Ấm áp tình người nơi đầu nguồn lũ sông Trà Bồng

Bình Mỹ - 6 ngày sau cơn lũ dữ, tuyến tỉnh lộ từ thị trấn Châu Ổ lên huyện Trà Bồng còn nhầy nhụa bùn đất. Dấu tích của cơn lũ dữ vẫn còn hiển hiện với những ngôi nhà đổ sập trơ lại những đống gạch vụn, tôn, gỗ ngổn ngang.

Bão số 9 gây thiệt hại nặng nề cho tỉnh Quảng Ngãi, đặc biệt là các xã hai bên bờ sông Trà Bồng của huyện Bình Sơn như Bình Mỹ, Bình Chương, Bình Minh, Bình Trung, Bình Long… Toàn huyện có 18 người chết, 80 người bị thương, hàng ngàn gia đình bị mất hết tài sản, thiệt hại vật chất hàng ngàn tỉ đồng. Trong nguy khốn, đã sáng ngời tình đồng loại. Từ những bát cơm đạm bạc ngày mưa lũ, đến những con người không quản hiểm nguy lao ra giữa dòng nước dữ để cứu người. Tất cả, chỉ vì một chữ đồng bào.

Bình Mỹ - 6 ngày sau cơn lũ dữ, tuyến tỉnh lộ từ thị trấn Châu Ổ lên huyện Trà Bồng còn nhầy nhụa bùn đất. Dấu tích của cơn lũ dữ vẫn còn hiển hiện với những ngôi nhà đổ sập trơ lại những đống gạch vụn, tôn, gỗ ngổn ngang. Người dân vùng lũ Bình Sơn đang cố nhặt nhạnh những gì còn sót lại sau cơn cuồng nộ của thiên nhiên. Ngồi trong túp lều tạm do anh em bộ đội vừa dựng lại lấy chỗ che mưa, che nắng cho gia đình, hai vợ chồng ông Lê Văn Thơm ở thôn Phước Tích, xã Bình Mỹ vẫn chưa hết bàng hoàng. Hết nhìn đống gạch đá, tre gỗ ngổn ngang lại nhìn sang mấy bao lúa bị ngập nước lâu ngày bị nảy mầm, bốc mùi chua nồng. Nước lũ dâng cao và nhanh quá, nhiều người chỉ kịp chạy thoát thân, bao nhiêu tài sản đều bỏ lại. Lúc trở về chi còn hai bàn tay không. Đành phải tá túc nhờ nhà hàng xóm.

Nhờ ở trên cao nên nhà bà Nguyễn Thị Miên chỉ bị ngập nhẹ. Thấy bà con lối xóm bị trôi nhà, mất hết tài sản, vợ chồng bà Miên thu dọn đồ đạc, lấy chỗ nghỉ ngơi cho 6 hộ mất nhà. Có bao nhiêu gạo, mắm đều đem ra giúp bà con qua cơn đói rét. Cũng như bà Miên, 4 gia đình khác có nhà cao đã sẵn lòng mời bà con lối xóm về nhà mình cho ăn, ở. Nghĩa cử ấy tuy giản đơn nhưng nồng nàn tình làng nghĩa xóm, làm ấm lòng những mảnh đời trong cơn khốn khó. Bà Miên nghĩ: “Bà con khó khăn, mình có thì giúp đỡ thôi. Ăn uống có tốn bao nhiêu đâu. Chẳng qua là lúc hoạn nạn thôi mà”.

Còn với bà Đào Thị Tâm ở thôn Thạch An thì sẽ không bao giờ quên cảnh tượng hãi hùng trưa 29/9. Nước lũ lên nhanh không ai trở tay kịp, vợ chồng con cái phải lên tầng 2 mà vẫn không thoát. Hàng xóm có người đã dỡ mái nhà chui ra ngoài cầu cứu. Nhìn những ngôi nhà trôi trong dòng nước đục ngầu cuồn cuộn chảy, bà Tâm không dám nghĩ mình còn sống, nếu lúc ấy, không được anh Phạm Văn Chính chèo thuyền thúng ra cứu. Bà Tâm nhớ lại: “Nước lớn quá, thêm mấy tấc nước nữa là chết thôi. Bây giờ nghĩ lại, nói ai ngồi trên nóc nhà là hai hàng nước mắt tôi cứ chảy”.

Chúng tôi đến nhà anh Phạm Văn Chính, căn nhà trống hoác từ trước ra sau vì bức tường phía sau bị đổ. Hôm bão, vốn là dân lái xe nhưng thấy nước lên dữ quá, nhiều người phải ngồi trên mái nhà cầu cứu, anh Chính gọi em trai lấy thúng chèo ra giữa dòng nước dữ cứu người. Tất cả 4 chuyến, 2 anh em Phạm Văn Chính - Phạm Văn Nhân đã cứu được 11 người thoát chết. Cứu xong mọi người, nước rút, trở về, hai ngôi nhà cái thì sập hoàn toàn, cái thì sạt tường, đồ đạc trôi mất hết theo dòng nước lũ. Thế mà, câu chuỵên với chúng tôi, anh Chính không một lời than thở cho riêng mình: “Nhà mình có hư thì mình còn sống, còn làm được. Thấy người sắp chết đuối mà mình không cứu sao được. Nguy hiểm thì có nguy hiểm thật. Nhưng mà lúc dó không nghĩ nữa”.

Để lại căn nhà bừa bộn cho vợ con, anh Chính lại lao vào khắc phục hậu quả bão lũ. Hàng ngàn héc-ta rừng bị ngã đổ đang phải thu hoạch gấp. Anh lại phải rong ruổi lên tận Trà Bồng chở gỗ keo đưa về Dung Quất bán cho nhà máy giấy để vớt vát phần nào thiệt hại cho bà con. Anh đi từ sáng sớm, không kịp để cho những người sống sót có dịp nói lời cảm ơn./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên