Những ngôi nhà làm xấu Thủ đô:

Bài 1: Trên 500 ngôi nhà méo, mỏng

Những ngôi nhà này chỉ sử dụng làm nơi bán hàng và do ham mở rộng diện tích tầng trên nên kết cấu không vững chắc, rất dễ đổ, gây mất an toàn

Quyết tâm của lãnh đạo thành phố Hà Nội xử lý nhà siêu mỏng, siêu méo, chậm nhất đến 30/6 sẽ hoàn thành, dư luận nhân dân Thủ đô đặc biệt quan tâm, theo dõi. Thực trạng nhà siêu mỏng, siêu méo ra sao? Chủ trương hợp lòng dân yêu mến Thủ đô này sẽ được tiến hành như thế nào? Khó khăn gì đang đặt ra? Đó là những câu hỏi được bạn đọc nêu ra.

Đường chưa mở… đã “méo” vì nhà

Dạo một vòng qua các tuyến đường mới mở như: Kim Liên - Ô Chợ Dừa, Lê Văn Lương, Lạc Long Quân… chúng ta dễ dàng nhìn thấy những ngôi nhà siêu mỏng với hình thù kỳ dị làm méo mó cả tuyến đường. Qua đoạn đường vành đai 3, trên đường Khuất Duy Tiến cũng xuất hiện khá nhiều nhà siêu mỏng, siêu méo. Một cán bộ trong lĩnh vực quản lý xây dựng tâm sự với phóng viên, những mảnh đất nhỏ thường nằm ở những vị trí đắc địa. Vì hám lợi, người dân cố tình tiến hành xây dựng nhà siêu mỏng. Họ xây bất kể ngày đêm, ngày lễ, ngày Tết, miễn là qua mặt được cơ quan chức năng. “Đường mới chưa làm xong nhưng nhà siêu mỏng đã được người dân xây xong rồi…” - vị này cho biết.

Ông Nguyễn Tấn Vạn, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam phân tích, nhà siêu mỏng, siêu méo với nhiều hình dáng kỳ dị, làm xấu mỹ quan đô thị, không phù hợp với quy hoạch đô thị. Những ngôi nhà này, không thể sử dụng được, nhiều hộ gia đình chỉ sử dụng như một nơi bán hàng. Vì ham mở rộng diện tích tầng trên nên những ngôi nhà này có kết cấu không vững chắc, rất dễ đổ, gây mất an toàn cho người dân.

Trao đổi với phóng viên, ông Trần Viết Ngôn, Phó Chánh thanh tra Sở xây dựng Hà Nội cho hay, trước thời điểm 2005, khi mở rộng tuyến đường Kim Mã, Đào Tấn… các nhà quản lý đô thị đã sớm nhận ra tình trạng mở đường đến đâu nhà siêu mỏng, siêu méo mọc đến đó. Để ngăn chặn tình trạng này, ngày 28/2/2005 Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 39/2005/QĐ-TTg, về việc hướng dẫn thi hành Điều 121 của Luật Xây dựng. Tại điểm b, khoản 2, Điều 3, Quyết định ghi rõ: “Nếu phần diện tích đất còn lại nhỏ hơn 15m2 có chiều rộng mặt tiền hoặc chiều sâu so với chỉ giới xây dựng nhỏ hơn 3m thì không được phép xây dựng. Nếu phần diện tích đất còn lại từ 15m2 đến nhỏ hơn 40m2 có chiều rộng mặt tiền từ 3m trở lên và chiều sâu so với chỉ giới xây dựng từ 3m trở lên thì được phép xây dựng không quá 2 tầng”.

Quy định là như vậy nhưng việc thực hiện không nghiêm. Tại cuộc họp báo ngày 14/3, ông Nguyễn Khắc Thọ, Phó Giám đốc Sở Xây dựng cho biết, theo thống kê chưa đầy đủ, Hà Nội hiện có 533 nhà siêu mỏng, siêu méo. Về nguyên nhân, ông Thọ cho rằng, do quy hoạch xây dựng, nhất là quy hoạch chi tiết còn thiếu, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt các khu vực mới mở rộng; tổ chức không gian và thiết kế kiến trúc đô thị chưa được thực hiện, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội trong và giữa các dự án phát triển đô thị với nhau và với các khu dân cư xung quanh còn thiếu đồng bộ. Hầu hết chưa có quy hoạch hai bên tuyến phố khi mở đường.

Xóa nhà siêu mỏng, siêu méo như thế nào?

Về chủ trương xóa nhà siêu mỏng, siêu méo của thành phố Hà Nội, theo ông Trần Viết Ngôn, Phó Chánh thanh tra Sở Xây dựng thành phố Hà Nội, trước đây chúng ta chỉ họp bàn rồi bỏ đó, không thiết tha lắm. Thế nhưng, từ đầu năm 2011 đến nay, UBND thành phố Hà Nội đã có nhiều văn bản chỉ đạo các quận, huyện, thị xã trong việc xóa nhà siêu mỏng, siêu méo.

Cụ thể, ngày 4/1/2011, UBND thành phố Hà Nội có Thông báo số 01/TB-UBND, ngày 25/2/2011 có Công văn số 1313/UBND-XD, yêu cầu UBND các quận, huyện, thị xã thống kê lập danh mục cụ thể, chính xác các trường hợp đất (và công trình xây dựng trên đất nếu có) không đủ điều kiện về mặt bằng để xây dựng dọc theo tuyến đường thuộc địa bàn mình quản lý. Danh mục phải phân định rõ các công trình xuất hiện trước hoặc sau ngày ban hành Quyết định số 26/2005/QĐ-UBND (ngày 18/2/2005) của UBND thành phố Hà Nội, về việc bồi thường, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Thống kê cho thấy, nhà siêu mỏng, siêu méo xuất hiện ở 16/29 quận, huyện, thị xã với 533 trường hợp. Nhà siêu mỏng, siêu méo xuất hiện nhiều nhất ở quận Hà Đông với 90 trường hợp, quận Đống Đa: 86 trường hợp, quận Thanh Xuân: 68 trường hợp. Danh sách các quận, huyện, thị xã báo cáo cũng đã phân định rõ, có 200 trường hợp tồn tại trước khi có Quyết định số 26/2005/QĐ-UBND; 186 trường hợp hình thành sau ngày quyết định có hiệu lực và 147 trường hợp chưa xác định được thời điểm hình thành.

Về quan điểm chung giải quyết nhà siêu mỏng, siêu méo, những trường hợp tồn tại trước khi Quyết định số 26/2005/QĐ-UBND có hiệu lực, Sở Xây dựng tham mưu với UBND thành phố giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì phối hợp với các sở, ngành liên quan nghiên cứu, soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật trên nguyên tắc có cơ chế bồi thường, hỗ trợ hợp lý…

Đối với những trường hợp hình thành sau khi Quyết định số 26/2005/QĐ-UBND có hiệu lực thì thực hiện theo Quyết định số 39/2005/QĐ-TTg. UBND các quận, huyện, thị xã có đầy đủ thẩm quyền và trách nhiệm để xử lý triệt để. UBND các quận, huyện, thị xã có trách nhiệm xây dựng phương án giải quyết với những yêu cầu về quy hoạch kiến trúc cho từng trường hợp cụ thể, đảm bảo phù hợp với cảnh quan, môi trường và những nội dung sau. Trường hợp các hộ gia đình tự nguyện hợp khối thửa đất, UBND các quận, huyện, thị xã có trách nhiệm giải quyết theo thẩm quyền. Trường hợp cần thiết phải giải phóng mặt bằng, thu hồi đất để thực hiện yêu cầu về quy hoạch kiến trúc, cho phép áp dụng bồi thường, hỗ trợ… ở mức cao nhất.

Với quận Thanh Xuân, theo chỉ đạo của thành phố Hà Nội, việc xóa nhà siêu mỏng, siêu méo phải hoàn thành trước ngày 15/4/2011. Thời gian này, Thanh tra Sở Xây dựng liên tục bám sát địa bàn quận Thanh Xuân để cùng chính quyền sở tại giải quyết những vấn đề phát sinh.

Đến thời điểm này, quận Thanh Xuân đã hoàn tất việc mời và làm việc với các chủ hộ “sở hữu” nhà siêu mỏng, siêu méo. Theo ông Lưu Tất Thắng, Phó Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân, việc xử lý nhà siêu mỏng, siêu méo sẽ được thực hiện theo các phương án sau. Thứ nhất, quận khuyến khích các hộ hợp khối với nhau. Thứ hai, trường hợp những ngôi nhà siêu mỏng, siêu méo có diện tích đủ để cải tạo thành kios bán báo, bán hoa, các chủ hộ chỉ được giữ lại một tầng và phải có phương án thiết kế tổng thể đã được Sở Quy hoạch kiến trúc phê duyệt. Thứ ba, trường hợp diện tích quá nhỏ, UBND quận Thanh Xuân sẽ tiến hành thu hồi.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Phí Thái Bình khẳng định, để hạn chế nhà siêu mỏng, siêu méo bùng phát, để bảo đảm mỹ quan đô thị, từ nay trở đi, đối với các dự án đầu tư xây dựng đường giao thông mới, chỉ xem xét, phê duyệt khi có quy hoạch hai bên tuyến đường kèm theo./.

Kỳ sau: Nhà siêu mỏng trước giờ “khai tử”

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên