Lộn xộn bãi vàng Pắc Ta:

Bài 1: Dân nghèo trên “đất vàng”

Tình trạng ô nhiễm môi trường xung quang bãi vàng ở Pắc Ta, Tân Uyên, Lai Châu đang diễn ra rất nghiêm trọng. Núi bị đào khoét, quặng vàng được lấy đi, những người dân nghèo ở đây lại càng nghèo hơn khi sức khoẻ của họ đang bị huỷ hoại từng ngày.

Kỳ 1: Nhức nhối vùng vàng
Kỳ 2: Nơi bản nghèo heo hút

Như chúng tôi đã đưa tin, tình trạng cá, trâu, bò chết hàng loạt do bị ô nhiễm bởi nguồn nước thải ra từ bãi vàng tại xã Pắc Ta, huyện Tân Uyên, tỉnh Lai Châu vẫn tiếp diễn. Tiếp tục điều tra, tìm hiểu, PV Đài TNVN - Thường trú khu vực Tây Bắc đã phát hiện, làm rõ một số vấn đề: Để chắt được vàng, các doanh nghiệp đã hạ rừng, khoét núi, sử dụng hoá chất xyanua cực độc để ủ quặng vàng. Đi kèm với nó là sự gia tăng của tệ nạn xã hội như: nghiện ngập, trộm cắp… khiến môi trường sống của người dân nghèo quanh đây đang chết dần đi và khu bãi vàng đang trở thành điểm đen của tệ nạn.

 Chúng tôi có mặt tại xã Pắc Ta khi trời đã xế chiều, vẫn kịp nhận ra phía trên những ngọn núi cao, nham nhở những ngôi nhà, lán tạm của các đơn vị khai thác quặng vàng ở đây. Anh cán bộ xã- yêu cầu được giấu tên, dẫn chúng tôi đến một số gia đình đang sống phía dưới những ngọn núi cao đang bị đục khoét nham nhở.  Ông Lý Văn Chài - Trưởng bản Ka 2 cho biết: đã có nhiều trâu, bò chết vì uống phải nước bị nhiễm độc. Cũng như mọi người dân nơi đây, ông không biết đó là chất gì, và trong lúc bức xúc chỉ biết gọi  là "cái thứ hoá chất quái quỷ". Nó độc lắm, chỉ cần một giọt nhỏ thôi là có thể làm một con trâu to lăn ra chết ngay. Trâu còn chết thì người sao thoát nổi, ông Chài lo lắng.

Về vấn đề này anh Lê Trọng Đại - Trưởng Công an xã Pắc Ta khẳng định: “Trước kia khi chưa có bãi vàng ấy thì trâu, cá chết theo dịch cũng có nhưng không phải vì nước thải từ việc ủ hoá chất. Anh em ở Thú y huyện về kiểm tra kết luận, trâu bò và súc vật ở đây chết vì do uống phải chất xyanua. Khi mổ con trâu ra, dạ dầy của nó nó bị lột hết. Gan, tim, dạ dầy mềm nhũn, bở ra. Nguyên nhân trâu chết được xác định là do uống phải nước độc.

Dòng nước thải từ bãi vàng

Trưởng bản Lý Văn Chài liệt kê một loạt gia đình có trâu bị chết do uống phải nước bị nhiễm độc xyanua: nào là nhà ông Thái ở bản Mít Thái, nhà ông Ất, nhà ông Dậu, nhà anh Mạnh ở bản Hoàng Hà… rồi bảo chúng tôi cứ đến những nhà đó mà hỏi cho rõ. Theo những gợi ý trên, chúng tôi tìm đến nhà ông Phùng Văn Ất bản Hoàng Hà để xác minh thông tin. Khi tôi hỏi về chuyện con trâu của gia đình chết vì uống phải nước bị nhiễm  hoá chất độc hại, ông Ất liền mở tủ lấy ngay ra một tờ giấy đưa chúng tôi xem và bảo: “nói có sách mách có chứng. Các anh cứ đọc thì sẽ biết”. Thì ra đó là biên bản mổ khám nghiệm gia súc của cơ quan thú y huyện, trong đó ghi rõ các đặc điểm, triệu chứng cũng như kết quả điều tra dịch tễ. Kết luận cuối cùng là con trâu đó chết do hoá chất độc hại.

Bãi vàng Pắc Ta được người dân phát hiện vào tháng 8/2007. Để ổn định tình hình và dễ quản lý, tỉnh Lai Châu đã cấp phép cho các doanh nghiệp vào thăm dò, khai thác. Tuy nhiên, tình hình như càng khó quản lý hơn khi người dân địa phương nhiều lần tranh chấp khai thác, tấn công phá đốt lán thậm chí là đánh nhau với doanh nghiệp. Tiếp sau đó là hàng loạt vấn đề liên tục nổi lên xung quanh bãi vàng này.

Dẫn chúng tôi đi xem khu vực ủ quặng của một số doanh nghiệp, anh  cán bộ xã đi cùng đã vạch từng đám cỏ để chỉ cho chúng tôi xem rãnh thoát nước thải mà anh cho rằng có hoá chất thải vào đang chảy về khu dân cư phía dưới. Theo cán bộ xã này thì họ lấy sái quặng đem trộn với vôi và một loại hoá chất có tên là xyanua rồi bơm một ít nước vào để ủ. Sau khoảng 15 ngày từ rốn đất ủ người ta lấy ra một thứ nước đỏ đục. Sau nhiều lần gạn họ đem những cặn chắt được đốt để lấy vàng. Nước thừa đổ đi cứ thế ngấm và chảy theo rãnh ra suối hoặc vào ao của dân làm cá chết, trâu bò uống phải cũng chết, người lội phải thì ngứa hết chân tay.

Ông Lý Văn Chài – Trưởng bản Ka 2 cho biết, doanh nghiệp ủ hoá chất trên bãi này. Nước thải từ việc ủ này chảy vào ruộng khiến cây chết. Chảy vào ao, lợn, gà… uống phải cũng chết, bà con nuôi cái gì cũng không được. Cá cũng chết nhiều lắm. Bây giờ đến nước khe, nước giếng chúng tôi không dám sử dụng trong nấu nướng vì sợ nó nhiễm độc. Chúng tôi đã thông báo cho bà con, bây giờ không dùng nước giếng nữa”. 

Cùng với thông tin từ chính quyền địa phương, rồi theo dõi và thực tế mục sở thị, có thể thấy rằng tình trạng ủ hoá chất diễn ra trong thời gian khá dài. Do đó việc ô nhiễm môi trường, nguồn nước là khó tránh khỏi. Lâu dài, hoá chất này ngấm xuống đất thì mức độ nguy hiểm còn lớn hơn.

Đi kèm với tình trạng ủ hoá chất lấy vàng làm ảnh hưởng đến môi trường nêu trên là sự gia tăng về tệ nạn xã hội. Trên địa bàn xã Pắc Ta, đặc biệt là ở những bản sát với bãi vàng, thời gian qua xuất hiện nhiều trường hợp mất trộm, nghiện hút, cờ bạc. Rồi thỉnh thoảng lại có người thiệt mạng trong hầm mỏ. Công an xã khẳng định ít nhất đã có 3 người đào hầm rồi lộn cổ chết. Nhiều người kêu: hễ xểnh ra cái gì là mất cái đó. Nhiều khi lợn, gà trong chuồng cũng bị trộm ôm đi, mà họ khẳng định tình trạng này chỉ xuất hiện từ khi có bãi vàng này. Khi được hỏi về vấn đề nghiện ngập, không ít người trả lời một cách thản nhiên là “đầy rẫy”. Nghiện hết rồi! cả đàn bà cũng nghiện…

Ông Phan Trọng Đại - Trưởng Công an xã Pắc Ta thông báo: “Tình hình an ninh trật tự sau khi có bãi vàng Pắc Ta nỗi lên một số vấn đề. Trước hết là người ở các nơi dồn về đây khai thác rất đông, đặc biệt nghiện ma tuý tăng lên. Những đối tượng nghiện hay trộm cắp vặt. Lực lượng công an xã thường xuyên tuần tra phát hiện đối tượng nghiện, đưa về trụ sở. Trước hết làm công tác giáo dục rồi trục xuất ra khỏi địa bàn. Cách thức đó cũng giảm đi được một chút. Song bên cạnh đó, một số thanh niên địa phương do đua đòi thành ra cũng bị nghiện.

Vấn đề này đã được chính quyền địa phương thừa nhận và nhiều lần phản ánh lên trên. Và cũng đã nhiều lần các đoàn công tác đến lấy mẫu đi xét nghiệm. Thậm chí đoàn Đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh cũng đã có đợt đi giám sát tại đây nhưng không hiểu vì sao vấn đề vẫn chưa được giải quyết. Núi bị đào khoét, quặng vàng được lấy đi, những người dân nghèo ở đây lại càng nghèo hơn khi sức khoẻ của họ đang bị huỷ hoại từng ngày.

Có thể nói tình trạng ô nhiễm môi trường xung quang bãi vàng ở xã Pác Ta, huyện Tân Uyên tỉnh Lai Châu đang diễn ra rất nghiêm trọng. Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin thêm về những vấn đề liên quan đến bãi vàng này./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên