Nghịch lý giá sữa bột nhập ngoại ở Việt Nam:

Bài 2: Bí mật siêu lợi nhuận của hãng sữa nước ngoài

Các hãng sữa nước ngoài đang làm mưa làm gió trên thị trường với quyền quyết định giá bán và phân phối. Với lợi thế này, họ đã thu được siêu lợi nhuận với hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm.

Bài 1: Giá sữa bột nhập ngoại tại Việt Nam đắt nhất thế giới?

Nghe âm thanh tại đây

Hiện nay có khoảng 8 đến 9 hãng sữa nước ngoài chính thức có mặt tại Việt Nam và đang chiếm khoảng 80% thị phần sữa bột, trong đó riêng hãng sữa Abbott của Hoa Kỳ chiếm tới hơn 30% thị phần. Số liệu nghiên cứu thị trường mới đây cho thấy, quy mô thị trường Việt Nam đối với sữa bột lên đến 8.000 tỷ đồng mỗi năm, nhưng ước tính 7000 tỷ đồng thuộc về nhãn hiệu ngoại nhập các công ty nước ngoài.

Điều đáng nói là các hãng sữa nước ngoài đang làm mưa làm gió trên thị trường với quyền quyết định giá bán và phân phối. Với lợi thế này, các hãng sữa nước ngoài đã thu được siêu lợi nhuận với hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm.

Trước hết về giá bán: Trong 3 năm gần đây các hãng sữa nước ngoài liên tục đẩy giá bán sữa với nhiều lý do. Nhớ lại cả năm 2008, các hãng sữa như Mead Johnson, Abbott, Nestlé, Dumex liên tục đẩy giá bán mỗi lần tăng 5 – 7%. Do các hãng sữa phân phối độc quyền và chiếm thị phần áp đảo nên mỗi khi tăng giá thì phản ứng của người tiêu dùng và của các cơ quan quản lý là rất yếu ớt. Một hãng sữa nước ngoài vào Việt Nam chỉ qua một nhà phân phối duy nhất, người tiêu dùng gần như không có quyền lựa chọn.

Giám đốc Siêu thị Bờ Hồ, thuộc Trung tâm Thương mại Intimex, Bộ Công Thương, bà Vũ Thị Hiền, thừa nhận: “Chúng tôi nhập hàng thẳng của nhà cung cấp. Chúng tôi cũng biết giá sữa của mình cao nhất thế giới nhưng ở đây cũng phải nói rằng nhiều khi khách hàng vì thương hiệu như: Abbott, Mead Johnson, Nestlé…. chiếm khoảng 30 – 40% thị phần để mua”.

Chính vì những lý do đó, trước khi sữa đưa vào nước ta đã được tăng giá ngay từ nước ngoài. Hay nói cách khác, sữa ở Việt Nam đang bị các hãng sữa nước ngoài làm giá.

Một nhà phân phối giấu tên phân tích: “Ngay cả người làm cho công ty nước ngoài tại Việt Nam cũng không thể biết được mức lợi nhuận của sữa ngoại là bao nhiêu % và khi nhập vào Việt Nam thì giá thành đó đã được định ở nước ngoài. Nhiều khi mức lợi nhuận không được thể hiện. Ở đây, khi Nhà nước đánh thuế thu nhập trên đó, thì lợi nhuận mà họ thể hiện trên báo cáo là không có hoặc rất ít”.

Thêm một minh chứng là năm ngoái trong khi các bộ, ngành còn chưa họp bàn quyết định việc tăng hay giảm thuế đối với các mặt hàng sữa thì ở ngoài thị trường, các đại lý đã quyết định tăng giá sữa vùn vụt và giải thích với khách hàng là do tỷ giá đồng USD, chiết khấu của các nhà sản xuất với đại lý chưa phù hợp.

Ông Đặng Minh Tuấn, nguyên Phó Giám đốc một công ty sữa ở Hà Nội, nói: “Có thời điểm các hãng điều tra thăm dò thị trường cho thấy khách hàng Việt Nam chấp nhận mức giá đó. Thời điểm năm 2008, có những lúc giá sữa trong một tháng tăng lên có thể là từ 2 – 3 lần và người tiêu dùng cứ như thế chấp nhận và đến bây giờ tạo ra mức giá vô lý”.

Sữa bột bán ở Việt Nam đã từ lâu đều do các hãng nước ngoài định giá. Điều đáng nói là mức giá này cao một cách vô lý. Giá một kg sữa đạt chuẩn về hàm lượng đạm, béo, đường và có bổ sung đầy đủ các khoáng chất như vitamine, DHA… theo tiêu chuẩn của Tổ chức Nông Lương Thế giới (FAO) và WTO thì sẽ không quá 70.000 đ/kg. Nếu cộng thêm thuế, chi phí vận chuyển, bao bì và các chi phí khác cho kinh doanh thì bán trên thị trường giá 100.000 đ/kg là các hãng sữa đã có lãi. Vậy mà người tiêu dùng đang phải trả với giá từ 300.000 đ/hộp 900 gr trở lên cho các loại sữa kiểu như thế này.

Phân tích kỹ về cách kinh doanh của các hãng sữa có thể thấy: hầu hết đều chạy theo cuộc đua về thương hiệu bằng cách thêm chất này, chất kia kiểu như DHA, ARA, A+ vào sữa để lôi kéo người tiêu dùng, dẫn dắt người tiêu dùng hoang tưởng về tác dụng của các sản phẩm sữa, từ đó mua với giá cao gấp 3, 4 lần sản phẩm cùng loại. Với tâm lý giá bán càng cao chất lượng càng tốt, người tiêu dùng dễ dàng bỏ nhiều tiền để mua niềm tin vào sự ảo tưởng là sữa sẽ tốt cho trẻ em, khỏe hơn, cao hơn, ít bệnh hơn…

Thừa nhận điều này, bà Nguyễn Thị Lâm, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia, cho biết: “Sữa nội và sữa ngoại về thành phần dinh dưỡng cơ bản như hàm lượng đạm, chất béo, vitamin thì cũng đều bổ sung không khác nhau nhiều giữa các loại sữa. Có nhiều yếu tố tác động tới giá sữa như: nhập khẩu, thuế, vận chuyển, chi phí cho marketing…”

Theo Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, năm 2008, các hãng sữa nước ngoài đã chi khoảng 30 triệu USD cho quảng cáo trên truyền hình. Trong năm 2008 cũng đã bỏ ra 70 triệu USD cho các hoạt động quảng bá, hội thảo khoa học, hoa hồng tiếp thị. Tiến sỹ Vũ Hồng Anh, giảng viên trường Đại học Luật Hà Nội, cho biết: “Hoạt động quảng cáo sữa này cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc đẩy giá sữa lên để trục lợi. Việc đẩy giá sữa của Việt Nam cao hơn Trung Quốc, cao hơn các nước Châu Âu, các nước ĐNA. Việt Nam được coi là một trong những nước có giá sữa cao nhất thế giới”.

Theo tiết lộ của một số nhà phân phối sữa, đối tượng mà các hãng sữa ngoại nhắm tới là bệnh viện sản và lão khoa. Với số tiền hoa hồng lớn, không bị khống chế chi phí quảng cáo, tiếp thị, các hãng sữa nước ngoài sẵn sàng chi đậm cho các bác sỹ khoa sản, chuyên khoa dinh dưỡng để kê các loại sữa ngoại đắt tiền cho em bé sơ sinh mà mẹ thiếu sữa và những người bệnh, người già. Khi các em bé đã dùng quen một loại sữa thì các bà mẹ đành lòng “thắt lưng buộc bụng” mua sữa giá cao về cho trẻ.

Cũng dễ dàng nhận thấy chiến lược giá của các sản phẩm của các hãng sữa ngoại hiện nay không theo công thức thông thường là: giá bán = giá thành sản xuất + chi phí phân phối + chi phí kinh doanh khác, mà giá sữa được định theo từng hãng và các hãng sữa đo nhận thức của người tiêu dùng về thương hiệu để định giá bán. Quan trọng hơn nữa, tăng giá cũng là cách mà các hãng sữa đang có vị thế thống lĩnh thị trường Việt Nam triệt hạ lẫn nhau và không cho các doanh nghiệp khác chen chân vào thị trường sữa còn nhiều tiềm năng như Việt Nam.

Tóm lại, chiến thuật lợi dụng kẽ hở quản lý, lợi dụng tâm lý người tiêu dùng, các hãng sữa đua nhau tăng giá và kèm với đó là được hưởng 3 cái lợi: tăng thị phần, tăng số lượng bán (vì nhiều người tiêu dùng lo giá còn lên nữa nên tích trữ), triệt phá các đối thủ chưa có thương hiệu có thị phần nhỏ.

Đã đến lúc không thể để tình trạng người tiêu dùng gánh chịu giá sữa, doanh nghiệp thu lợi nhuận kéo dài mãi được. Mấu chốt của giá sữa tại Việt Nam quá đắt là do các công ty sản xuất, nhập khẩu hưởng siêu lợi nhuận. Do vậy cần có ngay các cuộc nghiên cứu thị trường toàn diện từ sản xuất, nhập khẩu, phân bối bán lẻ, từ đó làm rõ mức lợi nhuận của doanh nghiệp là bao nhiêu để có phương cách xử lý. Thế nhưng, sự việc không hề đơn giản như vậy vì thực tế cho thấy, chúng ta đang có những lỗ hổng trong quản lý./. 

Bài 3:  Người tiêu dùng bị móc túi hàng nghìn tỷ đồng

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên