Nghịch lý giá sữa bột nhập ngoại ở Việt Nam:

Bài 4: Tìm mô hình quản lý kinh doanh sữa mới

Tiếp theo loạt bài “Nghịch lý giá sữa ngoại ở Việt Nam”, chúng tôi cùng các nhà quản lý, các chuyên gia kinh tế và doanh nghiệp góp ý và đề xuất những ý tưởng nhằm tìm ra một “mô hình quản lý, kinh doanh sữa mới”

Bài 1: Giá sữa bột nhập ngoại tại Việt Nam đắt nhất thế giới?Bài 2: Bí mật siêu lợi nhuận của hãng sữa nước ngoàiBài 3: Người tiêu dùng bị móc túi hàng nghìn tỷ đồng

Nghe âm thanh tại đây

Việc đầu tiên là các cơ quan quản lý cần điều tra việc liên kết tăng giá sữa của các hãng sữa nước ngoài cùng các đại lý phân phối trong nước. Đã có nhiều dấu hiệu cho thấy các hãng sữa nước ngoài đã chủ động làm giá trước khi đưa sữa vào Việt Nam. Cụ thể là tiến hành điều tra, kiểm soát giá nhập khẩu, giá thành, giá bán và tỷ lệ chiết khấu cho các đại lý.

Theo bà Trịnh Thị Nga, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, phải kiểm tra vấn đề giá thành xuất nhập khẩu và giá bán ra, trên cơ sở đó có những quy định cụ thể, đảm bảo lợi ích cho người tiêu dùng. Kiểm tra quy định về niêm yết giá bán là vấn đề đặt ra đối với đối tượng hưởng thụ, đặc biệt trẻ em được hỗ trợ trực tiếp về giá tiêu dùng. Việc quảng cáo, hội thảo tính vào chi phí của giá thành sản phẩm. Nhưng không phải phần đó làm đội giá thành lên. Điều đó không không hợp lý.

Còn ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hội siêu thị TP. Hà Nội đề xuất, Bộ Công thương và Bộ Tài chính nên tổ chức lực lượng đi khảo sát thị trường sữa ở các nước. “Chúng ta nhập sữa về xem có rẻ hơn, giao cho các Tổng công ty Nhà nước làm, nếu các công ty này thiếu vốn thì hỗ trợ lãi suất 4%. Phải kéo giá dần dần xuống và cạnh tranh với dạng đưa hàng nhập khẩu vào giao cho một công ty độc quyền trong nước”- Ông Vũ Vinh Phú nói.

Thực tế là trong một thời gian dài vừa qua, chúng ta lại dành cho các nhà sản xuất nước ngoài tại Việt Nam nhiều ưu đãi. Sự ưu đãi đó thời gian đầu là cần thiết và hợp lý. Nhưng kéo dài quá mức, đã dẫn đến những khu vực giá mà người tiêu dùng bất khả xâm phạm. Nhà sản xuất nước ngoài tại Việt Nam lợi dụng sự ưu đãi để thu nhiều lợi nhuận. Theo nhiều chuyên gia kinh tế, chúng ta hoàn toàn có thể điều tiết giá sữa bằng chính sách thuế.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan đề xuất: “Theo tôi, giá cả từ thị trường bên ngoài, cung cấp giá nguyên liệu đầu vào như thế nào, qua khâu nhập khẩu, thuế Nhà nước đã ấn định, cộng thêm các chi phí tạo nên giá bán là bao nhiêu là hợp lý... Bộ Công thương phải quản lý được. Còn nếu như chứng minh được cộng lại tất cả, giá sữa vẫn cao do khâu thuế thì lúc bấy giờ có thể đề xuất Bộ Tài chính xem xét giảm thuế hơn nữa”.

Ông Vũ Văn Trường, Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài chính cũng thừa nhận chính sách thuế thời gian tới cần phải điều chỉnh cho phù hợp thực tế: “Công việc của Bộ Tài chính làm từ năm 2008 tiếp theo là 2009 là sắp xếp lại biểu thuế nhập khẩu để cho đơn giản và dễ thực hiện. Ví dụ: đối với nguyên liệu sữa đầu vào có tới 4-5 thuế suất khác nhau và dễ dẫn đến gian lận thương mại, dẫn đến nơi này áp mã này, nơi kia áp mã kia. Chính vì vậy, từ năm 2008 – 2009 sắp xếp lại biểu thuế cho minh bạch, Bộ đang gửi lấy ý kiến các ngành. Việc cân nhắc đưa giá sữa vào diện kiểm soát, Bộ Tài chính cũng có văn bản cân nhắc. Theo tôi, đây là mặt hàng thiết yếu, Chính phủ cần kiểm soát giá cả”.

Ở một góc độ khác, nhiều ý kiến cho rằng, sữa phải là mặt hàng thuộc diện quản lý giá của Nhà nước vì nhiều lý do. Ông Đỗ Hà Nam, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Dịch vụ Intimex: “Tất cả các chợ đều bán một giá. Các siêu thị là cầu nối giữa nhà sản xuất và người tiêu dùng, khi vào siêu thị có thể bị  tẩy chay. Siêu thị điều tiết giá khi Nhà nước cho phép mua cho lượng tồn trữ là bao nhiêu và không chịu lãi suất và chỉ đích danh mặt hàng sữa, thì lúc bấy giờ tăng giá là không được phép. Khi đó mới mặt hàng này mới không bị ép giá”.

Ông Nguyễn Tiến Thỏa, Cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính đã thừa nhận những bất cập hiện nay và khẳng định mô hình quản lý giá sữa cần phải có sự thay đổi. Ông Nguyễn Tiến Thỏa đề xuất: “Rõ nét nhất là các chi phí về bán hàng, quảng cáo, hoa hồng rất cao so với quy định. Ví dụ, có những loại chi phí, Nhà nước cho phép chỉ tính 10%, nhưng có các doanh nghiệp tính tới 40%. Nguyên tắc là kiểm tra các yếu tố hình thành giá thì có những yếu tố bất hợp lý, không đúng quy định đó thì ngành thuế phải làm nhiệm vụ thu về ngân sách để xử lý. Thứ  hai, phải  yêu cầu doanh nghiệp bán theo giá hợp lý, để giá trở về mặt bằng bình thường. Tới đây, mặt hàng sữa nhất định phải được các doanh nghiệp thực hiện đăng ký giá. Từ đó các cơ quan quản lý mới có xử lý kịp thời, tránh xảy ra những trường hợp vừa qua, trong 1 năm tăng giá sữa đến vài lần”.

Điều quan tâm nữa là các các cơ quan quản lý cần thử nghiệm xem các nhãn hiệu sữa quảng cáo có đúng với chất lượng sản phẩm hay không. Từ đó có biện pháp xử lý. Thực tế là các hãng sữa nước ngoài đã và đang dựa rất nhiều vào quảng cáo để liên tục đẩy giá sữa lên cao. Nếu siết chặt vấn đề này, sẽ góp phần bình ổn giá sữa. Trong khi đó, vai trò của các nhà phân phối trong nước và người tiêu dùng có ý nghĩa đặc biệt. Có thể xem hành động nói không với sản phẩm sữa tăng giá vô lý sẽ hỗ trợ cơ quan quản lý ngăn các hãng sữa liên tục tăng giá như trong thời gian qua.

Một cách khác mang tính chiến lược là chính các doanh nghiệp sữa trong nước phải đầu tư nhanh, mạnh hơn để có thể cạnh tranh và chi phối được thị trường sữa. Điều mà lâu nay các doanh nghiệp trong nước gần như chưa làm được. Điều cuối cùng chúng tôi muốn nói, đó là đến lúc liên Bộ Công Thương và Bộ Tài chính cần phải thay đổi cách quản lý, đặc biệt là phải phản ứng kịp thời với những diễn biến của thị trường, tránh tình trạng thụ động quá lâu trong thời gian vừa qua./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên