Bạc mặt vì “vàng trắng”

Với hy vọng “đổi đời” nhờ trở thành công nhân có lương cao và ổn định, hàng ngàn nông dân ở huyện nghèo Quỳnh Nhai, Sơn La đã góp đất với Công ty Cổ phần Cao su Sơn La để phát triển cây cao su. Thế nhưng...

Được nhận bò hỗ trợ, vẫn lo thiếu ăn

Đi dọc địa bàn các xã Chiềng Bằng, Mường Sại, Chiềng Khoang, Liệp Muội... của huyện Quỳnh Nhai mới thấy không khí góp đất trồng cao su của nông dân nơi đây trong mấy năm nay đã lên tới “cao trào”. Hơn 1.000ha đất sản xuất đã được nông dân Sơn La góp với Công ty Cổ phần Cao su Sơn La để phát triển thứ “vàng trắng”. Những nương ngô, sắn, mía, lúa... hôm nào nay đã bật lên những mầm nhựa sống của loại cây công nghiệp mới. Tuy nhiên, khi hỏi đến hiệu quả và cuộc sống của người dân sở tại kể từ ngày góp đất phát triển cây cao su thì ai cũng thấy ái ngại.

Nhìn những thân cây cao su sau hơn 2 năm đầu tư phát triển đã cao vượt đầu người lớn, xoè tán lá tròn như khay uống nước đón nắng trời, anh Bạc Cầm Hình, bản Nà Lo, xã Chiềng Khoang cho hay: “Cây cao su vào đây năm 2009, hầu hết các hộ dân trong bản đều góp đất trồng cao su với hy vọng làm nên một cuộc đổi đời nhờ nguồn thu nhập từ lương cao và ổn định; trong nhà có người được làm công nhân cho Công ty. Nhà tôi cũng góp 1ha. Nhưng đến nay, hầu hết các hộ dân trong bản chỉ mới đi làm công nhật, chứ chưa ai được nhận vào làm công nhân. Công việc mỗi tháng chỉ đáp ứng được 3-5 buổi, nên cùng lắm mỗi hộ cũng chỉ kiếm được 150-300 nghìn đồng/tháng. Mức thu nhập này khó đáp ứng được cuộc sống cho cả gia đình”.

Không có việc làm, những nông dân bản Nà Lo ngồi tán dóc bên sân, ngoài ngõ. Gặp chúng tôi khi vừa đưa 2 đứa con đi học về, anh Cà Văn Phong cho biết: “Nhà tôi góp 9.000m2 đất trong 3 năm nay nhưng từ khi làm cao su thì khổ quá, gạo thiếu, tiền thiếu...”. Anh Phong là 1 trong 6 hộ trong bản may mắn “bốc thăm” được “gói hỗ trợ bò, không tính lãi suất” của Công ty cổ phần Cao su Sơn La. Theo đó, gia đình anh được hỗ trợ 5,4 triệu đồng để mua bò giống và làm chuồng trại. Mỗi tháng, anh phải trừ dần 150.000 đồng. Khổ nỗi, do công việc làm cao su mỗi tháng chỉ 3-5 ngày nên khi trừ dần như vậy, gia đình anh gần như lúc nào cũng trong tình trạng tiền hết, gạo hết. Để lo cho cuộc sống gia đình, anh Phong chỉ còn biết tận dụng mấy chục mét vuông đất còn lại để trồng sắn, hòng có cái ăn trong những ngày thiếu đói.

Mới chỉ tuyển 38 công nhân chính thức?

Quỳnh Nhai là một trong những huyện nghèo nhất nước - trong diện hưởng chính sách 30A của Chính phủ. Hiện tại, sản xuất nông nghiệp đang là ngành nghề truyền thống và cũng là “thế mạnh đương đại” của huyện - chủ yếu trông chờ vào nguồn thu hoạch từ sắn, ngô, lúa… trên nương. Nói cách khác, nông dân ở đây nếu rời đất nương là thiếu ăn, thiếu mặc. Vậy mà trong 3 năm qua, toàn huyện đã trồng được gần 1.000ha cây cao su với sự tham gia của hàng ngàn nông dân, chủ yếu là đồng bào dân tộc Thái.

Khi tiếp xúc với chúng tôi, chị Lù Thị Phiên, bản Huổi Quẩy, xã Chiềng Bằng cho hay: “Đã mấy năm nay chị không đi nương bởi hầu hết đất sản xuất đã góp vào để trồng cao su, mà việc chăm sóc cây cao su thì không cần nhiều thời gian, vì vậy phải ở nhà hoặc kiếm thêm việc làm khác mới có thu nhập”. Theo chị Phiên, hầu hết dân trong bản đều góp đất trồng cao su và đang khó khăn do thiếu việc làm vì đất sản xuất còn lại rất hạn hẹp. Nhiều người dân than thở: Nếu cứ thế này thì không sống nổi với cây cao su. Chẳng biết đến bao giờ nó mới có nhựa để thu hàng chục triệu đồng/năm/ha như người ta nói. Ngay cái chế độ mỗi hộ góp đất trồng cao su được 1 biên chế công nhân với mức lương 1,2 triệu đồng/năm mà lúc đầu công ty hứa, đến nay trong bản cũng chưa gia đình nào được hưởng.

Trao đổi với chúng tôi, nhiều người dân nghèo “góp đất” để phát triển thứ cây “vàng trắng” này cho biết: Mấy tháng nay thu nhập nhờ đi làm ở công ty chỉ được 200-300 ngàn đồng mà mỗi hộ cũng chỉ được 1 người đi làm. Còn lại phải tự kiếm việc làm, đi xa làm thuê để kiếm sống...

Theo báo cáo của UBND huyện Quỳnh Nhai, đến đầu năm 2010, toàn huyện có 700 lao động đi làm việc cho Công ty Cổ phần Cao su Sơn La, trong đó chỉ có 38 công nhân chính thức ở xã Mường Sai, còn lại hơn 600 người khác sau khi góp đất trồng cao su trở thành “công nhân hợp đồng thử việc” hay “Lao động thử việc - Công nhân tạm tuyển”... Song, theo phản ánh của người dân, những “chức danh lao động này” chẳng thể mang lại nguồn thu nhập đủ ăn cho chính bản thân họ, nói gì tới hỗ trợ gia đình.

Thực tế, nếu không có chính sách tạo việc làm, thu nhập cho người dân “góp đất” trồng cao su ở huyện Quỳnh Nhai, Sơn La thì khó lòng có thể đảm bảo thứ cây công nghiệp mới này trụ vững được nơi đất nghèo./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên