Lao động Việt Nam tại Hàn Quốc:

Bài 1: Những tín hiệu chẳng thể lạc quan!

Thực trạng LĐ Việt Nam bỏ trốn hoặc đòi chuyển xưởng ngày càng lan rộng đang gióng lên hồi chuông cảnh báo về công tác quản lý lao động tại Hàn Quốc

LTS: Với chi phí chỉ hơn 600 USD, người lao động (LĐ) đi làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình EPS (chương trình thực hiện theo Luật cấp phép cho LĐ nước ngoài) sẽ được hưởng mức lương khởi điểm là 900 - 1200 USD/tháng và mọi chính sách như LĐ bản địa. Đến nay, qua hơn 6 năm thực hiện, trong tổng số 15 nước thực hiện chương trình, Việt Nam vẫn dẫn đầu với trên 55.000 LĐ đang làm việc tại quốc gia này. Tuy nhiên, thời gian qua, trước tình trạng LĐ Việt Nam cư trú bất hợp pháp và tỷ lệ LĐ chuyển xưởng tăng cao, việc đưa LĐ sang Hàn quốc theo chương trình EPS đang phát đi những tín hiệu bất ổn.

Vừa trở về từ Hàn Quốc cùng đoàn công tác của Bộ LĐTB & XH thực hiện chuyến khảo sát trong khuôn khổ đề án nhằm ổn định thị trường này, phóng viên VOV chuyển đến các bạn những góc nhìn cận cảnh về thực trạng này.

Lao động Việt Nam đang làm việc tại công ty Huyndai

  • Bài 2: Tại anh, tại ả, tại cả... 3 bên!

Bỏ trốn... số đông

Sau chuyến bay đêm dài gần 4 tiếng, 5h30 sáng chúng tôi đã có mặt tại sân bay Incheon. “Từ đầu năm đến nay đã có gần 5.000 LĐ Việt Nam nhập cảnh Hàn Quốc theo chương trình EPS”- Đó là thông tin vui mà ông Phạm Anh Thắng, Bí thư thứ nhất Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc “cập nhật” cho chúng tôi ngay tại sân bay khi đón đoàn. Thế nhưng lao động sang đông không hẳn đã vui...

Nằm ở tầng 6 tòa nhà Golden Bridge giữa trung tâm Seoul, văn phòng Ban quản lý LĐ những ngày này luôn nóng ran những cuộc gọi của người LĐ. Xen giữa không gian không mấy rộng rãi của văn phòng là những “kỷ vật” ngoài mong đợi của người LĐ để lại. Điểm nhấn mới toanh là cặp đôi ba bô và túi xách cũ kỹ được vá chằng đụp, màu đỏ rực nằm giữa căn phòng của một nữ LĐ bỏ trốn vứt lại sân bay được cán bộ Ban lượm về... “Khám” ba lô, hành trang của LĐ này chỉ vỏn vẹn: một bó miến, một đôi dép lê màu xanh vẹt gót, vài chiếc dây buộc tóc đủ sắc màu và những bộ quần áo cũ... Một cuộc tẩu thoát có tính toán.

Những ngày này, cùng với lịch đón LĐ bay sang dày đặc, công việc ngập đầu, tập văn bản báo cáo về tình hình LĐ bỏ trốn ngay tại sân bay cũng ngày càng dày hơn. Ngày 16/3 LĐ Lê Duy Hùng (Thanh Hóa) trốn; ngày 23/3 Nguyễn Đình Bình (Hà Tĩnh); 29/3 Nguyễn Thị Mừng (Thừa Thiên Huế), ngày 30/3 Bùi Thanh Tuấn (Nghệ An); ngày 19/4... ngày và lại ngày...

Chỉ tính riêng từ đầu năm đến nay, hồ sơ LĐ bỏ trốn ngay tại sân bay đã có 12 bộ. “LĐ các nước khác đến thì trật tự, LĐ nước mình sang ồn ào, nhốn nháo. Một người sang có đến vài ba người đi đón. Dù đã có quần áo đồng phục để dễ nhận diện nhưng khi trốn thì họ lột hết, đến hành lý cũng để lại để dễ bề thoát thân”, ông Nguyễn Hải Nam - Trưởng Ban quản lý LĐ Việt Nam tại Hàn Quốc chia sẻ.

Nếu như bỏ trốn ngay tại sân bay đang là vấn đề “nóng” gây bức xúc đối với các nhà quản lý Hàn Quốc thì việc LĐ bỏ trốn tại các trung tâm đào tạo và nơi làm việc đến nay vẫn là căn bệnh trầm kha, trong đó nông nghiệp là lĩnh vực lãnh đủ sự tác động của trào lưu này. Với ông Yun Hyun Soo - người quản lý nhân lực nước ngoài thuộc Tổ hợp rau cần Hàn Quốc, bao năm làm công tác quản lý LĐ đến từ nhiều quốc gia, khó khăn cũng lắm, vui buồn cũng nhiều thế nhưng chưa có câu chuyện nào khiến ông “sốc” như câu chuyện của 3 LĐ Việt Nam gây ra gần đây. “Một thành viên của Hiệp hội chúng tôi đi đón LĐ Việt Nam về. Vừa về đến nơi làm, 3 LĐ này liền rút tập tiền, đập lên mặt bàn, trước mặt chủ và nói “Tôi cho ông tiền, ông ký để chúng tôi được ra ngoài… và không đợi sự đồng ý là lên đường đi luôn”.

Ông Yun Hyun Soo - người quản lý nhân lực nước ngoài thuộc Tổ hợp rau cần Hàn Quốc trao đổi với phóng viên VOV

Theo thống kê hiện có khoảng gần 15.000 lao động Việt Nam sống bất hợp pháp ở Hàn Quốc. Trong đó, số lao động đi theo chương trình cấp phép lao động nước ngoài (EPS) hết hạn ở lại hoặc trốn ra ngoài là 8.400. Theo ông Lim Kyung Sik - Cục trưởng Cục Phát triển nguồn nhân lực Hàn Quốc, nhiều năm qua, dù nhìn ở góc độ tích cực hay tiêu cực thì LĐ Việt Nam vẫn luôn giành ở vị trí quán quân so với 15 quốc gia thực hiện chương trình.

Không chỉ dừng lại ở việc bỏ trốn, nhiều LĐ Việt Nam cũng đã để lại những “chiến tích” và ấn tượng mạnh đối với người dân bản địa bởi những thành tích bất hảo của mình. Những thông tin được ông Yu Young Jin, cảnh sát quốc gia Hàn Quốc cung cấp về thực trạng tội phạm của LĐ Việt Nam tại buổi làm việc đã khiến chúng tôi không khỏi giật mình. Ngoài những loại tội phạm phổ biến nhất là đánh bạc; trộm cắp, cướp giật, móc túi với tỷ lệ 10 -30% trong tổng số vụ án do người nước ngoài gây ra thì ở Hàn Quốc cũng đã xuất hiện nhiều băng nhóm tội phạm như băng nhóm Hà Nội; Nghệ An, Hải Phòng... Và các vụ án giết người cũng chiếm trên 10% tổng số các vụ án có yếu tố nước ngoài.

Nhảy việc… phần lớn!

Những ngày làm việc tại Hàn Quốc, đến các bộ, ngành, gặp gỡ các Hiệp hội cũng như chủ sử dụng LĐ, lời ca thán mà chúng tôi được nghe nhiều nhất chính là tình trạng xin chuyển xưởng của LĐ Việt Nam. Chiếm tỷ lệ 35% số LĐ nước ngoài xin chuyển xưởng, lao động Việt Nam luôn đứng đầu danh sách 15 quốc gia phái cử. Các nước như Thái Lan 8,0%; Philippines 10,1%; Indonesia là 11,7%...

Tại Trung tâm Hỗ trợ việc làm quận Incheon, chúng tôi gặp 5 LĐ Việt Nam đến Trung tâm xin đăng ký chuyển xưởng. Trong bộ cánh khá hợp mốt, tai đeo một dãy hoa tai xanh đỏ, trông Nguyễn Hữu Tình (quê Thanh Hóa) đã ra dáng một chàng trai bản địa. Hôm nay Tình cùng 5 người bạn lên Trung tâm với mong muốn được chuyển xưởng có thu nhập cao hơn.

Theo quy định của chương trình EPS, người LĐ nước ngoài có quyền đổi chủ sử dụng 3 lần với những quy định ràng buộc. Với anh Nguyễn Quý Anh, quê Đan Phượng, Hà Nội thì đây là cơ hội cuối cùng.

Trung tâm Hỗ trợ LĐ nước ngoài thành phố Uijeongbu tiếp các lao động Việt Nam

Chỉ chiếm 1/10 trên tổng số hơn 100.000 LĐ nước ngoài của quận Incheon, nhưng theo bản danh sách tổng hợp của Trung tâm Hỗ trợ việc làm quận Incheon (Bộ Lao động Hàn Quốc), LĐ Việt Nam là khách hàng “lớn” nhất của Trung tâm này. Mặc dù mới đi vào hoạt động từ tháng 10/2010, nhưng Trung tâm đã tiếp nhận, tư vấn, xử lý gần 3.200 vụ việc của LĐ Việt Nam. Một trong những nội dung được LĐ đề cập nhiều nhất là yêu cầu chuyển xưởng, với hơn 700 vụ.

Tương tự, tại Trung tâm hỗ trợ LĐ nước ngoài thành phố Uijeongbu, số LĐ xin chuyển xưởng hàng năm tăng theo cấp số nhân. Nếu như năm 2007 tại thành phố này chỉ có 198 cuộc tư vấn về vấn đề chuyển xưởng, sang 2008 đã là hơn 1.000 vụ và chỉ rính riêng 3 tháng đầu năm 2011 đã là 427 vụ.

Tình trạng LĐ Việt Nam “nhảy việc” đang thực sự trở thành vấn đề “nóng” tại các DN sử dụng LĐ Việt Nam. Tại công ty Hyundai, 1 công ty chuyên sản xuất quần bò ở thành phố Uijeongbu đã có 2 LĐ chuyển xưởng, 4 LĐ còn lại cũng nhấp nhổm đòi đi. Điều đó khiến ông chủ Park Sung Hyun vô cùng bức xúc: “Bây giờ tôi rất mất cảm tình với LĐ Việt Nam. Họ rất hay đòi hỏi, yêu sách, suốt ngày lôi luật này, luật kia, nhưng họ chỉ hiểu những điều có lợi cho mình chứ không hiểu hết những quy định ràng buộc. Tôi thường nói với bạn bè đừng lấy LĐ Việt Nam mà nên lấy LĐ các nước khác”.

“Tâm chấn” của xu hướng LĐ chuyển xưởng vẫn là ngành nông nghiệp. Dẫu chưa có con số thống kê chính thức, song làn sóng LĐ chuyển xưởng ngày càng nhiều khiến các quan chức ngành này lo ngại. Ông Chang Min Shay -  trưởng phòng nhân lực ngoài nước, Hiệp hội Nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp Hàn Quốc) nêu thực tế: “Thời gian trước đây, LĐ Việt Nam được giới chủ Hàn Quốc yêu thích và tuyển dụng nhiều nhất, sau mới đến LĐ Nepal, Thái Lan, Campuchia… Giờ họ sợ LĐ Việt Nam rồi, họ đang chuyển sang tiếp nhận LĐ Campuchia nhiều hơn. Thời gian tới, có khả năng LĐ Campuchia sẽ được tuyển chọn vượt LĐ Việt Nam”.

Để có được những LĐ ngoại quốc làm việc cho mình, những ông chủ Hàn Quốc phải phải chi một khoản kinh phí không nhỏ, và phải chịu những tác động xấu tới quá trình sản xuất kinh doanh khi rủi ro. Thế nên, trước thực trạng LĐ đòi chuyển xưởng ngày càng lan rộng, trong ý tứ gần xa của phía bạn, chúng tôi cũng đã cảm nhận được rõ lắm những tín hiệu chẳng thể lạc quan!./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên