Tìm lời giải cho Tây Nguyên thêm xanh

Bài 4: Không thể thiếu sự chung tay của doanh nghiệp

Tạo nguồn thu từ diện tích sản xuất nhỏ để trồng diện tích rừng lớn, khai thác rừng hợp lý là thành công của những mô hình cá nhân, cộng đồng. Nhưng để phát triển lâm nghiệp theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đòi hỏi phải có vai trò của doanh nghiệp.

>> Bài 1: Đại ngàn nham nhở
>> Bài 2: Ban phát rừng và mất rừng hợp pháp
>> Bài 3: Giữ rừng và phát triển rừng- Dân là gốc

Lợi cho dân là lợi cho công ty

Tận dụng nguồn đất đỏ ba-zan màu mỡ, tôn trọng lợi ích của người dân địa phương, đã có những doanh nghiệp thành công trong việc phát triển rừng và đất lâm nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa.

1.200ha rừng phòng hộ phủ xanh mát đèo Mang Yang trên Quốc lộ 19 là thành quả lao động suốt những năm qua của 11 cán bộ công nhân Ban quản lý rừng phòng hộ Bắc An Khê, tỉnh Gia Lai.

Ông Nguyễn Công Định, Giám đốc Ban quản lý, cho biết, để có vốn trồng rừng, bên cạnh nguồn hỗ trợ của nhà nước, đơn vị đã tạo được nguồn thu từ rừng sản xuất bằng việc liên kết với nông dân trồng gần 2.000 ha rừng nguyên liệu cho Nhà máy MDF Gia Lai. Đến nay, sản lượng gỗ khai thác hàng năm được trên 4.000m3, trị giá hơn 2 tỷ đồng. Toàn bộ diện tích của đơn vị hầu như đã được phủ xanh.

Thành công đó là nhờ Ban quản lý đã huy động được sức dân, tạo việc làm và tạo nguồn thu cho họ canh tác nông nghiệp khi rừng chưa khép tán. Cả đời gắn bó với rừng, ông Định cho rằng, từ việc giữ rừng đến trồng rừng, đều phải tôn trọng lợi ích của dân thì mới thực hiện được.

Cũng là việc đặt lợi ích của người dân địa phương song hành cùng lợi ích của doanh nghiệp, Công ty Cao su Chư Pả, tỉnh Gia Lai đã thành công trong việc huy động sức dân để ngày càng lớn mạnh.

Với phương châm phát triển cao su đến đâu, tuyển dụng người dân tộc thiểu số ở đó vào làm công nhân, hiện nay, toàn công ty có hơn 3.000 lao động, thì tới 70% là người dân tộc tại chỗ. Năm 2009, mức lương bình quân mỗi người là 4 triệu đồng 1 tháng, cộng với tiền thưởng hơn 10 triệu đồng, đã góp phần ổn định đời sống cho các gia đình công nhân.

Anh Rơ Châm Mlý, ở làng Pok, xã Ia Khươl, huyện Chư Pả, cho biết: “Lúc đầu thì cũng khó khăn lắm, nhưng nhờ có công ty đào tạo nên anh em trong làng cố gắng đi làm. Khi cây cao su lớn, đi vào khai thác, lương tăng dần, đời sống dần dấn tiến lên, hàng năm lại được tiền thưởng, nói chung cuộc sống rất là được!”.

Để người lao động gắn bó yên tâm làm việc, Công ty Cao su Chư Pả đã xây dựng Quỹ phúc lợi, cho mỗi người vay không tính lãi từ 5 đến 10 triệu đồng phát triển chăn nuôi, cải tạo vườn tạp..., sau 10 năm mới phải trả tiền gốc.

Gần 3.000 ha tiêu, cà phê, cao su tiểu điền, hơn 10.000 con bò của công nhân có một phần thành quả đầu tư từ nguồn vốn của công ty và một phần vốn vay do công ty tín chấp. Bên cạnh đó, công ty cũng chú trọng xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn, ưu tiên giải quyết đất đai cho người dân tộc thiểu số.

Đáp lại sự quan tâm đó, cộng đồng địa phương luôn ủng hộ các dự án của công ty. Nơi đây không diễn ra tình trạng lấn chiếm đất đai, trộm cắp mủ cao su…, điều mà rất nhiều dự án ở Tây Nguyên đang vướng phải.

Ông Siu Hoa, Phó Giám đốc Công ty Cao su Chư Pả chia sẻ: “Phải xác định rõ là đồng bào sống gắn bó lâu dài với mảnh đất này nên phải tạo điều kiện cho họ mới phát triển được rừng, giúp họ vay vốn phát triển thêm kinh tế gia đình. Khi dân muốn phát triển cao su tiểu điền, công ty sẵn sàng đầu tư giúp đỡ về giống, kỹ thuật, đến các vật tư khai thác, sản phẩm của các hộ nhập về công ty cũng phải theo giá giá thị trường”.

Một mô hình hay

Tại tỉnh Lâm Đồng, một số buôn làng cũng đang vươn lên, nhờ sự chung tay của các doanh nghiệp theo mô hình thí điểm chi trả dịch vụ môi trường rừng.

Xe chúng tôi bon bon trên con đường nhựa phẳng lỳ dẫn vào thôn Đạ Cháy, xã Đa Nhim, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng. Hai bên đường là những cánh rừng thông xanh mướt. Đây là khu vực rừng phòng hộ đầu nguồn Nhà máy thủy điện Đa Nhim đã giao cho bà con Kờ Ho quản lý bảo vệ theo mô hình thí điểm chi trả dịch vụ môi trường rừng.

Anh Ha Minh, ở thôn Đạ Cháy kể, năm ngoái, gia đình anh nhận được gần 9 triệu đồng tiền công bảo vệ rừng. Số tiền này anh đầu tư chăm sóc 1 ha cà phê, ổn định cuộc sống.

Anh Ha Minh tâm sự: “Trước kia tiền hơi ít, nhưng bây giờ Đảng, Nhà nước đã tăng thêm về diện tích, rồi tăng tiền nữa nên cuộc sống đã ổn định rồi. Do đó, mình phải có trách nhiệm tích cực làm việc: mùa khô thì trực cháy rừng, mùa mưa trực kiểm tra không cho người ta chặt gỗ...”.

Nâng cao thu nhập cho người dân, tình trạng phá rừng ở Đa Nhim gần như không còn. Năm nay, tại đây chỉ xảy ra 3 vụ vi phạm Luật bảo vệ phát triển rừng, giảm 20 vụ so với năm 2009 và giảm đến 60 vụ so với năm 2008.

Theo ông Phạm Văn Án, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Lâm Đồng, qua 2 năm thực hiện thí điểm dịch vụ môi trường rừng theo Quyết định 380 ngày 10/4/2008 của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh đã thu được tổng cộng gần 80 tỷ đồng từ các Thủy điện Đa Nhim, Đại Ninh, các công ty cấp nước Sài Gòn, Đồng Nai và 9 doanh nghiệp kinh doanh du lịch tại địa phương. Nhờ nguồn phí này, rừng được bảo vệ, mà đời sống của người dân cũng được nâng lên đáng kể. Chưa đầy 2 năm qua, tỷ lệ hộ nghèo ở những vùng này đã giảm tới 10%.

Ông Phạm Văn Án cho rằng, nếu chỉ dựa vào ngân sách Nhà nước để bảo vệ rừng thì rất khó, trong khi rừng đem lại lợi ích cho toàn xã hội. Do đó, phải thông qua các hoạt động dịch vụ để những người hưởng lợi phải đóng góp vào. Trên cơ sở đó tổ chức chi trả cho các hộ đồng bào dân tộc, các đơn vị trực tiếp bảo vệ phát triển rừng. Hơn 8.000 hộ được hưởng lợi từ dịch vụ môi trường rừng, ý thức của người dân được nâng lên và số rừng được giao giữ tốt hơn.

Mô hình thí điểm dịch vụ môi trường rừng ở Lâm Đồng đã khẳng định được hiệu quả, và phù hợp với sự phát triển của xã hội. Thu phí từ những đơn vị được hưởng lợi từ rừng để trả công cho người giữ rừng, đó không chỉ đơn thuần là việc huy động các nguồn lực để bảo vệ rừng tốt hơn, mà còn góp phần tạo ra công bằng xã hội, giữa miền núi và đồng bằng, giữa người trực tiếp lao động với những người gián tiếp được hưởng lợi.

Thành công của những mô hình lâm nghiệp ở Tây Nguyên được bắt đầu từ việc gắn lợi ích của người dân địa phương với công tác bảo vệ rừng và khai thác đất. Đây không phải là bài học mới, nhưng rất cần tổng kết thực tiễn để có giải pháp tổ chức sản xuất lâm nghiệp, phát triển Tây Nguyên xanh bền vững./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên