Lao động Việt Nam tại Hàn Quốc:

Bài 2: Tại anh, tại ả, tại cả... 3 bên!

Dẫu do nguyên nhân gì đi nữa, sự thật hiện hữu là giới chủ Hàn Quốc đã dần chuyển hướng sử dụng LĐ ở các quốc gia khác thay LĐ Việt Nam

Vỡ giấc mộng Hàn!

Sau mùa đông buốt giá, tháng 4 về, cả xứ sở Kim chi bước vào xuân. Đi trên những con đường quanh co, thoai thoải dốc, rực rỡ sắc màu hoa cỏ giữa Thủ đô Seoul, y như những thước phim lãng mạn của xứ Hàn được trình chiếu nhan nhản trên các đài truyền hình của Việt Nam.

Xắn quần lội xuống ruộng trò chuyện với những LĐ của ta ở các vùng quê, tôi chợt hiểu vì sao người cán bộ Ban quản lý LĐ Việt Nam tại Hàn Quốc lại dùng động từ mạnh là “sốc” để lột tả tâm trạng của nhiều LĐ khi đến làm việc tại xứ sở này.

Sản xuất nông nghiệp là ngành nghề phát sinh nhiều bức xúc của người lao động VN tại Hàn

Trang trại Kim Dong Jun cách trung tâm thành phố Incheon không xa, cũng cảnh ruộng đồng, canh tác gần gũi với ta lắm. Trong bộ trang phục màu trắng xám của Trung tâm LĐ ngoài nước, 6 LĐ Việt Nam còn lại của trang trại này đang xới những cây rau cần giống, chuẩn bị cho một mùa mới. Anh Vũ Văn Quang (34 tuổi), quê ở Cảnh Thuỵ, Yên Dũng (Bắc Giang), mới chân ướt chân ráo sang đây chưa đầy một tháng. Ở quê nhà, bao đời cha ông rồi đến anh cũng miệt mài trên những cánh đồng, tất bật với những mùa vụ, thế nhưng khi sang đây làm việc, anh không ngớt lời ta thán về công việc vất vả, về cái sự “chẳng khác ta là mấy” của nghề nông ở xứ sở này.

Cũng bởi cái cảm giác hụt hẫng vì cuộc sống, môi trường làm việc không như phim ảnh, nhiều LĐ Việt Nam ngay từ khi mới đặt chân đã vỡ mộng, tinh thần làm việc vì thế cũng chẳng thể nào cao! Gương mặt của ông Yun Hyun Soo - người quản lý nhân lực nước ngoài Tổ hợp rau cần trở nên đỏ gay khi nhắc đến một trường hợp: “Một nữ LĐ Việt Nam mới tới, chồng đã đến thăm ngay. Ban đầu là hoạch họe lương thấp, làm việc nhiều, môi trường xa xôi, xa trung tâm thành phố. Ít ngày sau, anh ta đến đón vợ đi, bất chấp những quy định của luật pháp”.

Tại buổi làm việc với Hiệp hội nông nghiệp, ông Lee Kab Joo - Vụ trưởng Vụ Hỗ trợ nông thôn đưa ra thông điệp rất rõ ràng: “Chúng tôi tiếp nhận LĐ nước ngoài để làm những công việc mà người bản địa từ chối!”. Ở những lĩnh vực đặc thù như nông nghiệp và ngư nghiệp, phần lớn LĐ đều làm ở những vùng nông thôn hẻo lánh, điều kiện làm việc, điều kiện sống và thu nhập đều không bằng các lĩnh vực khác. Chính vì vậy, mặc dù LĐ Việt Nam làm việc ở lĩnh vực này không nhiều song đây lại là ngành nghề phát sinh nhiều vấn đề bức xúc nhất!

Ngay trong buổi làm vệc, điện thoại của cán bộ Ban quản lý lại reo vang, sau một hồi trao đổi, người cán bộ quay lại với những cái lắc đầu ngao ngán. Một LĐ tên Bùi Thị Mai Hương, quê ở Hòa Bình mới sang ít ngày đã lấy lý do đau bụng, không chịu đi làm. Sau khi ông chủ cho đi khám mà không tìm ra bệnh, thuyết phục lên xuống vẫn không chịu làm việc họ đã quyết định trục xuất LĐ này về nước!

Lao động chung sức… phá thị trường

Một căn bệnh mà các nhà quản lý cũng như chủ sử dụng Hàn Quốc vô cùng khó chịu ở những LĐ Việt Nam đó là tính “bầy đàn” quá lớn. Chỉ cần một người có vấn đề, muốn chuyển xưởng, muốn bỏ trốn là kéo theo rất nhiều người khác tham gia. Không chỉ gây bức xúc bởi những hành vi trốn, “nhảy việc”, mà trong quá trình lao động, sinh sống ở nước bạn, nhiều LĐ Việt Nam đã để lại những hình ảnh không đẹp qua hành vi ứng xử hàng ngày. Ông Kim Jong Ho - Chủ tịch Tổ hợp rau cần bức xúc: “Quy định của Hàn Quốc là hàng năm sẽ tăng 10% lương nhưng nhiều LĐ Việt Nam lại đòi tăng lương lên đến 20%, chúng tôi rất khó thỏa thuận với họ. Khi không được đáp ứng họ đòi bỏ đi”.

Ông Hwang Chang Bae - Giám đốc Trung tâm hỗ trợ người LĐ nước ngoài thành phố Incheon phân tích: “Họ đòi chuyển xưởng bởi nhiều lý do lắm, nào là lương thấp, điều kiện phúc lợi không tốt, thích chuyển đến gần trung tâm thành phố, gần các khu vui chơi giải trí. Nhiều LĐ chỉ biết đến cái lợi trước mắt chứ không để ý đến cái lợi của việc làm đủ một năm sẽ được hưởng trợ cấp thôi việc”.

Lương cao, giờ làm ít - là khẩu hiệu nhiều LĐ Việt Nam áp dụng. Tuy nhiên, cũng có những đúc kết mà cán bộ Ban quản lý nhiều thế hệ truyền nhau: “LĐ Việt Nam lười, láo, đòi ăn ngon...”. Không biết có quá lời không khi Phạm Anh Thắng, Bí thư thứ nhất Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc cho rằng, chính LĐ ta đang chung sức “phá thị trường”.

Bên cạnh căn bệnh trầm kha là ý thức kỷ luật của LĐ Việt Nam còn thấp, tiếng Hàn kém, một nguyên nhân xâu chuỗi của vấn đề là LĐ Việt Nam quá “đói” thông tin.

Ông Chang Min Shang- Trưởng phòng nhân lực nước ngoài cho hay: Sau khi LĐ dự các buổi đào tạo về, chúng tôi đã đặt câu hỏi trắc nghiệm thì nhiều người trả lời không biết họ làm ngày bao nhiêu giờ, công việc cụ thể ra sao, các quyền lợi, nghĩa vụ như thế nào khi làm việc ở Hàn Quốc”.

Ông Chang Min Shang- Trưởng phòng nhân lực nước ngoài: LĐ Việt Nam còn "quá đói" thông tin

Cũng vì thiếu thông tin nên cho đến nay, không ít LĐ Việt Nam đã trở thành con mồi béo bở cho các loại cò mồi, lừa đảo hoặc nhiều địa phương có những khoản thu rất vô lý. Ông Phạm Anh Thắng, Bí thư thứ nhất Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc bức xúc: “Những lần đi xuống thăm anh em, lân la hỏi chuyện, nhiều lao động nói mất rất nhiều tiền cho cò mồi. Bên cạnh đó nhiều địa phương cũng thu những khoản thu rất vô lý gọi là xây dựng quê hương. Trong khi chương trình chỉ thu hơn 600 USD, nhiều địa phương cũng thu đúng bằng khoản này. Chi nhiều họ bỏ trốn, nhảy việc đến nơi cao hơn để trả nợ là điều đương nhiên”. Không chỉ cò mồi, thậm chí có những cán bộ ở một số địa phương ăn chặn tiền, hàng chục, hàng trăm triệu của người LĐ.

Một lý do nữa cũng khiến giới chủ Hàn Quốc lấy làm buồn lòng khi có một tỷ lệ LĐ không nhỏ sức khỏe không đảm bảo nhưng vẫn lọt cửa với tờ giấy chứng nhận sức khỏe loại A!.

Chính vì khâu kiểm tra sức khỏe ở nhà có vấn đề thế nên mới xảy ra nhiều chuyện nực cười với những LĐ mắc bệnh tâm thần!. Là người trực tiếp xử lý những vụ việc LĐ mắc bệnh tâm thần phải trả về nước, ông Phạm Anh Thắng, cũng “vinh dự” khi có biệt danh: "Thắng tâm thần" (!). Và theo nhận định thì thực trạng bỏ trốn tại sân bay thời gian qua cũng xuất phát từ nguyên nhân này.

Cư trú bất hợp pháp - lỗi từ 2 phía

Phải mất 4 tiếng đi tàu điện ngầm và taxi, Đinh Văn Mạnh, quê ở Văn Phương, Nho Quan (Ninh Bình) cùng 2 người bạn đến được Trung tâm hỗ trợ LĐ nước ngoài Uijeongbu. Làm việc tại một xưởng chuyên sản xuất tôn từ tháng 10/2010, không những phải làm việc nặng nhọc, Mạnh còn bị ông chủ trả lương không sòng phẳng. “Từ đầu năm, Bộ Lao động Hàn Quốc đã tăng mức lương tối thiểu lên hơn 9.000 won/người/tháng, nhưng ông chủ của em cứ lờ đi, vẫn tính theo mức cũ. Ngay cả thời gian làm thêm, đáng ra được tính 150%, nhưng ông ấy chỉ tính như giờ làm việc chính thức. Em lên đây mong được giúp đỡ để chủ trả mức lương đúng với sức lao động của mình bỏ ra”, Đinh Văn Mạnh bức xúc nói.

Theo bảng thống kê của Trung tâm Hỗ trợ LĐ nước ngoài quận Incheon, dù mới đi vào hoạt động chưa đầy nửa năm, song số vụ LĐ Việt Nam phải nhờ đến sự hỗ trợ của Trung tâm vì lý do chậm trả lương đã lên tới hơn 1.300 vụ.

Nếu như bất đồng ngôn ngữ là căn bệnh trầm kha khiến cho chủ và người LĐ đối thoại kiểu “ông nói gà, bà nói vịt”, dẫn đến những những xung đột không được tháo gỡ, theo chị Lee Hồng Ngọc - Thông dịch và tư vấn viên thuộc Trung tâm Hỗ trợ người LĐ nước ngoài Uijeongbu, nguyên nhân làm cho vấn đề đòi chuyển xưởng tăng đột biến thời gian qua cũng xuất phát từ một chủ trương mới của Hàn Quốc: “Trước đây, các hợp đồng chỉ ký một năm, tỷ lệ LĐ đòi chuyển xưởng ít lắm, nhưng gần đây họ lại ký tới 3 năm, thành ra, khi những điều kiện làm việc không đảm bảo, người LĐ lo lắng, hoang mang nên họ muốn bỏ việc, chuyển xưởng”, chị Lee Hồng Ngọc cho biết.

Theo chị Ngọc, đa số chủ bên này đều rất tốt, nhưng vấn đề phát sinh phần lớn lại đều từ những người quản lý. Việc xúc phạm, mắng chửi người LĐ cũng diễn ra thường xuyên. Thời gian này, chị Ngọc phải tuần đôi lần đưa đón LĐ Việt Nam đến bệnh viện điều trị tâm thần do bị ông chủ chửi mắng quá nhiều!

Cũng bởi bất đồng ngôn ngữ, xung khắc về văn hóa và sự khắt khe, hà khắc của giới chủ mà đã nhiều vụ việc đáng tiếc xảy ra. Mới đây nhất, ngày 23/3,  LĐ Nguyễn Việt Ân, sinh ngày 21/2/1987, quê Vĩnh Long, nhập cảnh Hàn Quốc tháng 12/2007, vì không chịu được hành vi bạo hành của một người quản lý Hàn Quốc đã dùng dao đâm liên tiếp, cướp đi tính mạng của người này đúng vào ngày sinh nhật của ông ta. Ngoài ra, nhiều LĐ Việt Nam cũng đã phải “xộ khám” vì những hành vi đánh lộn, xích mích với chủ sử dụng LĐ cũng như những LĐ nước khác.

Ở môt góc độ khác, những thông tin hợp đồng phía bạn cung cấp cho ta cũng rất nghèo nàn. Cầm trên tay bản hợp đồng của một DN trong lĩnh vực nông nghiệp, những thông tin mà giới chủ đưa ra quá sơ sài khiến nhiều LĐ khi được tiếp nhận cũng không hiểu mình sẽ làm công việc gì, thời gian làm việc, cách tính lương thế nào!. Chính sự mù mờ thông tin khiến người LĐ như lạc vào mê cung.

Ở góc độ khác, theo ông Phạm Anh Thắng, Bí thư thứ nhất Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc, sở dĩ tình trạng LĐ Việt Nam cư trú bất hợp pháp cao cũng không loại trừ lý do bị “dính bẫy” của những ông chủ tồi: “Không chỉ LĐ Việt Nam muốn bỏ trốn, mà chính giới chủ làm cho LĐ thành bất hợp pháp. Ví dụ, quy định của phía bạn khi hết hợp đồng phải tái ký trước 45 ngày, nhưng khi biết LĐ ta nhăm nhe đòi chuyển đi, chủ sử dụng LĐ cố tình quên, đến khi LĐ hỏi thì đã quá ngày, thành phạm pháp. Trường hợp thứ 2 là nguyên tắc khi chủ sử dụng LĐ phá sản thì phải ký thanh lý hợp đồng cho người LĐ, nhưng họ không ký, đến khi thành lập doanh nghiệp mới, lại lấy LĐ cũ về làm, như vậy là LĐ mình lại trở thành bất hợp pháp!”

Một nguyên nhân khiến tỷ lệ LĐ nước ngài cư trú bất hợp pháp ở Hàn Quốc cao, chính là tình trạng sử dụng LĐ bất hợp pháp vẫn rất phổ biến. Ông Lim Kyung Six - Cục trưởng Cục Phát triển nguồn nhân lực (Bộ Lao động Hàn Quốc) cũng thừa nhận thực tế này.

Dẫu là nguyên nhân gì đi nữa, sự thật đang hiện hữu đó là giới chủ Hàn Quốc đã dần chuyển hướng sử dụng những LĐ ở các quốc gia khác như Indonesia; Thái Lan, Campuchia; Philiphines thay vì LĐ Việt Nam./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên