Giá thuốc những tháng đầu năm 2010

Bài 1: Người bệnh sợ mua thuốc!

Cùng với giá sữa, giá thuốc luôn là vấn đề được dư luận quan tâm. Người bệnh không ngớt phàn nàn giá thuốc “bảo bao nhiêu phải trả bấy nhiêu”, còn cơ quan quản lý dược thì khẳng định: liên tục thanh tra, kiểm tra, và thị trường dược khá ổn định

 

Gần 12 giờ trưa, hiệu thuốc số 2 của Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội vẫn đông kín người. Các nhân viên bán thuốc ở đây làm việc không lúc nào ngơi tay. Trong số những đơn thuốc của bệnh nhân, không ít đơn thuốc tiền triệu. Nhiều người bệnh sau khi nhận hóa đơn tiền thuốc còn nhẩm tính lại xem nhân viên bán hàng có tính nhầm cho mình không, bởi tiền thuốc quá cao.

Bà Đàm Thị Nghề, ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội nhìn hóa đơn thuốc gần 800.000 đồng của mình mà xót xa: “Tôi bị viêm dạ dày và gan nhiễm mỡ. Đơn thuốc này toàn là thuốc ngoại, không có thuốc nội, phải thanh toán tất cả hết hơn 1 triệu đồng”.

Hóa đơn tiền thuốc của chị Nguyễn Thị Ngoan quê ở Phú Thọ, gồm 5 loại thuốc: Grabos 80mg, Powerbrain, Di-Antalvic, Valual, và Heparegen 100 mg, tổng cộng là 1.055.000 đồng. Chúng tôi đem ra hiệu thuốc Dũng Thủy trên đường Đại Cồ Việt, chị bán hàng cho hay: đơn thuốc này ở hiệu thuốc của chị bán 963.000 đồng, rẻ hơn gần 100.000 đồng so với hiệu thuốc Bệnh viện Bạch Mai”.

Thuốc là mặt hàng có đặc thù, không thể mặc cả giữa người bán và người mua, “bảo bao nhiêu phải mua bấy nhiêu”. Tại các cửa hàng thuốc, giá thuốc có thể được niêm yết trên bao bì mỗi hộp, nhưng người mua cũng không thể biết đấy là giá đúng hay giá cao. Còn khi phải vào viện, với đơn thuốc bác sỹ đã kê, có khi tới cả gần chục loại, giá lên đến vài triệu đồng, thì người bệnh cũng chỉ biết tin tưởng mua tại hiệu thuốc mà bác sỹ đã chỉ định. Thực tế này đã tồn tại trong thời gian dài.

Anh Nguyễn Thế Bình, ở Kiến Xương (Thái Bình), đi khám tại Bệnh viện K Trung ương, cũng bày tỏ lo ngại về giá thuốc hiện nay: “Thị trường thuốc hiện nay rất đa dạng. Thời gian gần đây, giá thuốc đã tăng lên nhiều. Người có bệnh thì bảo bao nhiêu mua bấy nhiêu chứ không mặc cả. Người bệnh chúng tôi đều mong muốn Nhà nước có cơ chế quản lý mặt bằng giá thuốc hiện nay. Những loại thuốc thiết yếu phải được công khai giá bán. Các nhà thuốc cũng phải rạch ròi giá thuốc để người dân biết. Người có bệnh là đã rất khó khăn, vất vả rồi, lại phải mua thuốc giá cao nữa thì càng thêm khó khăn”.

Thông tư liên tịch số 08 do Bộ Y tế và Bộ Tài chính ban hành ngày 25/7/2003 hướng dẫn việc kê khai, niêm yết giá thuốc phòng bệnh, chữa bệnh cho người quy định rõ: “Tất cả các hiệu thuốc đều phải niêm yết giá bán lẻ”, và niêm yết công khai giá thuốc theo hình thức “in, dán hoặc ghi giá bán lẻ thuốc lên bao bì chứa đựng thuốc hoặc bao bì ngoài của thuốc, hoặc thông báo công khai trên bảng, trên giấy tại nơi bán thuốc”. Nhưng thực tế, các chủ cửa hàng thuốc bán lẻ hầu như không thực hiện nghiêm quy định này.

Theo quan sát của phóng viên VOV, không thấy bảng ghi giá thuốc bán lẻ hoặc có thì rất nhỏ, khó nhìn, chỉ liệt kê khoảng vài chục loại thuốc. Còn tại các hiệu thuốc bệnh viện, giá thuốc được dán trên bao bì mỗi hộp, nhưng có lẽ chỉ là những hộp được xếp ở phía bên ngoài. Quan sát nhiều hộp thuốc do người bệnh mua tại các bệnh viện, chúng tôi không thấy có niêm yết giá trên bao bì. Như vậy, rõ ràng công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm của các cơ quan chức năng vẫn còn chưa chặt chẽ.

Nhiều người bệnh biết rằng giá thuốc bán trong bệnh viện cao hơn bên ngoài, nhiều loại thuốc không được niêm yết giá, nhưng do tâm lý muốn mua tại nơi mình khám, theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ thì yên tâm hơn, nên họ vẫn “nhắm mắt” mua vì sức khỏe. Cũng có bệnh nhân khi được hỏi tại sao không mang đơn thuốc ra ngoài mua cho rẻ, thì họ nói “sợ bên ngoài toàn thuốc giả”. Điều đó cho thấy, mặc dù phải “cắn răng” chịu giá thuốc cao, nhưng người bệnh vẫn tin tưởng vào uy tín của các bệnh viện lớn.

Có một thực tế là từ đầu năm đến nay, giá một số mặt hàng thuốc vẫn tiếp tục tăng, và  nhất là tình trạng thuốc bán tại các bệnh viện vẫn cao hơn thị trường bên ngoài. Theo báo cáo của Hiệp hội sản xuất kinh doanh dược Việt Nam, trong 6 tháng đầu năm 2010, tiến hành khảo sát 5.268 lượt mặt hàng, thuốc sản xuất trong nước có 23 lượt mặt hàng tăng giá và 13 lượt mặt hàng giảm giá. Thuốc nhập khẩu có 17 lượt mặt hàng điều chỉnh tăng giá, chiếm tỷ lệ 0,32% và 6 lượt mặt hàng giảm giá chiếm tỷ lệ 0,11%.

Tuy vậy, ông Trương Quốc Cường, Cục trưởng Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) vẫn cho rằng, dù thị trường dược phẩm từ đầu năm đến nay có một số mặt hàng điều chỉnh nhẹ nhưng cơ bản thị trường dược vẫn ổn định. Ông Trương Quốc Cường cho biết: “Vừa qua chúng tôi phối hợp với các vụ, cục chức năng của Bộ Y tế và một số ban ngành, Bộ Công thương đi kiểm tra tình hình thực hiện quy định quản lý giá thuốc của các bệnh viện. Chúng tôi đã kiểm tra gần 3.000 mặt hàng của các nhà thuốc trong bệnh viện, kể cả những nhà thuốc ở ngoài bệnh viện. Kết quả được báo cáo là 97,78% lượt mặt hàng bán trong bệnh viện thấp hơn giá bán lẻ tại các nhà thuốc xung quanh bệnh viện và chỉ có 2,22% lượt mặt hàng bán lẻ tại nhà thuốc bệnh viện cao hơn giá bán lẻ của các nhà thuốc ngoài bệnh viện”.

Nếu nói rằng thị trường dược phẩm những tháng đầu năm ổn định, có nghĩa là ổn định ở mức giá cao, không có những sự biến động lớn. Còn con số gần 98% lượt mặt hàng thuốc bán trong bệnh viện thấp hơn giá bán lẻ tại các nhà thuốc xung quanh bệnh viện thì rất đáng nghi ngờ. Không nói đến biệt dược, mà ngay cả những loại thuốc phổ biến, thiết yếu nhất, nhiều hiệu thuốc bệnh viện cũng bán với giá cao hơn bên ngoài. Các hóa đơn của bệnh nhân đều cho thấy điều đó.

Thực tế là từ đầu năm đến nay, người bệnh vẫn phải mua thuốc với giá rất cao, thuốc trong bệnh viện vẫn thể hiện tính “độc quyền” về giá./.

Bài 2: Đâu là giải pháp bình ổn?

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên