Tìm lời giải cho Tây Nguyên thêm xanh

Bài 2: Ban phát rừng và mất rừng hợp pháp

Những cơ chế chính sách lâm nghiệp chậm đổi mới, sự yếu kém trong quy hoạch và thực hiện quy hoạch, quản lý tài nguyên kiểu ban phát, càng khiến rừng Tây Nguyên bị suy giảm nhanh chóng, các dự án không đạt hiệu quả.  

Trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, việc khai thác chuyển đổi tài nguyên rừng và đất lâm nghiệp là nhu cầu tất yếu để phục vụ các mục tiêu phát triển. Những năm qua, hàng trăm nghìn ha rừng ở Tây Nguyên đã nhường chỗ cho các công trình thủy điện, thủy lợi, giao thông… và các dự án nông lâm nghiệp, trồng cây công nghiệp để khai thác tối đa thế mạnh của vùng này. Tuy vậy, việc phát triển kinh tế - xã hội đã và đang gây áp lực lớn cho việc bảo vệ rừng, phát triển lâm nghiệp Tây Nguyên.

 Chính sách bất cập

Thực hiện chủ trương của Chính phủ về việc trồng mới 100.000 ha cao su ở Tây Nguyên, năm 2008, UBND tỉnh Gia Lai đã giao cho 14 doanh nghiệp khảo sát hơn 50.000 ha rừng để trồng cao su. Quyết định nóng vội, quản lý lỏng lẻo, các doanh nghiệp đã lợi dụng điều này để công khai phá rừng.

Ông Măng Đung, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai, thừa nhận: “Thứ nhất, công tác tuyên truyền chủ trương của Chính phủ, UBND tỉnh còn nhiều bất cập, văn bản của tỉnh chưa mang tính pháp lý cao. Thứ hai, chạy theo thời vụ; kinh nghiệm cho thấy từ năm 1992 đến nay toàn tỉnh mới trồng được 63.000 ha rừng, nhưng bây giờ cùng một lúc chuyển đổi 50.000 ha đất lâm nghiệp sang trồng cao su trong thời gian gấp rút thì không thể thực hiện được”.

Cũng theo ông Măng Đung, việc giao đất cho các doanh nghiệp không có tiêu chí rõ ràng, không minh bạch. “Mục tiêu là để tạo công ăn việc làm cho người nghèo, vùng dân tộc thiểu số, nhưng thực tế cây cao su đã phù hợp với người nghèo chưa? Tỉnh ủy vừa kiểm tra một số công ty thì thấy tỷ lệ người dân tộc thiểu số vào làm cao su còn rất thấp” – ông Măng Đung nói.            

Cũng bất cẩn trong việc giao đất, giao rừng cho doanh nghiệp, các địa phương ở Tây Nguyên đang phải trả một cái giá quá đắt. Các dự án nông lâm nghiệp tại tỉnh Đắc Lắc bị dân lấn chiếm hơn 900 ha. Với Lâm Đồng, UBND tỉnh đã thu hồi 15.000 ha đất rừng, do các doanh nghiệp không triển khai dự án hoặc thực hiện không đúng mục đích, khiến rừng bị tàn phá. Tại Đắc Nông, chưa một dự án nông lâm nghiệp nào khẳng định được hiệu quả. Mà ngược lại, các dự án này lại tạo nên những điểm nóng về nạn phá rừng, tranh chấp đất. Tỉnh ủy Đắc Nông đã phải tạm dừng việc cho thuê đất, thuê rừng, tổ chức rà soát lại tất cả các dự án.

Điều đáng nói là, quy trình chuyển đổi rừng và đất lâm nghiệp để thực hiện các dự án không hề dễ dàng và nhanh chóng. Từ lúc được đồng ý về chủ trương, rồi thực hiện khảo sát, quy hoạch, lập dự án, chờ các ngành chức năng thẩm định… đến khi có quyết định giao đất của UBND tỉnh, thời gian mất gần 2 năm.

Tại Hội nghị xúc tiến đầu tư do Ban chỉ đạo Tây Nguyên tổ chức năm 2009, không một tỉnh nào ở Tây Nguyên kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực lâm nghiệp, dù đây là tiềm năng thế mạnh lớn nhất của vùng.

Phải chăng lâm nghiệp là lĩnh vực nhạy cảm, mà chỉ doanh nghiệp nào hiểu "đường đi nước bước" mới có thể tiếp cận?

Có thể nói cơ chế thủ tục phức tạp mất thời gian, không có tiêu chí rõ ràng, minh bạch là nguyên nhân của việc giao đất giao rừng theo kiểu ban phát.

Có doanh nghiệp không đủ năng lực thực hiện dự án vẫn dễ dàng được giao hàng ngàn ha đất và rừng Tây Nguyên. Vậy nên, các dự án giao rừng cho cộng đồng, không phải lúc nào cũng suôn sẻ…

Luật gia Hà Công Bình, Chi cục trưởng Chi cục Lâm nghiệp tỉnh Đắc Lắc, cho rằng, hiện nay, chính sách lâm nghiệp thì có nhiều, nhưng chưa sát với thực tế: “Với ngành lâm nghiệp, đơn giá đầu tư rất chậm, không như ngành xây dựng có khi chỉ 1-2 tháng là điều chỉnh ngay, nhưng lâm nghiệp 3-4 năm, 5 năm vẫn chưa được điều chỉnh”.

Theo ông Bình, những chính sách về lâm nghiệp hiện nay còn thiếu, nhiều bất cập, lạc hậu, khi thực hiện thì thiếu thực tế. Các định mức để phục vụ cho việc trồng rừng, định mức về quản lý bảo vệ rừng, định mức về vấn đề khai thác gỗ, và định mức về lập quy hoạch kế hoạch đều đã lạc hậu. “Ngày xưa anh sản xuất bằng trâu, bằng voi, bây giờ bằng máy móc thiết bị lớn, thì phải tính toán lại chứ” – ông Bình nói.

Theo ông Bình, với định mức 10 triệu đồng/ha cho suốt chu kỳ trồng rừng phòng hộ, tỉnh Đắc Lắc chỉ có thể trồng rừng ở những vùng thuận lợi. Tại huyện Ea Súp, địa phương rừng bị phá nhiều nhất, thì hàng chục năm qua không trồng được 1 ha rừng nào, do đất đai khô cằn, khí hậu khắc nghiệt, suất đầu tư của Nhà nước không đủ. Ngay cả gần 30.000 ha đã trồng theo chương trình 661, thì nhiều diện tích khó có thể gọi là rừng, do bị phá và kém phát triển…

Rừng đang mất hợp pháp

Những năm qua, toàn vùng Tây Nguyên đã trồng chưa tới 200.000 ha rừng, chỉ bằng 7% tổng số rừng trồng toàn quốc; và hiện còn hơn 300.000 ha đất trống đồi trọc. Mục tiêu trồng mới 5 triệu ha rừng của Chính phủ khó đạt được, và càng khó để Tây Nguyên phấn đấu nâng độ che phủ rừng lên 65% vào năm nay theo Quyết định 25/2008 của Chính phủ.

Tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XII, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát báo cáo, trung bình mỗi năm gần đây, cả nước mất khoảng 5.000 ha rừng do bị phá, bị cháy; nếu tính cả diện tích khai thác gỗ, chuyển đổi để xây dựng các công trình thủy điện, thủy lợi, giao thông…, số rừng bị mất lên tới 60.000 ha. Rõ ràng, diện tích rừng suy giảm một cách hợp pháp hàng năm gấp cả chục lần số rừng bị phá trái phép.

Ở Tây Nguyên, chưa có thống kê chính thức về số diện tích rừng phải chuyển đổi phục vụ các mục tiêu phát triển. Nhưng chắc chắn con số này không hề nhỏ. Riêng tại Đắc Nông, Tỉnh ủy đã thẳng thắn nhìn nhận, chưa đầy 7 năm qua, tỉnh đã mất gần 100.000 ha rừng. Nghĩa là mỗi ngày, tỉnh Đắc Nông mất đi 40ha rừng để làm các dự án.

Khó có thể so sánh việc mất rừng theo quy hoạch với những lợi ích mà công trình đem lại. Nhưng sẽ có thể hạn chế phần nào việc hy sinh những cánh rừng, nếu Tây Nguyên có một quy hoạch rõ ràng về lâm nghiệp trong quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội của toàn vùng.

Ảnh minh họa

Ông Trần Vinh, Phó viện trưởng Viện khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên, khẳng định, ngay cả việc quy hoạch lâm nghiệp của các địa phương cũng chưa sát với thực tế: “Quy hoạch không đúng sẽ dẫn đến sử dụng không đúng. Việc đưa dân cư vào ngay vùng đất lâm nghiệp như thế thì người ta phải chặt rừng đi để sống, đó là lẽ đương nhiên”.

Ông Trần Vinh cũng đưa ra một thực trạng là từng địa phương đều có quy hoạch chung, nhưng từng dự án cụ thể lại không làm theo quy hoạch đó. Đơn vị chủ quản vẫn cấp giấy phép cho các đơn vị khác đến trồng những loại cây khác thì người ta sẽ không ưu tiên trồng rừng mà sẽ đem vào các loại cây nông nghiệp, công nghiệp, cà phê, cao su.

Thực tế này đã và đang được chứng minh, từ việc thất bại của các dự án trồng điều, cao su trên đất rừng khộp ở huyện Ea Súp (tỉnh Đắc Lắc); việc mở đường Hồ Chí Minh xuyên qua vùng lõi Vườn quốc gia Yoóc Đôn; khu tái định canh định cư Thủy điện Đồng Nai 3 (ở tỉnh Đắc Nông) trên đồi dốc đứng, khiến người dân vào phá rừng Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Đùng, và di cư sang tỉnh Lâm Đồng phá rừng làm rẫy...

Trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, việc khai thác chuyển đổi tài nguyên rừng và đất lâm nghiệp là nhu cầu tất yếu để phục vụ các mục tiêu phát triển. Điều đáng nói ở đây là, những yếu kém trong công tác quy hoạch và thực hiện quy hoạch, cùng với những cơ chế chính sách lâm nghiệp bất cập, quản lý tài nguyên theo kiểu ban phát, đã tạo nên hiệu ứng ngược, khiến cho rừng bị suy giảm nhanh chóng, các dự án không đạt hiệu quả. Ban phát rừng và mất rừng đang là "tín hiệu đỏ" trong hành trình phát triển Tây Nguyên xanh bền vững./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên