Nghịch lý giá sữa bột nhập ngoại ở Việt Nam:

Bài 3: Người tiêu dùng bị móc túi hàng nghìn tỷ đồng

Việc giá sữa bột nhập ngoại liên tục tăng giá một cách phi lý trong suốt thời gian dài vừa qua có trách nhiệm lớn của cơ quan quản lý. Hậu quả là người tiêu dùng trong nước bị móc túi hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm…

Bài 1: Giá sữa bột nhập ngoại tại Việt Nam đắt nhất thế giới? / Bài 2: Bí mật siêu lợi nhuận của hãng sữa nước ngoài

Nghe âm thanh tại đây

Nhìn vào thị trường sữa có thể thấy, các hãng sữa nước ngoài đã chiếm tới 80% thị phần. Theo ông Nguyễn Đức Kiên, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, rõ ràng hệ thống đại lý cung cấp sữa nước ngoài mang tính chất độc quyền rất rõ, nhưng các cơ quan quản lý gần như quên mất cách quản lý kinh tế theo nền kinh tế thị trường. Về lý thuyết, giá sữa hoàn toàn có thể quản lý được từ khâu nhập khẩu và điều tiết bằng công cụ thuế và phí.

“Chúng ta không có sự phối hợp giữa cơ quan: Hải quan, Bộ Y tế và các đơn vị liên quan với phía các doanh nghiệp ở trong nước. Cơ quan quản lý về năng lực cạnh tranh nên xem lại vấn đề chống độc quyền giá sữa và việc này hoàn toàn có quyền điều tiết bằng thuế”- Ông Nguyễn Đức Kiên cho biết.

Trong khi đó, thử làm một phép so sánh thấy ngay là cùng một hãng sữa xuất khẩu cùng thời điểm vào thị trường Việt Nam và Ấn Độ, nhưng xuất khẩu vào Ấn Độ có mức giá thấp hơn rất nhiều so với giá xuất khẩu vào nước ta. Một số đại lý sữa bật mí, giá sữa đã được các hãng “làm giá” trước khi đưa vào Việt Nam. Thế nhưng, một điều lạ là cho đến giờ các cơ quan quản lý, trong đó có liên Bộ Tài chính, Bộ Công thương vẫn chưa có một cuộc điều tra cơ bản nào về cơ cấu hình thành giá bán sữa ở Việt Nam.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng, cần phải có thông số về giá nhập khẩu, chi phí hợp lý của các nhà phân phối thì mới định vị được giá sữa trung bình ở Việt Nam. So với phần chênh lệch, sẽ dùng thuế để áp vào.  Cần phải lập quỹ chống độc quyền để lấy quỹ đó như một khoản thường xuyên cung cấp cho những hoạt động kiểm toán. Cùng với đó, cần có những chế tài, quy định cần thiết để điều chỉnh lại giá sữa.

Để điều tra việc có hay không có chuyện làm giá sữa không phải quá khó. Ông Nguyễn Đăng Vang, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho biết: “Việc này khá đơn giản. Tôi cho rằng, thương vụ có các đại diện ở nước ngoài, họ biết giá trên thị trường thế giới. Nếu như có gian lận về giá thì cũng có thể kiểm soát được và như vậy cơ quan Nhà nước mới có thể can thiệp mạnh mẽ”.

Một lỗ hổng khác là Luật Cạnh tranh của nước ta chỉ liệt kê 9 hành vi cạnh tranh không lành mạnh. Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, đây là một sơ hở. Trong thực tế, có rất nhiều hành vi về cạnh tranh không lành mạnh nằm ngoài 9 hành vi mà Luật đã nêu. Ở nước ta hiện tại, thay vì doanh nghiệp phải đầu tư nghiên cứu sản xuất ra sữa chất lượng cao bằng công nghệ tiên tiến, cạnh tranh giảm giá thành, thì ngược lại, các nhà sản xuất đổ tiền vào quảng cáo mà không phạm luật. Những quảng cáo tùy tiện từ việc thổi phồng một cách quá đáng về tác dụng của một số chất có trong sữa đến việc sử dụng bác sĩ và chuyên gia dinh dưỡng gây ngộ nhận hay đánh vào lòng trắc ẩn của người tiêu dùng. Đây là những hành vi đi ngược hoàn toàn với cạnh tranh hiệu quả theo quan điểm của Tổ chức Thương mại Thế giới.

Bà Bùi Thị Hương, Giám đốc Đối ngoại, Công ty Cổ phần sữa Việt Nam (Vinamilk) cho biết: “Các doanh nghiệp Việt Nam bị khống chế chi phí quảng cáo tiếp thị, nhưng các doanh nghiệp nước ngoài không bị khống chế các chi phí này. Trong khi các doanh nghiệp Việt Nam phải có trách nhiệm nộp ngân sách, doanh nghiệp nước ngoài không phải chịu trách nhiệm đó. Lợi nhuận của doanh nghiệp nước ngoài ở nước ta, sau khi trừ chi phí, chuyển hết ra nước ngoài, về chính quốc của họ. Đó là những khác biệt rất lớn giữa doanh nghiệp Việt Nam và nước ngoài trong một sân chơi cạnh tranh không bình đẳng”.

Trao đổi với phóng viên VOV, ông Vũ Công Chính, Phó Cục trưởng Cục quản lý giá, Bộ Tài chính- cơ quan quản lý mặt hàng này thừa nhận: Hiện nay sữa không thuộc diện mặt hàng Nhà nước quản lý giá, nên các doanh nghiệp có quyền quyết định giá. Chính vì thế, trong nhiều trường hợp, Cục quản lý giá gần như không thể làm được gì. Cục khuyến cáo người tiêu dùng nên có những hiểu biết nhất định và quyết định giá mua của mình.

Không thể thỏa đáng khi ông Phó Cục trưởng Cục quản lý giá đổ trách nhiệm quản lý cho người tiêu dùng. Và điều chúng tôi muốn nhấn mạnh là Cục quản lý giá “quên” rằng, các hãng sữa nước ngoài đồng loạt tăng giá có thể là dấu hiệu của hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường, để ấn định giá hoặc thỏa thuận ấn định giá. Còn Cục Quản lý Cạnh tranh, Bộ Công thương, cơ quan quản lý có trách nhiệm tiếp theo, thì vẫn đang trong giai đoạn xem xét, điều tra.

Ông Vũ Bá Phú, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Cạnh tranh, Bộ Công thương, thừa nhận: Cục đã có những điều tra, nghiên cứu và xem xét ban đầu về tình hình tăng giá sữa trên thị trường trong thời gian qua. Theo Cục Quản lý Cạnh tranh, cũng có thể có những hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh của một nhóm doanh nghiệp trên thị trường hoặc có sự thỏa thuận ấn định giá giữa các doanh nghiệp nhập khẩu sữa trên thị trường. Cục cần điều tra và có kết luận cuối cùng.

Buông lỏng trong quản lý hay không có lẽ đã rõ. Điều đáng buồn là trong khi chờ đợi cơ quan quản lý nhập cuộc điều tra có thể còn kéo dài, thì hàng ngày hàng triệu người tiêu dùng vẫn phải cắn răng mua sữa với giá “cắt cổ”. Và nhiều năm qua, hàng nghìn tỷ đồng của người tiêu dùng đã được chuyển cho các hãng sữa nước ngoài./.

Bài 4: Tìm mô hình quản lý kinh doanh sữa mới

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên