Về sai phạm ở Trường trung cấp Văn Hiến:

Bài 2 : Nhắm mắt đẩy ô tô theo đèn

“… Trường Văn Hiến làm việc theo kiểu cầm đèn chạy trước ô tô… nhưng vì các em học sinh, đề nghị Bộ, Tỉnh vẫn cấp bằng…” (!?)

Ngay từ khi lập đề án chuyển đổi từ trung cấp nghề lên thành trung cấp chuyên nghiệp, ông Nguyễn Đức Tâm, Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường trung cấp Văn Hiến đã có cách điều hành không minh bạch. Ông Vũ Ngọc Kha, Phó hiệu trưởng Trường trung cấp Văn Hiến cho biết: “Quản lý tài chính không rõ ràng, tiền thu về không vào sổ sách theo quy định”.

Được biết, ông Kha đang đứng đơn gửi nhiều cơ quan chức năng đề nghị xử lý nghiêm vi phạm, mới đây đã bị một số đối tượng côn đồ đánh một trận “dằn mặt”.

Các kết luận thanh tra, điều tra của cơ quan chức năng đều khẳng định ông Tâm dùng bằng đại học giả để lập dự án. Theo quy định của Bộ GD-ĐT, kinh doanh trong lĩnh vực  giáo dục, đào tạo là loại hình kinh doanh có điều kiện, chủ tịch hội đồng quản trị phải là người có chuyên môn và phải có bằng đại học, thế nhưng ông Tâm lại chẳng có bằng cấp gì.

Khi trao đổi với phóng viên, ông Tâm thừa nhận việc dùng bằng “rởm” để lập dự án, và cho rằng UBND tỉnh là nơi ký quyết định thì phải chịu trách nhiệm  thẩm định: “Tôi làm doanh nghiệp cần gì quan tâm đến bằng!, nếu cần  lên hỏi Uỷ ban vì đây là nơi chịu trách nhiệm thẩm định hồ sơ xin thành lập trường”.

Đó là cách trả lời của vị Chủ tịch Hội đồng quản trị, Phó hiệu trưởng Trường trung cấp nghề Văn Hiến, ngưòi vẫn thường làm sai và đổ lỗi cho người khác. Sai phạm và cách làm không minh bạch của ông Tâm lại được tiếp tay bởi những người có trách nhiệm, lấy lí do là vì quyền lợi của học sinh.

Tại biên bản họp liên ngành về việc xử lý sai phạm tại trường Trung cấp Văn Hiến (ngày 14/6/2011), gồm đại diện của Sở GD-ĐT, Sở Tư Pháp, Sở Y Tế, Thanh Tra Tỉnh Thanh Hóa, Văn phòng UBND tỉnh Thanh Hóa và trường Văn Hiến, cũng khẳng định sai phạm ở trường Văn Hiến nhưng chỉ xử phạt hành chính. Về sai phạm cá nhân thì đề nghị Hội đồng quản trị nghiêm túc kiểm điểm. Tất cả các thành viên liên ngành đều kiến nghị UBND tỉnh, Bộ GD-ĐT cấp bằng cho học sinh.

Với cái lý là vì quyền lợi của học sinh, ngay sau đó UBND tỉnh Thanh Hóa đã có công văn Số 4104 gửi Bộ GD-ĐT xin cấp bằng cho số học sinh mà trường Văn Hiến tuyển sai quy định. Cách giải quyết đó là có tình nhưng non lý, vì đã hợp thức hóa những sai phạm của trường Văn Hiến. Ông Nguyễn Ngọc Vinh, Vụ trưởng vụ trung cấp chuyên nghiệp đưa quan điểm: “Chúng tôi không đồng ý với kết quả thanh tra của địa phương, đề nghị UBND tỉnh làm rõ, nếu cần phải chuyển sang cơ quan chức năng xử lý nghiêm trước pháp luật”.

Ngay cả  Phó Giáo sư Tiến sỹ, nhà giáo ưu tú, nguyên Hiệu phó trường Đại học Y Thái Bình, nay là Hiệu trưởng của trường Trung cấp Văn Hiến cũng thừa nhận sai phạm của trường, mặc dù ông ủng hộ quan điểm nhân văn là phải vì học sinh: “Phải công nhận là trường Văn Hiến làm việc theo kiểu cầm đèn chạy trước ô tô… nhưng thôi, vì các em học sinh đề nghị Bộ, Tỉnh vẫn cấp bằng, mình phải hợp thức hóa cái sai”.

Như vậy là vị Hiệu trưởng này đề nghị đẩy ô tô theo đèn, vì “trên ô tô là tương lai, sự nghiệp của hàng trăm, hàng ngàn học sinh”. Tuy nhiên, không thể nhắm mắt mà làm việc này. Những người cầm đèn và tiếp tay cho việc cầm đèn vi phạm pháp luật thì phải bị xử lí.

Được biết, Cục An ninh chính trị nội bộ A83 - Bộ Công an phối hợp với các đơn vị chức năng tiến hành xác minh và đã có kết luận: ông Chủ tịch Hội đồng quản trị Nguyễn Đức Tâm sử dụng bằng Đại học xây dựng “rởm” để lập dự án. Các đơn vị liên kết với trường Văn Hiến cũng đều có công văn trả lời Cục An ninh chính trị nội bộ A83 - Bộ Công an khẳng định là không ký liên kết, hoặc đã huỷ bỏ liên kết đào tạo với trường Văn Hiến.

Trước những sai phạm rõ ràng, lẽ ra phải xử lý nghiêm các cá nhân vi phạm. Tuy nhiên, không hiểu lý do gì mà những người này vẫn bình yên vô sự. Còn người đấu tranh tố cáo thì bị “dằn mặt”.

Những gì đang diễn ra ở Trường trung cấp Văn Hiến – Thanh Hoá là điển hình về việc lợi dụng chủ trương đúng đắn và nhân văn của Đảng và Nhà nước nhằm bảo vệ lợi ích nhóm và trục lợi cá nhân. Đã đến lúc chúng ta cần quản lý chặt chẽ, xử lý nghiêm những vi phạm để đảm bảo chất lượng đào tạo nguồn nhân lực. Nếu cứ để xảy ra tình trạng “nhắm mắt đẩy ô tô theo đèn” như ở Trường trung cấp Văn Hiến thì tiền lời vẫn rơi vào túi các nhà đầu tư, còn phần thiệt thòi thì học sinh và phụ huynh học sinh phải gánh chịu. Về lâu dài, hậu quả gây ra cho xã hội là không thể lường hết được!/.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên