Tìm lời giải cho Tây Nguyên thêm xanh

Bài 5: Năm vấn đề cho một lời giải

Việc giữ rừng và phát triển rừng ở Tây nguyên đã có những mô hình thành công, nhưng còn rất hạn chế, nhỏ lẻ, bởi tổng thể vẫn còn nhiều trở lực.  

>> Bài 3: Giữ rừng và phát triển rừng- Dân là gốc
>> Bài 4: Không thể thiếu sự chung tay của doanh nghiệp

Gắn rừng với sinh kế của người dân

Điều đầu tiên là phải thực hiện triệt để việc đổi mới nền lâm nghiệp Nhà nước, giao đầy đủ quyền sử dụng rừng và đất lâm nghiệp cho các đơn vị thực hiện các phương án sản xuất kinh doanh. Đồng thời là việc rà soát lại quỹ đất cho phù hợp với năng lực của các công ty lâm nghiệp, cân đối với nhu cầu quản lý bảo vệ rừng của người dân địa phương.

Vấn đề thứ hai là phủ xanh đất trống đồi trọc, cần huy động tối đa nguồn lực từ nhân dân, bằng việc tháo gỡ hai vướng mắc cơ bản là đất và vốn đầu tư ban đầu. Giao đất trồng rừng cho các hộ gia đình phải với diện tích lớn, trong đó có một phần nhỏ dành cho canh tác nông nghiệp, làm nguồn sống của nông dân.

Đầu tư ban đầu theo cơ chế ưu đãi, cấp cây giống hoặc hỗ trợ vốn vay trong suốt chu kỳ trồng rừng. Bên cạnh đó là một định mức mới cho ngành lâm nghiệp, phù hợp với tình hình kinh tế liên tục biến động như hiện nay. Đồng thời, một chính sách trợ giá, hỗ trợ thiệt hại khi gặp thiên tai, hỏa hoạn… là cần thiết để giảm bớt rủi ro cho người trồng rừng.

Vấn đề thứ tiếp theo là quản lý rừng tự nhiên, do đòi hỏi các điều kiện khá phức tạp về kỹ thuật lâm sinh, nên không thể chia nhỏ để giao cho từng hộ gia đình, mà cần tổ chức thành nhóm hộ hoặc cộng đồng, giúp họ lập kế hoạch chung quản lý bảo vệ.

Điều cần thiết là có một cơ chế hưởng lợi thống nhất, làm cơ sở để hộ gia đình và cộng đồng được hưởng lợi từ rừng một cách sát thực, nhanh chóng. PGS.TS Bảo Huy, Trường Đại học Tây Nguyên nêu ý kiến: Để bền vững thì không phải là những cơ chế bao cấp, cung cấp tiền, cung cấp gạo…, mà là gắn rừng đó với sinh kế của người dân. Như vậy thì phải có cơ chế để họ hưởng lợi một cách rõ ràng, đơn giản và thuận tiện để cộng đồng có thể tiếp cận được, thông qua đó họ có được những sản phẩm từ rừng một cách lâu dài.

Theo GS.TS Bảo Huy, chúng ta hỗ trợ cho họ một số tiêu chí đơn giản để biết rằng phải giữ rừng ở mức này thì nó sẽ không mất và bền vững, phần tăng trưởng hoặc dư ra thì người ta có thể sử dụng hàng năm cho đời sống gia đình, cộng đồng, hoặc được quyền thương mại hóa.

Một hình thức khác để huy động sức dân bảo vệ rừng, là thực hiện chi trả dịch vụ môi trường rừng. Mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị định 99/2010, áp dụng chính sách chi trả này trên toàn quốc từ đầu năm 2011.

Thu phí từ những đơn vị được hưởng lợi từ rừng để trả công cho người giữ rừng, cũng là thực hiện sự công bằng xã hội, giữa miền núi và đồng bằng, giữa người trực tiếp lao động với những người gián tiếp hưởng lợi.

Đây cũng là lợi thế, kinh nghiệm để chúng ta thực hiện Chương trình "Giảm phát thải khí nhà kính thông qua các nỗ lực hạn chế mất rừng và suy thoái rừng ở các nước đang phát triển" của Liên Hợp Quốc. Chương trình này cũng không nằm ngoài mục tiêu hướng đến các cộng đồng và người nghèo trong việc bảo vệ rừng, với nguyên tắc: các nước phát thải nhiều khí CO2 phải đóng góp tài chính để các nước đang phát triển giữ rừng, hấp thụ CO2 từ rừng.

Vấn đề thứ tư là để phát triển một nền lâm nghiệp Tây Nguyên hiện đại phải có sự chung tay của các doanh nghiệp. Ông Cao Đức Phát, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn nhấn mạnh: Chúng ta đã và đang thực hiện nhiều biện pháp hỗ trợ trực tiếp cho đồng bào phát triển sản xuất nông nghiệp, rồi giải quyết đời sống, nhưng mặt khác chúng ta cũng cần phải có các doanh nghiệp để làm đầu tàu. Giao rừng cho các doanh nghiệp, không phải là tự doanh nghiệp làm mà doanh nghiệp đem vốn, kỹ thuật, thị trường đến, còn bà con các dân tộc ở khu vực đó trồng và có công ăn việc làm.

Mục tiêu của Chính phủ khuyến khích các doanh nghiệp vào địa bàn nông thôn là để tạo việc làm và thu nhập cho nông dân, nhưng đương nhiên họ phải có lợi ích nhất định thì họ mới có động cơ để làm.

Muốn huy động tối đa nguồn lực đầu tư vào lâm nghiệp, cùng với việc đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, là một cơ chế cụ thể, rõ ràng, công khai, minh bạch để doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận. Đồng thời, phải xác định rừng và đất rừng như một phần vốn của dự án và ràng buộc trách nhiệm của các doanh nghiệp được giao.

Ông Nguyễn Văn Thử, Phó Bí thư Tỉnh ủy Đắk Nông, cho rằng: “Có một chính sách về rừng tốt thì Đắk Nông chúng tôi bảo đảm là sẽ giàu. Vấn đề bây giờ tôi càng giữ rừng thì đồng bào tôi càng nghèo, cứ 1ha được hưởng 50.000-70.000 thì làm sao giữ được rừng?”

Theo ông Thử:  “Nghèo là bởi vì chính sách không rõ, tôi muốn chuyển đổi hoặc làm cho rừng giàu lên thì tôi không có quyền”. Cần cho phép định giá rừng, 1ha rừng loại gì đó, đất đó loại mấy, nhóm mấy quy ra tiền để các nhà đầu tư góp tiền liên doanh. Số diện tích còn lại mới quy hoạch thành các vùng chuyên canh, đồng thời đưa nhà máy chế biến vào gắn với vùng nguyên liệu, để sản phẩm đầu ra của lâm nghiệp lại trở thành sản phẩm công nghiệp thì mới tăng thu nhập của người dân và mới đảm bảo cho sản xuất lâm nghiệp bền vững.

Rừng và đất rừng được định giá, nhà đầu tư sẽ phải cân nhắc khi thực hiện các dự án sử dụng nhiều diện tích. Và điều này cũng sẽ hạn chế việc doanh nghiệp lập dự án vào Tây Nguyên chỉ để bao chiếm đất đai, chiếm dụng tài nguyên rừng.

Cần một quy hoạch chiến lược

Vấn đề thứ năm, cũng là nền tảng để Tây Nguyên phát triển lâm nghiệp bền vững, là một quy hoạch rõ ràng về lâm nghiệp trong quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội của toàn vùng.

Công tác quy hoạch chính là nội dung đầu tiên mà ông Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư nhấn mạnh khi vào Tây Nguyên dự Đại hội Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk hồi đầu tháng 10 này, phát biểu chỉ đạo.

Theo đó, cần hết sức quan tâm công tác quy hoạch, nâng cao chất lượng, cả quy hoạch chung về phát triển kinh tế xã hội, đến quy hoạch phát triển các ngành các vùng, sử dụng đất đai… Công tác quy hoạch của tỉnh phải gắn với quy hoạch của cả nước và của vùng Tây Nguyên, theo hướng mở rộng không gian kinh tế của tỉnh.

Ông Trương Tấn Sang nhấn mạnh, phải có quy hoạch, kế hoạch, biện pháp sử dụng thật hiệu quả quỹ đất nông nghiệp, lâm nghiệp, phát triển vùng chuyên canh các loại cây trồng có hiệu quả kinh tế cao, phát triển mạnh mẽ chăn nuôi đại gia súc, quan tâm phát triển vốn rừng, bảo vệ môi trường sinh thái. Đây là cơ sở để phát triển bền vững trong bối cảnh biến đổi khí hậu toàn cầu và hội nhập kinh tế quốc tế.

Mấy năm gần đây, lũ lụt và hạn hán nối tiếp nhau hoành hành tại Miền Trung - Tây Nguyên. Năm nay, Tây Nguyên chưa dứt mùa mưa mà hồ chứa các thủy điện đã cạn gần tới mực nước chết. Hậu quả của việc mất rừng đang hiện hữu.

Đáng mừng là mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý việc xây dựng chương trình Tây Nguyên III. Đây là chương trình “Nghiên cứu đánh giá tổng hợp tài nguyên- môi trường, kinh tế- xã hội và đề xuất luận cứ khoa học công nghệ phục vụ chiến lược phát triển bền vững Tây Nguyên giai đoạn 2011-2020 và tầm nhìn 2030”. 

Đánh giá đúng vị trí, vai trò của ngành lâm nghiệp là điều kiện để Tây Nguyên vươn lên, phát huy được tiềm năng lợi thế về đất và rừng để phát triển sản xuất hàng hóa, đem lại cuộc sống ấm no cho người dân địa phương.

Cho Tây Nguyên thêm xanh trong hành trình phát triển bền vững đang chờ một lời giải./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên