niên cùng bàn khiến tất cả bị phù nề vì nhiễm độc. Dân làng đã kéo đến đánh và đuổi Jêl ra khỏi làng. Rất may chính quyền địa phương và các ngành chức năng đã sớm vào cuộc và ngăn chặn được chuyện đáng tiếc xảy ra. Qua giải thích của cán bộ, dân làng hiểu rằng đó không phải là thuốc thư, mà là bột của một loại cây có độc tố. Nghe cán bộ giải thích có lý vậy, Jêl và gia đình đã nộp 10 ghè rượu và một con bê theo phong tục để xin lỗi dân làng. Giờ Jêl cùng dân làng rất hòa thuận và cùng bảo nhau làm ăn, phát triển kinh tế.

“Những người dân ở địa phương đều không ai biết thuốc thư, ma lai là gì, không có cơ sở khoa học để chứng minh nhưng vì sự thiếu hiểu biết, nhận thức lạc hậu đã dẫn đến nghi ngờ, thêu dệt, làm điều sai trái và vi phạm pháp luật. Đây là một hủ tục lạc hậu hết sức nguy hiểm đã và đang được loại bỏ khỏi đời sống xã hội” - Trưởng Công an huyện Măng Yang Trần Văn Thọ khẳng định./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên