Tìm lời giải cho Tây Nguyên thêm xanh:

Bài 3: Giữ rừng và phát triển rừng- Dân là gốc

Thoát khỏi những ràng buộc về quy hoạch, cơ chế chính sách lâm nghiệp, đã có những cá nhân, cộng đồng ở Tây Nguyên vươn lên làm giàu nhờ giữ rừng và trồng rừng.  

Giàu lên nhờ rừng


Bài 1: Đại ngàn nham nhở

Bài 2: Ban phát rừng và mất rừng hợp pháp

Dưới màu xanh mát rượi của rừng keo 9 năm tuổi, anh Nguyễn Bách Khoa, chủ trang trại 100 ha rừng ở xã Ea Sô, huyện Ea Ka, tỉnh Đắk Lắk cho biết, với sản lượng trung bình gần 100m3, mỗi ha anh sẽ thu được khoảng 50 triệu đồng. Đó là chưa kể giá trị của gần 1000 cây gỗ hương quý hiếm, vài năm nữa là được khai thác. Trang trại của anh còn là nguồn sống ổn định của 5 gia đình, giải quyết việc làm cho hàng chục lao động thời vụ.

Những năm đầu, anh cho anh em trồng ngô, trồng mía, nghĩa là phải tạo điều kiện cho người lao động có cả nguồn lợi riêng và nguồn lợi chung.  Anh Khoa cho biết: “Trong số diện tích sản xuất, mình cho mỗi hộ tự sản xuất vài ba héc-ta làm nguồn thu nhập riêng, còn lại họ làm cho mình thì mình lại lấy chính những sản phẩm đó bán đi để trả lương cho mọi người”.

Khi mà cây rừng lớn không trồng xen nông nghiệp được thì anh lại chuyển sang chăn nuôi, thả vào đó vài trăm con bò, rồi lại lấy lợi nhuận từ nó mà tiếp tục đầu tư cho rừng. Hai năm đầu thì "lấy ngắn nuôi dài", từ năm thứ ba trở đi, chi phí mỗi năm giảm đi, nhiều lắm chỉ đến 1,5 triệu đồng/ha.

Tận dụng lợi thế của đất và rừng, biết lấy diện tích đất nông nghiệp nhỏ để tạo nguồn thu, trồng diện tích rừng lớn, đó là cách mà nông dân Nguyễn Bách Khoa đã vươn lên làm giàu.

Cả bon cùng bảo vệ rừng

Xen trong tiếng cưa máy giữa rừng, là tiếng nói, tiếng cười râm ran của bà con Mơ-nông trong ngày khai thác rừng theo chu kỳ lâm sinh. Đưa bàn tay thô ráp quyệt ngang dòng mồ hôi trên trán, anh Điểu Minh, ở bon Bu Nơ, xã Quảng Tâm, huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông hồ hởi: “Từ việc nhận giao khoán bảo vệ rừng cho tới ngày được khai thác thế này, bà con thấy sung sướng lắm”.

Đây là lần thứ hai bà con được khai thác gỗ theo chu kỳ tỉa thưa 5 năm một lần. Anh Điểu N'Sê, thành viên Ban quản lý rừng cộng đồng Bu Nơ, cho biết, đợt này, tổng số tiền bán gỗ thu được 668 triệu đồng, sau khi trừ chi phí khai thác, nộp thuế tài nguyên, nộp cho xã 42 triệu đồng, trích 30% xây dựng quỹ cộng đồng, bình quân mỗi hộ còn được chia 4 triệu đồng. Số tiền không lớn, nhưng tự hào nhất là bà con đã giữ được khu rừng thiêng của cha ông để lại.

Sống gắn với rừng, bà con không lo chuyện nhà cửa vì đã có gỗ từ rừng cộng đồng, chẳng sợ thiếu ăn vì lại có thu nhập thêm từ các loại lâm sản phụ, bên cạnh những diện tích lúa nước, cà phê ngoài rừng.

10 năm trước, Nhà nước đã giao hơn 1000 ha rừng cho cộng đồng Bu Nơ. Những diện tích ven suối bà con vẫn được tiếp tục sản xuất nông nghiệp. 122 hộ trong bon được tổ chức thành 8 nhóm theo dòng họ để bảo vệ rừng. Nguồn thu từ rừng, cộng đồng đã mua sắm đầy đủ trang thiết bị bảo hộ, mua xe ô-tô U-oát để tuần tra rừng. Không những rừng được bảo vệ tốt mà mùa mưa này, bà con còn trồng phủ xanh được gần chục ha. Cuộc sống ổn định, cộng đồng Bu Nơ đang đề nghị Nhà nước giao thêm rừng để bảo vệ.

Anh Điểu N'Sê cho biết, “người dần đã có tờ trình xin nhận thêm 1000 ha để phát triển trồng rừng, sau này con cháu còn có tương lai”.

PGS.TS Bảo Huy, ở Trường Đại học Tây Nguyên, người tư vấn và hỗ trợ chính quyền địa phương thực hiện mô hình này phân tích: Điều đầu tiên rất quan trọng là phải giao quyền sử dụng rừng và đất rừng cho cộng đồng. Cùng với đó là nâng cao năng lực cho cộng đồng và cho những người đại diện để người dân chủ động tổ chức quản lý theo nhóm hộ, xây dựng quy ước, lập kế hoạch quản lý rừng hàng năm…

Cũng theo PTS.TS Bảo Huy, mặc dù về chính sách chung cả nước thì chưa có cơ chế hưởng lợi thống nhất trong việc giao rừng cho cộng đồng, nhưng qua sự tư vấn, UBND tỉnh Đắk Nông cho phép thử nghiệm cơ chế hưởng lợi mới, tức là cộng đồng được quyền khai thác sử dụng rừng một cách bền vững, dưới sự hướng dẫn kỹ thuật của cán bộ chuyên môn và kỹ thuật khai thác phù hợp với năng lực của cộng đồng.

Việc làm trên đã tạo ra thu nhập cho các hộ gia đình, đặc biệt là người dân tạo ra được Quỹ quản lý rừng cộng đồng, chủ động quản lý bảo vệ rừng, thay vì phụ thuộc vào sự hỗ trợ từ bên ngoài.

Việc giao rừng phù hợp với truyền thống văn hóa cộng đồng dân cư bản địa, kèm theo cơ chế hưởng lợi phù hợp, đã thực sự đem lại lợi ích cho người dân, giúp họ sống gắn bó với rừng. Mô hình này có sức thuyết phục không chỉ từ hiệu quả đạt được, mà trước hết ở quan điểm: Giữ rừng và phát triển rừng – Dân là gốc./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên