Bãi vàng lộn xộn

Vàng trên dòng sông Pô Kô đang vơi cạn thì lại một bãi quặng vàng mới nằm ở xã Đắk Kan, huyện Ngọc Hồi (Kon Tum) được phát hiện. Tình hình khai thác vàng nơi đây vẫn “nóng” lên từng ngày  

Chúng tôi theo chân một cán bộ Phòng Tài nguyên - Môi trường huyện Ngọc Hồi đi thị sát bãi vàng vừa mới được phát hiện. Vừa tới rẫy cà phê của ông Lý (thôn Tân Bình, xã Đắk Kan, Ngọc Hồi), đã thấy một chiếc xe tải mang biển số Lào đậu sẵn để vận chuyển đất đá từ bãi vàng đi. Bên dưới khe suối, máy phát điện đang chạy, tải điện vào trong các hầm vàng. Phát hiện có người lạ, ngay lập tức tiếng máy vụt tắt. Phía bên kia khe suối có khoảng hơn 10 người gác bên ngoài các hầm vàng.

Xuyên núi tìm vàng

Bãi vàng có khoảng 8 hầm vàng, đào sâu vào lòng đất hơn 30m, gần lô cao su 176 do Đội 6 Công ty 732 (Binh đoàn 15) quản lý. Phần lớn các hầm vàng ở đây không được chống sập. Đã có vài hầm vàng được san lấp, một số hầm khóa cửa ra vào, bên trên hầm có một lán trại nhỏ để canh giữ không cho người lạ đột nhập. 4 hầm vàng còn lại đang được khai thác với những dấu vết đất đá mới tinh, có đường dây điện dẫn vào bên trong. Mặc dù máy phát điện đã ngừng hoạt động, người đào vàng vẫn ở trong hầm, không ló mặt ra ngoài.

Trong một lán trại lớn cạnh khe suối có khoảng 15 nam giới. Sau khi hỏi chuyện được biết toàn bộ số người này từ Thái Nguyên vào đây đãi vàng. Họ được một công ty thuê với mức lương 1,6 triệu đồng/tháng. Công việc của họ là đào đất và đóng bao, vận chuyển đất đá lên xe tải, còn việc đãi vàng sẽ được thực hiện ở công ty. Hỏi tên công ty thì không một ai trong số họ hay biết. Đang trò chuyện thì một người đàn ông chừng 50 tuổi xuất hiện với vẻ mặt rất dữ tợn. Người này quát tháo: “Tôi là chủ đất ở đây. Muốn gặp ai thì phải có người giới thiệu. Nếu không quen ai thì mời ra ngoài...”! Ngay lập tức, một thanh niên cao to từ trong hầm chui ra dẫn chúng tôi ra khỏi rẫy cà phê.

Trong báo cáo kiểm tra của Công ty 732 ngày 28/4/2010, ghi rõ: Tại khu vực đỉnh đồi lô cao su 176, một số đối tượng đã loan tin là có vàng nên đã tổ chức đào trộm cả ngày lẫn đêm. Sau khi biết tin, công ty và chính quyền địa phương cùng với Đội 6 đã tổ chức tuần tra liên tục và đã dẹp yên được một thời gian. Hiện nay, các đối tượng đào vàng lại tiếp tục mua đất của ông Lý và ông Nên (cạnh lô cao su của Công ty 732) để đào 3 hầm do 3 ông chủ ở huyện Ngọc Hồi và Gia Lai quản lý, với khoảng 50 người đào vàng. Số hầm vàng này được đào xuyên lên đỉnh đồi làm ảnh hưởng đến vườn cây cao su của công ty và có thể gây lún sập đất.

Ngày 19/5/2010, Đoàn kiểm tra liên ngành của huyện Ngọc Hồi đã tiến hành kiểm tra khu vực khai thác vàng nói trên. Qua kiểm tra, Đoàn đã phát hiện có dấu hiệu của việc khai thác vàng sa khoáng. Khi Đoàn kiểm tra đến, đơn vị khai thác đã di chuyển người và các thiết bị máy móc ra ngoài phạm vi đào vàng. Ông Võ Thống, Trưởng phòng TN-MT huyện Ngọc Hồi thừa nhận: Việc khai thác vàng tại rẫy cà phê của ông Lý là có thật. Tuy nhiên, chuyện có vàng hay không thì vẫn chưa thể xác định.

Trao đổi qua điện thoại với chúng tôi, ông Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch UBND huyện Ngọc Hồi, cho biết: “Lực lượng công an huyện đã phối hợp cùng các cơ quan chuyên trách tổ chức nhiều đợt truy quét và đã bắt 4 đối tượng, nhưng không có lý do để xử lý. Theo thông tin điều tra ban đầu, việc khai thác vàng hiện nay là do một công ty có địa chỉ tại tỉnh Gia Lai thực hiện”.

Người dân xung quanh khu vực này phản ánh máy phát điện đã hoạt động liên tục cả ngày lẫn đêm hơn một tháng qua; máy hút nước, đầu bơm, ống dẫn nước... đã sẵn sàng chuẩn bị cho mùa mưa sắp tới. Hàng chục người đang thay nhau làm việc cả ngày lẫn đêm với gần 10 hầm vàng đã được đào sâu vào trong lòng đất. Hàng trăm khối đất đá đã được vận chuyển ra bên ngoài để đãi vàng... Tình trạng đào đãi vàng bừa bãi, lộn xộn như vậy đang gây mất trật tự an ninh trên địa bàn và ảnh hưởng đến môi trường./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên