Bài 3: Nan giải chuyện học cho trẻ tự kỷ

Việc học cho trẻ tự kỷ đang khiến không ít gia đình phải đau đầu, khi mà hiện nay chưa có mô hình giáo dục phù hợp cho đối tượng này

Tàn nhẫn với nỗi đau của trẻ tự kỷ

Theo các chuyên gia, đối với trẻ tự kỷ, đặc biệt là tự kỷ điển hình, việc được hòa nhập cộng đồng, can thiệp bằng giáo dục là phương pháp hiệu quả nhất hiện nay. Nhiều gia đình bằng một vài mối quan hệ cá nhân cũng xin cho con được đi học ở trường dạy trẻ bình thường. Nhưng cuối cùng, vì nhiều lý do, họ buộc phải cho con nghỉ học.

Khi các gia đình có trẻ tự kỷ đang “bơ vơ” chưa biết tìm môi trường học phù hợp cho con thì qua một vài lời giới thiệu, họ tìm đến những trung tâm tư nhân chăm sóc trẻ khuyết tật trí tuệ, trẻ tự kỷ. Để rồi một thời gian sau đó, họ phải nhận chua xót, ngỡ ngàng.

Đến bây giờ, chị Nguyễn Thị Tuyết (phường Vĩnh Tuy, quận Hoàng Mai, Hà Nội) vẫn không khỏi rùng mình khi nhớ lại chuyện cũ. Đó là năm 2003, khi thấy con trai mình (2 tuổi) có những dấu hiệu không bình thường, chị Tuyết đưa con đến Bệnh viện Nhi Trung ương khám bệnh.

Chị hoảng hốt khi bác sỹ H chẩn đoán cháu Trung bị tự kỷ. Nhưng được sự động viên, an ủi của bác sỹ H, chị an tâm phần nào. Nhất là lại được bác sỹ H giới thiệu đưa con vào học ngay Trung tâm của bác sỹ, chị mừng như mở cờ trong bụng. “Mình may mắn mới được một bác sỹ tận tình như vậy giúp đỡ”- Chị Tuyết nghĩ thầm.

Chị Nguyễn Thị Tuyết (phường Vĩnh Tuy, quận Hoàng Mai, Hà Nội)

Thương con, dù đường xa và mùa đông giá rét, chị Tuyết miệt mài đưa Trung đến trung tâm của bác sĩ H để điều trị mỗi ngày. Nhưng học đến cả tháng mà chị thấy con chẳng tiến bộ, thậm chí cháu còn ốm đau liên miên và thường giật mình thảng thốt.

Chị Tuyết bắt đầu hoài nghi và “bí mật” đến Trung tâm kiểm tra. Người mẹ như ngã khụyu khi tận mắt chứng kiến cảnh giữa trời rét như vậy, con trai bị lột trần truồng, nước mắt, nước mũi chảy tràn trên mặt. Còn cô giáo mặt đỏ phừng phừng, hai chân kẹp chặt thằng bé, bốc từng nắm cơm nhét vào miệng Trung. Và đó cũng là buổi cuối cùng chị Tuyết gửi con ở Trung tâm của bác sỹ H.

Còn chị Mai Nga, dù nhiều lần nhìn thấy thấy cảnh con bị “tra tấn”, nhưng chị vẫn phải nuốt nước mắt vào trong, cắn răng chịu đựng để con được tiếp tục theo học. “Tôi đã tìm mọi cách xin cho con vào học ở trường mẫu giáo công với hy vọng việc đào tạo ở đây sẽ bài bản hơn. Nào ngờ… Có lần tôi được nghỉ sớm đến đón con, thấy thằng bé đang bị cột chặt vào chân bàn, khóc không ra tiếng. Lúc đó tôi đã khá bức xúc, to tiếng với cô, thì cô tưng tửng: “Chị đưa con ra trường khác mà gửi. Ở đây chỉ mình con chị một kiểu, lớp thì đông cháu, chúng tôi không quản lý được”. Nhưng khi về nhà, nghĩ lại, hôm sau tôi lại phải đến giảng hòa với cô giáo, vì tôi đã trải qua việc xin học cho con khó khăn như thế nào. Còn nếu để cháu ở nhà, tôi sẽ phải nghỉ làm. Lúc đó chúng tôi biết sống sao đây”- Nhìn chị Nga thở dài não nuột, chúng tôi biết người mẹ đang đứt từng khúc ruột.

Bà Đỗ Thuý Lan- Phó Chủ tịch Hội Cứu trợ trẻ em tàn tật TP Hà Nội- Giám đốc Trung tâm Sao Mai, cho rằng, việc đào tạo phản giáo dục như vậy cũng một phần là do hầu hết các giáo viên trong các trường học hiện nay chưa được đào tạo chính quy, bài bản. Có chăng cũng chỉ là học thêm một “cua” cấp tốc để đáp ứng như cầu trước mắt.

Bà Thúy Lan cũng cho biết, có rất nhiều Trung tâm hiện đang “sống khỏe” trên nỗi đau của gia đình trẻ tự kỷ. Các trung tâm này thường có quy mô chăm sóc từ 30-50 cháu. Họ hoạt động theo nhu cầu của các phụ huynh chứ không có biện pháp can thiệp thích hợp để các cháu có thể giảm thiểu bệnh tật.

Tại Trung tâm Sao Mai, mỗi cô giáo phụ trách 5 trẻ tự kỷ

Đa số trung tâm này do một số sinh viên mới ra trường, hoặc giáo viên khoa Giáo dục đặc biệt thành lập. Họ thấy công việc này đang có nhu cầu lớn nên tự thuê địa điểm rồi mở cơ sở và quảng cáo rùm beng, đặt những cái tên thật kêu để thu hút các phụ huynh đem con đến gửi. Tuy nhiên, do không được đào tạo bài bản về biện pháp chăm sóc và thiếu kinh nghiệm thực tế dẫn tới nhiều cháu bé mất khoảng “thời gian vàng” trong can thiệp.

“Nhiều cháu sau khi can thiệp ở các trung tâm trên không hiệu quả, tìm đến Trung tâm Sao Mai, nhưng các khiếm khuyết tự kỷ từ nhẹ chuyển sang điển hình cùng với rối loạn hành vi, không có ngôn ngữ... đã nặng, nên tôi không dám nhận”, bà Lan giãi bày.

Bà Đỗ Thuý Lan- Giám đốc TT Sao Mai
Theo bà Lan, việc xuất hiện nhiều trung tâm chăm sóc trẻ khuyết tật trí tuệ, tự kỷ một cách tự phát như hiện nay do Nhà nước chưa có trường cho trẻ tự kỷ, chưa đào tạo được giáo viên đặc biệt và các nhà trị liệu về hành vi, trị liệu ngôn ngữ, chương trình, mô hình để can thiệp. Đồng thời việc quản lý các trung tâm chăm sóc trẻ tư nhân hiện nay còn đang bị buông lỏng, cứ để các trung tâm mọc lên một cách tự phát mà không có sự giám sát chặt chẽ.

Bởi vậy, theo bà Lan, ngành chức năng cần có chuyên gia hiểu về hội chứng tự kỷ, nhu cầu giáo dục, tham khảo các chuyên gia đã có kinh nghiệm làm việc lâu năm với trẻ tự kỷ ở Hà Nội, TP HCM... để cùng xây dựng một mô hình, mục tiêu, chương trình, nội dung can thiệp... sao cho phù hợp với điều kiện Việt Nam. Và đó sẽ là thước đo, chuẩn mực để giám sát, kiểm tra các trung tâm tư nhân hiện nay.

Giáo dục bỏ quên trẻ tự kỷ?

Sự bùng phát của các trung tâm chăm sóc trẻ tự kỷ tư nhân trong thời gian qua là do chúng ta chưa đầu tư cho việc giáo dục đối tượng này. Thực tế hiện nay, không có nơi nào đào tạo riêng giáo viên để dạy các đối tượng tự kỷ.

Bà Đỗ Thuý Lan cho biết, ngay cả ở Trung tâm Sao Mai, cô giáo do trung tâm tuyển chọn là các giáo viên dạy mầm non rồi sau đó được đào tạo thêm kỹ năng, kiến thức chăm sóc dạy trẻ tự kỷ. Nguồn giáo viên được đào tạo bài bản để dạy đối tượng này hiện nay không có.

TS Nguyễn Xuân Hải, Trưởng Khoa Giáo dục đặc biệt, Trường Đại học sư phạm Hà Nội cho biết, không chỉ riêng ở trường Đại học sư phạm Hà Nội mà ở nhiều trường khác có khoa Giáo dục đặc biệt đều trong tình trạng thiếu sinh viên.

Với chỉ tiêu tuyển chỉ khoảng 40 sinh viên/khóa, nhưng nhiều khóa học đã phải đóng cửa vì quá ít sinh viên đăng ký vào học. Không những thế, trong số các sinh viên ra trường, ít người làm đúng ngành, đúng nghề. Một phần xin vào các viện nghiên cứu, một phần phải học thêm một bằng khác thì mới có thể xin việc được ở các trường học và khi đi dạy thì lại dạy các cháu bình thường.

“Với hơn 1,2 triệu trẻ khuyết tật hiện nay trong cả nước, số lượng giáo viên được đào tạo ở các trường đại học để dạy cho những trẻ này mỗi năm khoảng chưa đầy 100 người, thì đây chẳng khác nào “muối bỏ bể”, nói gì đến việc có giáo viên dành riêng cho trẻ tự kỷ”- Ông Hải so sánh.

TS Nguyễn Xuân Hải, Trưởng Khoa Giáo dục đặc biệt, Trường ĐH sư phạm Hà Nội

Tuy vậy, ông Hải cũng cho biết, hiện nay ông đang có ý tưởng trong năm nay sẽ tập huấn cho một số giáo viên ở các trường về phương pháp dạy trẻ tự kỷ. Việc này là tiền đề để 3-4 năm tới, trong Khoa sẽ triển khai một ngành học riêng về giáo dục trẻ tự kỷ. Nhưng đây cũng chỉ là câu chuyện trong tương lai!

Đối với chứng bệnh tự kỷ, các nước trên thế giới đã có những đầu tư thích đáng. Theo bà Đỗ Thúy Lan, một mô hình chuẩn nước ngoài để can thiệp cho trẻ tự kỷ phải có 5-7 chuyên gia nhiều mọi lĩnh vực. Nhưng với điều kiện như ở Việt Nam hiện nay, việc xây dựng một mô hình như thế là “không tưởng”./.

Bài cuối: Tương lai nào cho trẻ tự kỷ

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên