Báo động tình trạng phụ nữ mất tích

Từ đầu năm đến nay, xã Tả Lèng, huyện Tam Đường (Lai Châu) có tới 8 phụ nữ mất tích. Đó chỉ là con số ở một xã vùng cao. Liệu còn biết bao thân phận phụ nữ ở những vùng quê hẻo lánh khác lâm vào cảnh bi thương này?

Nhức nhối Tả Lèng

Quẹt ống tay áo lau dòng nước mắt chảy dài trên má, Thào A Phử ở bản Lùng Chù - Hồ Pin, Tả Lèng kể lại câu chuyện mất tích của vợ mình (Giàng Thị Chư sinh năm 1984) bằng giọng thì thào như người già đang kể chuyện cổ tích: “Ngày 24/6/2010, mình đi làm nương về không thấy vợ đâu. Thường ngày cô ấy đi đâu vẫn nói cho mình biết, mà có đi xa bao giờ đâu nên mình cứ tưởng vợ về nhà ông bà ngoại (ở xã Giang Ma, huyện Tam Đường) chơi. Nghĩ vậy, lại đang vào mùa làm nương nên mình không đi tìm. Nhưng đến hôm sau cũng không thấy vợ về thì cái bụng mình đã nóng như có lửa đốt, các con cũng mong ngóng mẹ nó như con hoẵng, con nai khát sữa, thèm hơi. Mình gửi con cho hàng xóm, sang nhà ông bà ngoại hỏi cũng chẳng thấy vợ đâu. Mình đành ra UBND xã nhờ các anh công an tìm giúp”.

Lấy nhau mới được dăm năm, cặp vợ chồng Chư - Phử có tiếng là đẹp đôi, hạnh phúc trong bản. Tuy cuộc sống chưa lấy gì khá giả nhưng gian nhà nhỏ của họ luôn ấm áp tiếng cười, ánh mắt yêu thương. Chư đã sinh cho Phử 2 con, đứa lớn 4 tuổi, còn đứa bé mới tròn một tuổi, chưa thôi sữa mẹ. Những ngày Phử đi nương, Chư ở nhà trông con, cơm nước. “Làm nương vất vả nhưng về đến nhà, thấy vợ con vui là mình lại khoẻ ngay. Thỉnh thoảng mình cũng cho vợ, con đi nương cùng để vừa giúp nhau, vừa đỡ nhớ. Thế mà...”. Nhìn Phử đang ôm đứa con nhỏ trong lòng, chúng tôi cùng không kìm được nước mắt. Đã gần tháng qua, cảnh “gà trống nuôi con” và nỗi đau mất vợ làm Phử xơ xác như cái lá cây đầu rừng trong mùa mưa gió. Chỉ người phụ nữ thẫn thờ đứng đầu con ngõ nhỏ bên bản Tà Lèng, anh Hảng A Tủa - Trưởng công an xã Tả Lèng bảo: “Bà ấy là Thào Thị Can, có con gái là Sú, sinh năm 1994, vừa bỏ nhà đi ít ngày. Từ khi mất con, bà như người mất hồn, suốt ngày ngẩn ngơ đứng ngóng ra con đường bản”. Sú đang học phổ cập lớp 9, tính nết ngoan hiền lại chịu thương, chịu khó đi nương, trông nom, giúp đỡ việc trong nhà nên được mọi người yêu quý. Có không ít trai bản muốn có được người con gái như Sú làm vợ nhưng gia đình Sú không muốn con mình lấy chồng sớm, vừa vất vả lại thêm đói chữ. Vì thế, bố mẹ Sú quyết tâm nuôi Sú học hết lớp 12 để “còn mở đường cho các em nó sau này đi làm cán bộ”.

Ông Giàng A Chu, bố của Sú cho biết: “Ngày 20/6/2010, Sú đi cả ngày không thấy về, gia đình đã đến nhà một số bạn của nó để hỏi nhưng không thấy. Nó là đứa con ngoan, hằng ngày, ngoài lên lớp học là nó thường giúp bố mẹ làm nương, nấu cơm và chăm sóc các em. Sau 2 ngày bỏ nhà ra đi, nó có gọi điện về nhà báo đã sang Trung Quốc cùng bạn là Chư và Páo Ly. Nó chỉ nói đến thế rồi cụp máy, tôi không hỏi được gì nữa”.

Bặt vô âm tín

Làm việc với công an xã Tả Lèng, chúng tôi được biết, cuối năm 2009, trong xã có 2 phụ nữ mất tích và 6 tháng đầu năm nay lại có thêm 8 trường hợp phụ nữ mất tích. Anh Hảng A Tủa, Trưởng công an xã Tả Lèng phân bua: “Rằng đã trăn trở nhiều với những trường hợp này rồi, tất cả đã hoàn tất hồ sơ gửi lên Công an huyện để tìm kiếm, đưa dân bản trở lại với gia đình. Ngoài thường xuyên tuần tra kiểm soát địa bàn, lực lượng công an xã phối hợp với dân quân tự vệ, các tổ chức đoàn thể xã tổ chức đến các điểm bản tuyên truyền về những mối nguy hiểm khi phụ nữ bỏ nhà ra đi; bà con cần nâng cao cảnh giác trước những lời dụ dỗ ngon ngọt của bọn buôn người; trong xã nếu có người lạ phải báo ngay về công an, UBND xã…”. Nhưng các anh thấy đấy, họ vẫn cứ “ra đi” dù đã có chồng, con hoặc đang tuổi xuân đầy hứa hẹn. Chẳng biết họ tìm kiếm được cái gì ở nơi họ đến nhưng hầu hết chẳng ai cố gắng liên lạc lại với gia đình hoặc trốn về cả. Chỉ có những người thân ở lại là cứ tất bật tìm kiếm thông tin, rồi lại căng người lên gánh nỗi đau và gánh nặng gia đình.

Người thân nạn nhân mất tích đang xem lại bức ảnh nạn nhân

Ông Hảng A Chinh, Chủ tịch UBND xã Tả Lèng thừa nhận: “Việc chị em trong xã bỏ nhà ra đi đã ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý của người dân trong xã, bà con hoang mang lo lắng, không biết người thân của họ giờ ở đâu, sống ra sao… Điều chúng tôi lo nhất là nhận thức của bà con trong xã còn thấp, nên nhiều khi chỉ cần nghe người lạ rủ rê theo họ sang Trung Quốc lấy chồng để hưởng cuộc sống sung sướng là chị em đi ngay. Nhưng bà con không biết, bất đồng ngôn ngữ, nhất là bất đồng về văn hóa thì cuộc sống sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Chúng tôi đã lấy dẫn chứng rất nhiều từ sách, báo về trường hợp phụ nữ sang Trung Quốc lấy chồng phải làm vợ cho cả gia đình nhà chồng (vì Trung Quốc đang mất cân đối giới, nam nhiều hơn nữ) hoặc lao động khổ cực để nuôi sống bản thân và gia đình nhà chồng... Nhưng hiệu quả tuyên truyền vẫn còn thấp. Rất mong cơ quan chức năng sớm vào cuộc, giúp chúng tôi ngăn chặn tình trạng trên, để không còn cảnh chồng mất vợ, cha mẹ mất con…”.

Gian nan giải cứu

Theo ông Hoàng Thọ Trung, Trưởng Công an huyện Tam Đường (Lai Châu), trường hợp phụ nữ bỏ nhà đi thời gian gần đây không chỉ xuất hiện ở xã Tả Lèng mà còn ở xuất hiện ở hầu hết các xã lân cận thị xã Lai Châu. Việc truy tìm thủ phạm đang gặp nhiều khó khăn do nạn nhân “tự nguyện” bỏ nhà đi nên khó tìm manh mối thủ phạm. “Trước những tính chất phức tạp và nguy hại của sự việc, chúng tôi đã xác lập chuyên án đấu tranh và mới bắt được một đối tượng liên quan đến đường dây buôn bán phụ nữ và trẻ em tại xã Giang Ma, huyện Tam Đường. Hiện chúng tôi đang phối hợp với Phòng Cảnh sát hình sự (Công an tỉnh Lai Châu) tiếp tục điều tra làm rõ. Hy vọng sẽ sớm đưa các nạn nhân trở về với gia đình” - ông Hoàng Thọ Trung nói.

Nhưng quả thật, việc tìm kiếm và giải cứu các nạn nhân không đơn giản chút nào bởi hầu hết các nạn nhân “mất tích” này đều ra đi im lặng theo kiểu trốn chạy hoặc giả đò xin gia đình cho đi làm ăn xa. Thêm vào đó, bà con vùng biên giới rất thông thạo địa hình, có nhiều mối quan hệ với người nước ngoài và hầu hết những vụ mất tích này đều do những nữ quái đã từng sang Trung Quốc làm ăn, lấy chồng hoặc đang lẩn trốn sự truy đuổi của pháp luật, tổ chức thực hiện, dẫn đường, bắt mối... Bởi vậy, việc tìm kiếm nạn nhân, thủ phạm lừa đảo - dẫn mối, tìm tung tích và giải cứu phải có sự vào cuộc của nhiều ngành, nhiều lực lượng và phải có sự cộng tác chặt chẽ từ người dân và phía công an Trung Quốc. Đặc biệt, đôi khi chỉ cần một câu nói của nạn nhân mất tích với những người thân của mình là có thể dự đoán được chính xác hướng đi, điểm đến khi họ bị lừa./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên