"Bản đẻ"

Ông Đào Văn Tư, Phó bản Mỏ Ba, (xã Tân Long, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên) cho biết: “24 năm mà đẻ có 13 đứa, vợ chồng tôi vẫn thuộc diện đẻ thưa của bản (!?)”

Nhiều người gọi bản Mỏ Ba (xã Tân Long, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên) là “bản đẻ” bởi bình quân mỗi gia đình ở nơi đây có tới… 8 người con.

Những “kỷ lục”... đẻ

Ông trưởng bản Mỏ Ba Phạm Tuấn Tú tiếp chúng tôi trong căn nhà tranh vách đất, trống trước hụt sau, không có vật dụng gì đáng giá. Quơ vội đám quần áo vương vãi dưới đất, vắt chồng chéo lên chiếc dây phơi căng ngang nhà, nhặt mấy chiếc xoong méo mó mang ra ngoài cây nước..., ông Tú xoa xoa hai bàn tay xù xì vào nhau, ngượng ngùng nói như phân trần: “Chúng nó mải đi nương nên vứt bừa ra đấy, ngày nào cũng thu nhưng không xuể!”.

Rồi ông đi tìm chén rót nước mời khách. Những chiếc chén sứt mẻ, cáu bẩn, mỗi chiếc mỗi loại khác nhau. Tuy là trưởng bản nhưng vợ chồng ông Tú cũng “kịp” đẻ tới sáu đứa con. Nói về sự đông con của mình, ông Tú nửa như phân trần, nửa như chống chế: “Mình già rồi, ngày xưa ít học nên mới đẻ nhiều như vậy! Nhưng ở cái bản Mỏ Ba này nhà nào cũng đông con cả, không cứ ngày xưa hay bây giờ...”.

Hồng Thị Xía-con gái đầu của vợ chồng anh Hồng Văn Dinh (37 tuổi, 10 con) năm nay 20 tuổi cũng đã có con gần 3 tuổi

Trưởng bản đã thế, ông phó bản Mỏ Ba Đào Văn Tư còn đẻ nhiều hơn, lớn bé, trai gái cả thảy tới 13 đứa con. “Triết lý” của ông Tư đơn giản nhưng cũng hồn nhiên đến mức khó tin: “Đẻ nhiều, đông con nhà mới có người làm người ăn!”. Nhưng xem ra, người ăn thì có, người làm cũng có nhưng gia đình ông phó bản cũng chỉ tạm gọi là kiếm đủ cái ăn vì ruộng nương đâu có đẻ ra được!? Ông Tư còn cho biết: “24 năm mà đẻ có 13 đứa, vợ chồng tôi vẫn thuộc diện đẻ thưa của bản (!?). Có những đứa thanh niên, năm ngoái mới đi uống rượu mừng đám cưới chúng nó xong, nhoằng một cái năm nay đã có con bồng con bế...”.

Về cái sự đẻ nhiều, đẻ vô tội vạ ở Mỏ Ba phải nhắc đến... “kỷ lục” của bản là ông Ngô Văn Sùng. Năm nay 53 tuổi, ông Sùng có tới... 19 đứa con. Khi chúng tôi đến, vợ ông và những đứa con lớn đã đi làm nương. Mình ông ở nhà trông lũ con cháu lít nhít gần chục đứa, người nhem nhuốc bò ngang dọc quanh nhà. Tìm mãi mới thấy hai cái chén để rót nước mời chúng tôi, ông Sùng thật thà: “Trẻ con nó đập vỡ hết!”. Vậy nhưng khi được hỏi về việc đẻ vô tội vạ của mình, ông cố phân bua: “Tôi có hai bà vợ, bà cả sinh mười đứa, bà hai được chín đứa. Nếu tính con của tôi với từng bà thì tôi chưa phải là đẻ nhiều con nhất trong bản...”.

Qua câu chuyện, chúng tôi được biết, năm 16 tuổi, ông Sùng đã theo đám trai bản đi bắt vợ. Vợ ông, bà Lý Thị Chi năm ấy kém ông ba tuổi. Lấy nhau về, bà Chi đẻ cho ông sòn sòn mỗi năm một đứa cho đến đứa con thứ tám. Rồi ông “phải lòng” bà Vương Thị Nhung, sinh năm 1959. Khi về ở với ông, bà Nhung đã có hai đứa con riêng với người chồng trước đã chết vì bệnh hiểm nghèo, và bà đẻ luôn một lèo chín đứa. Không chịu “thua chị kém em”, bà Chi sinh thêm hai đứa nữa là chẵn một chục rồi mới... nghỉ.

Ông phó bản Mỏ Ba Đào Văn Tư còn đẻ lớn bé, trai gái cả thảy tới 13 đứa con.  “Triết lý” của ông Tư đơn giản nhưng cũng hồn nhiên đến mức khó tin: “Đẻ nhiều, đông con nhà mới có người làm người ăn!”. Nhưng xem ra, người ăn thì có, người làm cũng có nhưng ruộng nương đâu có đẻ ra được!?

Đông con, nhiều cháu vậy nên khi chúng tôi chỉ vào những đứa trẻ đang chơi dưới nền nhà hỏi tên, ông Sùng đều lắc đầu: “Chịu, không nhớ nổi!”. Rồi ông chống chế: “Tên con mình đặt thì mình phải nhớ chứ, nhưng đông quá mình chỉ nhớ tên chứ tên ấy của đứa nào thì mình không biết đâu...”.

Rời nhà ông Sùng, trưởng bản Phạm Tuấn Tú dẫn chúng tôi đến thăm nhà anh Hồng Văn Dinh ở cuối bản. 37 tuổi, anh Dinh có 10 đứa con. Chúng tôi hỏi sao còn trẻ mà lại đẻ nhiều như vậy, anh Dinh cười: “Tại vì mình lấy vợ sớm, nó có bầu là đẻ thôi...”. “Sớm là bao nhiêu?”. “Mười bốn...”. Mười bốn tuổi anh Dinh đã đi ở rể và vợ anh - chị De - hơn anh một tuổi, cũng đẻ luôn một lèo 10 đứa. Con lớn của anh, Hồng Thị Xía năm nay hai mươi tuổi cũng đã bắt chồng và... kịp sinh con. Đẻ nhiều, đói ăn, con cái nheo nhóc nhưng khi chúng tôi hỏi: “Có còn đẻ tiếp không?” thì anh Dinh thản nhiên trả lời: “Do vợ thôi! Nếu nó có bầu thì vẫn cứ đẻ...”.

Ở bản Mỏ Ba, còn nhiều gia đình đông con như thế, như hai vợ  chồng anh Hồng Văn Nó và Vương Thị Dàn (30 tuổi), có 9 đứa con; vợ chồng anh Vương Văn Khìn và chị Trương Thị Lý (32 tuổi) cũng có 9 đứa con và hiện chị Lý đang mang thai đứa con thứ 10...

 … và giấc mơ đến trường

Ở bản Mỏ Ba, việc mỗi gia đình sinh đến chín, mười đứa con là “chuyện thường ngày ở... bản”. Chẳng thế mà khi ông Chủ tịch xã Tân Long Lăng Viết Thắng đưa ra một con số cụ thể: Bản có 123 hộ gia đình nhưng có tới gần 800 nhân khẩu, chúng tôi không khỏi giật mình. Chính ông Thắng phải thừa nhận với phóng viên: “Tình trạng gia tăng dân số ở bản Mỏ Ba đang là vấn đề nổi cộm của xã. Đảng ủy, chính quyền xã cùng các tổ chức đoàn thể đã tốn nhiều cuộc họp bàn tìm giải pháp kế hoạch hóa gia đình cho Mỏ Ba, song không hiểu sao đồng bào vẫn cứ tiếp tục đẻ nhiều như thế?”.

Cũng vì sinh đẻ “vô tổ chức” như vậy nên 58/63 hộ người Mông ở Mỏ Ba thuộc diện đói nghèo, thường xuyên đứt bữa, trẻ con nheo nhóc, thay vì được cắp sách đến trường thì hằng ngày chúng phải đi đào củ mài, kiếm rau rừng... về ăn trừ bữa. Khi chúng tôi hỏi, các em đều hồn nhiên trả lời: Ước mơ lớn nhất của các em là được ăn no, mặc ấm và được đi học. Nhưng dường như những ước mơ ấy đối với các em lại quá xa vời!

Theo tìm hiểu của chúng tôi, các hộ gia đình ở Mỏ Ba đa số là đồng bào dân tộc Mông và một số dân tộc khác như Dao, Tày, Sán Dìu... trong đó chủ yếu là đồng bào dân tộc Mông  (63 hộ với khoảng 500 nhân khẩu, chiếm gần 60% dân số của cả bản). Như vậy, tính bình quân mỗi hộ gia đình người Mông này trung bình có... 8 đứa con. Cũng vì sinh đẻ “vô tổ chức” như vậy nên 58/63 hộ người Mông thuộc diện đói nghèo, thường xuyên đứt bữa, trẻ con nheo nhóc, thay vì được cắp sách đến trường thì hằng ngày chúng phải đi đào củ mài, kiếm rau rừng... về ăn trừ bữa. Khi chúng tôi hỏi, các em đều hồn nhiên trả lời: Ước mơ lớn nhất của các em là được ăn no, mặc ấm và được đi học. Nhưng dường như những ước mơ ấy đối với các em lại quá xa vời!

Nói về tình trạng thất học của trẻ em ở đây, Hiệu trưởng Trường tiểu học Tân Long Nguyễn Thị Hảo cho biết, ở điểm trường Mỏ Ba có 3 lớp, trên 100 học sinh với đủ mọi trình độ. “Để đạt được con số dù còn ít ỏi đó đã là sự cố gắng tột bậc của chính quyền và các thầy, cô giáo ở Mỏ Ba. Việc tiếp xúc và truyền đạt kiến thức cho các em gặp vô vàn khó khăn. Các thầy cô giáo phải bám dân, bám bản động viên các gia đình cho con em đi học, nhiều khi còn phải chia sẻ với các em từng bát cơm cho đỡ đói lòng...”./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên