Tìm lời giải cho Tây Nguyên thêm xanh

Bài 1: Đại ngàn nham nhở

Tìm giải pháp bảo vệ rừng, tổ chức sản xuất lâm nghiệp, phát triển Tây Nguyên xanh bền vững là vấn đề cấp thiết của các địa phương ở Tây Nguyên hiện nay.

>> Rừng đặc dụng bị tàn phá ở Đắk Nông
>> Rừng đầu nguồn Vĩnh Linh tiếp tục bị tàn phá
>> Mất rừng do mải ăn phần "miếng bánh" du lịch
Với gần 3,3 triệu ha đất lâm nghiệp, hơn 2,9 triệu ha rừng, Tây Nguyên có độ che phủ rừng tới 54%, gấp rưỡi so với bình quân chung của cả nước. Nhưng Tây Nguyên vẫn chưa phát huy được tiềm năng lợi thế này để phát triển kinh tế xã hội.

Tỷ trọng nông - lâm nghiệp, thủy sản ở Tây Nguyên vẫn chiếm hơn 50% trong cơ cấu nền kinh tế, nhưng tỷ trọng ngành lâm nghiệp lại rất khiêm tốn, chưa đến 5%. Trong khi đó, một thực tế đáng báo động là rừng Tây Nguyên đang bị tàn phá khốc liệt, đất lâm nghiệp bị xâm chiếm tràn lan. Trồng rừng đạt gần 200.000 ha, chỉ bằng 7% tổng số rừng trồng toàn quốc, và vẫn còn hơn 300.000 ha đất trống đồi trọc. Nền lâm nghiệp Tây Nguyên vẫn dựa vào khai thác rừng tự nhiên là chủ yếu.

Lâm tặc hoành hành

Những cánh rừng bị tàn phá nham nhở. Những túp lều dựng tạm lưng chừng núi, xiêu vẹo trước gió. Từng đám người lúi cúi phát cây, đốt khói nghi ngút. Những rẫy sắn, nương điều lấn át cây rừng. Đó là thực trạng tại vùng giáp ranh giữa tỉnh Đắc Nông với tỉnh Bình Phước, địa bàn nóng bỏng nhất Tây Nguyên về tình trạng phá rừng, tranh chấp đất đai, chống người thi hành công vụ.

Chống dao phát, anh Điểu Bảy, ở xã Đắc Ngo, huyện Tuy Đức, chỉ rẫy sắn chen lấn giữa những gốc cây cháy đen ở tiểu khu 1521, thuộc lâm phần của Công ty TNHH 1 thành viên lâm nghiệp Quảng Tín quản lý, nói: “Mình chỉ giành lại đất của những người phá rừng thôi”. Theo lời anh Điểu Bảy kể thì một tốp khoảng 30 người nói là đi phát quang cho lâm trường. Họ bảo anh Điểu Bảy có muốn lấy đất thì qua lâm trường xin. Anh Điểu Bảy làm căng vì khu vực đó là nghĩa địa của gia đình anh. “Lấy lại đất tôi phạt theo phong tục tập quán là các ông không đền nổi đâu. Tôi nói vậy thì họ mới bỏ đi” – anh Điểu Bảy nói.

Theo thống kê của lực lượng kiểm lâm, khu vực này có cả ngàn hộ vào phá rừng, chiếm đất. Ông Thân Văn Minh, Giám đốc Công ty TNHH 1 thành viên lâm nghiệp Quảng Tín, cho biết, đối tượng phá rừng chủ yếu là dân địa phương, dân di cư tự do. Thủ đoạn phá rừng cũng ngày càng tinh vi, có tổ chức, và có cả một số đối tượng đứng sau thuê họ phá rừng. Trong 3 năm gần đây, đã hàng chục lần lâm tặc bao vây, đánh bị thương các cán bộ, đập phá trạm bảo vệ rừng của công ty. Bọn chúng còn tấn công cả lực lượng kiểm lâm, quân sự, công an vào hỗ trợ.

Ông Thân Văn Minh bức xúc: “Đất chỗ nào cũng bị xâm canh hết. Cả một rừng mênh mông vậy, nhưng khi quy hoạch dự án là họ kiện, quậy phá. Cơ bản không phải là dân kiện mà chủ yếu là những kẻ đứng đằng sau. Khoảng 3-4 giờ sáng là lâm tặc đưa đèn đi cắt cây lớn, còn buổi chiều thì khoảng 6-7 giờ thì chúng bắt đầu cưa gỗ. Phục bắt được những kẻ này không đơn giản. Chúng phá rừng và đánh lại lực lượng chức năng. Cứ làm, bắt, giáo dục tuyên truyền rồi thả về, lần sau họ lại phá rừng mạnh hơn”.

Khâu quản lý có vấn đề?

Những ngày này, lực lượng kiểm lâm và các ngành chức năng của tỉnh Đắc Nông đang quyết liệt tổ chức cưỡng chế giải tỏa 216 điểm xâm chiếm đất rừng tại 5 tiểu khu ở vùng giáp ranh giữa Đắc Nông và Bình Phước. Ngay lập tức, hàng trăm đối tượng tập trung chống lại lực lượng cưỡng chế, rồi ký đơn tập thể kéo về trụ sở UBND tỉnh Đắc Nông, yêu cầu lập xã mới. Rừng vẫn mất hàng ngày, trước sự bất lực của chủ rừng và các ngành chức năng.

Ông Nguyễn Đức Luyện, Giám đốc Sở Nông nghiệp phát triển nông thôn Đắc Nông, chỉ ra những bất cập: “Lực lượng bảo vệ rừng của các đơn vị rất mỏng: một công ty lâm nghiệp chỉ có khoảng 12 đến 15 cán bộ, mà diện tích rừng quản lý thì trên 10.000 ha, do đó không thể kiểm soát nổi. Trong khi đó, lực lượng quản lý bảo vệ rừng cũng chỉ hưởng lương rất bình thường, không có thêmt chế độ gì cả trong khi thời gian làm việc thì gần như cả ngày cả đêm. Bên cạnh đó, trách nhiệm của cá nhân trong việc quản lý bảo vệ rừng rất nặng nề. Từ trước đến nay chúng ta kỷ luật chủ yếu là cán bộ bảo vệ rừng và giám đốc các công ty lâm nghiệp; ngược lại thì trách nhiệm quản lý nhà nước đối với việc quản lý bảo vệ rừng chúng ta làm chưa tốt”.

Chủ rừng thì nắm trong tay lực lượng bảo vệ quá yếu, chính quyền cơ sở thì không quản lý được đất đai, dân cư, còn các dự án giao đất, giao rừng cũng chưa thực hiện nghiêm túc, khiến rừng Đắc Nông ngày càng mất nhiều hơn. Từ đầu năm đến nay, hơn 500 ha rừng ở tỉnh này đã bị phá trắng.

Ông Đỗ Ngọc Duyên, Chi cục trưởng Chi cục kiểm lâm tỉnh Đắc Nông, bày tỏ: “Chính quyền, nhất là ở cấp xã, không quản lý được dân cư, không quản lý được đất đai. Người dân thì bị xúi giục là rừng giao cho các doanh nghiệp, được phép chuyển đổi, khai hoang để trồng cao su, trồng cây công nghiệp, doanh nghiệp đó được phá rừng, tại sao người dân thì không? Mà nguyên tắc và chỉ đạo của tỉnh là, doanh nghiệp có vốn, có kỹ thuật, còn người dân có đất, có lao động, phải liên doanh thu hút người dân tại chỗ vào cùng làm. Nhưng thực tế doanh nghiệp đâu có làm vậy, “ông” nào cũng muốn đền bù đất đó để đẩy dân ra”.

Đó cũng là tình trạng chung tại khắp các địa phương ở Tây Nguyên. Tính riêng 9 tháng năm 2010, toàn vùng đã có gần 2.000 ha rừng tự nhiên bị tàn phá. Rừng mất, đất lâm nghiệp bị xâm chiếm, khiến đại ngàn Tây Nguyên nham nhở. Một trong những nguyên nhân chính là những bất cập trong công tác quy hoạch sử dụng tài nguyên, những hạn chế của cơ chế chính sách lâm nghiệp và công tác quản lý nhà nước trên địa bàn./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên