"Ô nhiễm ở làng quê":

Bài 2: "Lò luyện dầu" giữa cánh đồng

Khi các lò hoạt động, gió từ cánh đồng đẩy khói vào làng, không khác gì… khói bom

Người dân An Thượng (huyện Hoài Đức, Hà Nội) cùng một lúc phải chung sống với 3 lò nấu dầu lậu ngày nào cũng đỏ lửa. Trung bình mỗi ngày, 3 lò “tiêu thụ” cả ngàn tấn dầu cặn, dầu thải. Cả làng lúc nào cũng ngùn ngụt những đụn khói đen như đốt đồng!

Lò luyện dầu thải nằm giữa cánh đồng

Theo chân người dẫn đường là “thổ địa” của vùng, chúng tôi tìm tới những lò nấu dầu cặn đã qua sử dụng. Các lò nấu dầu đặt ở phần rìa đê, cách khu dân cư của xã An Thượng một đoạn đường. Những chiếc thùng phuy nằm chỏng chơ, những đống củi cao chất ngất, đầu máy nổ, những dây dẫn nhựa loằng ngoằng… nằm ngổn ngang. Trên mặt đất là lớp hỗn hợp đen kịt của dầu thải tích lại lâu ngày.

Một người đàn ông đang nằm trong lán dựng tạm giữa mớ hỗn độn của những thùng phuy xếp ngổn ngang, đống củi đốt cao chất ngất và một lò lửa đang ngùn ngụt khói. Một lát sau, anh này phăm phăm nhét thêm củi vào chiếc lò khổng lồ. Chiếc quạt điện hoạt động hết công suất lùa gió vào những thanh củi bén lửa đỏ rực. Ngọn lửa bốc lên phừng phừng như trong lò bát quái!

Cơ sở nấu dầu đặt giữa cánh đồng. Kế bên, một khu lò gạch với những ống khói lớn tưng bừng nhả ra những đụn khói. Liền kề với lò nấu dầu là một chiếc bể tạm. Bên trên là một tấm lưới mắt cáo. Chiếc bể này, người đàn ông cho biết, được sử dụng để làm “bể lọc” dầu cặn trước khi cho vào nấu.

Một dây dẫn nhựa to nối một đầu từ chiếc thùng sắt đang sùng sục trên lò lửa. Một đầu kia dẫn ra những chiếc phuy kín mít. Chúng tôi hỏi anh này về “công thức” luyện dầu, nhưng anh từ chối với lý do: “Đó là bí quyết nhà nghề, không thể tiết lộ!”. Theo quan sát, chúng tôi nhận thấy “quy trình” đều thủ công, trừ chiếc đầu máy nổ nằm sát rìa ruộng.

Một lát sau, một chiếc xe máy rẽ bụi từ phía đầu dốc đi xuống. Sau gác-ba-ga xe máy, ba can nhựa chừng trên 100 lít bịt kín. Đây là những can dầu cặn, dầu thải vừa đi thu mua được từ các điểm sửa chữa xe máy trong thành phố.

Ông Nguyễn Chí Lộc, cha đẻ của anh Nguyễn Chí Lưu, chủ lò nấu dầu giữa cánh đồng cho biết, cơ sở của con trai ông đã xin giấy phép của Sở TN&MT (Hà Tây cũ) để được hoạt động nấu dầu tái chế. Những phuy dầu cặn này, sau khi “luyện” khoảng 2 ngày sẽ cho ra sản phẩm dầu FO -Một sản phẩm khác, nhưng đòi hỏi thời gian “luyện” lâu hơn, là mỡ bôi trơn cho các động cơ, máy móc.

Một lít dầu cặn, dầu thải được thu mua lẻ tại các cửa hàng sửa chữa xe máy, các gara ôtô… với mức giá dao động từ 1.000 - 3.000 đồng. Nếu hàng được mang đến giao tận nơi, cơ sở của ông Lưu phải thu mua với giá cao hơn. Sản phẩm dầu FO sau khi luyện xong được bán với mức giá từ 7.000 - 8.000 đồng/lít. “Cơ sở của con trai tôi đặt xa khu dân cư nên không ảnh hưởng đến cộng đồng. Hơn nữa, việc nấu dầu cũng được khép kín, nên không ảnh hưởng đến môi trường!” - ông Lộc quả quyết.

Khói đen bốc mù mịt từ những lò này

“Người dân kêu trời nhưng đâu vẫn hoàn đấy!”

Không như những gì ông Lộc nói, sự có mặt của 3 lò nấu dầu thải, dầu cặn đã làm người dân An Thượng khổ sở từ lâu. Anh N., một người dân địa phương than: “Có những ngày, cả 3 lò nấu dầu đều hoạt động. Gió từ cánh đồng đẩy khói vào làng, không khác gì… khói bom. Kinh khủng nhất là mùi dầu cháy, gây khó chịu, ăn cơm cũng buồn nôn. Có ngày đúng chiều gió, cả làng phải đeo… khẩu trang dù đang ở nhà!”.

Một người dân khác cho biết: “Đang vụ đông nên cánh đồng để ải. Hôm nay các anh về gặp may, vì thời tiết hanh khô, lặng gió, chủ yếu là gió quẩn nên mùi dầu không bị đẩy vào làng, chứ có gió thì cách vài cây số đã nồng nặc mùi dầu cháy! Thời gian lúc lúa bắt đầu vào đòng, lo nhất lúa bị héo úa vì khói đốt dầu ngùn ngụt!”.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, trước đây, các cơ sở nấu dầu thải, dầu cặn “đóng đô” ở giữa làng. Nhưng nhiều người dân kịch liệt phản đối, các chủ lò nấu mới chịu “di dời” ra giữa cánh đồng! Cách đây vài tháng, chính quyền địa phương đem lực lượng xuống cưỡng chế, nhưng không hiểu sao các chủ lò nấu nên đã kịp thời “di dời” thiết bị ra khỏi hiện trường.

Sau một thời gian “án binh bất động”, rồi các lò lại thi nhau đỏ lửa. Một ngày, cả 3 lò hoạt động hết công suất cũng “xử lý” cả ngàn lít dầu thải. Trong khi đó, những đụn khói thải ra, bao gồm những chất độc hại gì, thì cả làng… chịu.

Trao đổi với ông Lê Văn Vinh, Chủ tịch UBND xã An Thượng, được biết, 3 cơ sở tái chế dầu thải, dầu cặn do 3 chủ lò Nguyễn Thế Thảo, Nguyễn Thế Vĩnh và Nguyễn Chí Lưu điều hành. Cách đây 2 năm, lò nấu dầu tái chế của ông Nguyễn Thế Thảo, Nguyễn Thế Vĩnh đóng đô ở làng An Khánh, cách An Thượng vài cây số. Vì khói thải quá nhiều, lại đặt giữa khu dân cư, nên 2 lò luyện trên bị người dân An Khánh tẩy chay. Không bỏ nghề, hai chủ lò này chuyển cơ sở về An Thượng và tìm cách hoạt động ở xóm bãi, giữa cánh đồng.

Cuối tháng 6/2008, xã đưa lực lượng gồm công an xã, phòng địa chính xuống kiểm tra các cơ sở nấu dầu ngoài bãi. Đến nơi, chính quyền mới tá hoả vì không chỉ gây ô nhiễm môi trường, mà các lò luyện trên đều tự ý… chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp. Khu lò nấu của ông Nguyễn Chí Lưu nguyên là một khu ruộng cấy một năm hai vụ. Để thuận lợi cho việc mở rộng cơ sở nấu luyện, ông Lưu đã thuê san lấp lấy mặt bằng làm trụ sở. Ông Lưu còn dựng một ngôi nhà hai gian làm chỗ ăn nghỉ ngay tại khu lò nấu để tiện việc sản xuất.

Khi chính quyền xã kiểm tra giấy phép hoạt động, các chủ lò đều không có. Tuy nhiên, một thời gian sau, hộ ông Nguyễn Chí Lưu mang đến xã "trình diện" một giấy phép của Sở TN&MT (Hà Tây cũ). Ông Vinh khẳng định: “Không biết vì sao họ có được cái giấy phép đó. Chứ nếu tôi là người có quyền cấp phép, chắc chắn tôi không bao giờ ký giấy!”. Xã lập biên bản xử lý hành chính về việc chủ lò Nguyễn Chí Lưu sử dụng sai mục đích đất nông nghiệp. Nhưng rồi, ba lần bảy lượt, chính quyền xã xuống hiện trường cưỡng chế, sự việc vẫn đâu vào đấy.

“Về mức độ ô nhiễm môi trường, cụ thể như thế nào tôi không dám khẳng định, vì xã không có chuyên môn trong việc thẩm định những khí thải đó là gì, nồng độ cho phép trong không khí là bao nhiêu… Nhưng chắc chắn, việc ảnh hưởng tới môi trường, sức khoẻ người dân là có. Xã chỉ có thẩm quyền lập biên bản xử lý việc sử dụng sai mục đích đất nông nghiệp của các chủ lò nói trên. Chúng tôi cũng đang hoàn thiện hồ sơ để gửi lên phòng cảnh sát môi trường phối hợp xử lý!”, ông Vinh cho biết!

Không biết đến bao giờ hồ sơ xử lý của xã An Thượng huyện Hoài Đức sẽ hoàn thành, chỉ biết rằng, những lò tái chế dầu thải, dầu cặn trái phép vẫn ngày ngày hoạt động. Và những người dân lại tiếp tục phải chung sống với bầu không khí bị ô nhiễm, mà theo họ, là đã quá nặng nề!/.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên