Bi kịch ở Buôn Ja Wầm

Chỉ cái tên đã nói được số phận bi đát của vùng rừng ấy. Nó đang bị băm vằm - cấu xé đến thảm thương, và bi kịch này chưa biết bao giờ sẽ dừng lại.

Ở Đắk Lắk, có một vùng rừng chưa bao giờ im tiếng cưa, tiếng búa của lâm tặc. Trên văn bản hành chính, tên của vùng rừng ấy là Buôn Ja Wầm. Nhưng tên mọi người vẫn nói cho nhau nghe về nó là Buôn-Da-Vầm, hay Buôn-Da-Vằm, thuộc quyền quản lý của Lâm trường Buôn Ja Wầm, trên địa phận huyện Chư M’gar.

Rừng già tàn lụi, rừng non chết mòn

Giữa mùa mưa, tiểu khu 544, lâm phần Lâm trường Buôn Ja Wầm quản lý xanh mát mắt. Nhưng đó là màu xanh của ngô và đậu. Rừng ở khu vực này chỉ còn dấu tích là những gốc cây cháy đen và lưa thưa vài cây cổ thụ đang chờ ngày sinh mệnh của nó bị búa, cưa của lâm tặc gọi tên. 544 là một trong ba tiểu khu “nóng” ở Lâm Trường Buôn Ja Wầm, thuộc địa phận hành chính của xã Ea Kiết, huyện Chư M’gar.

Rừng Buôn Ja Wầm bị băm vằm

Hôm nay khu vực này không thấy bóng lâm tặc, nhưng ông Lê Văn Chiên, Đội phó Đội Quản lý bảo vệ rừng của lâm trường vẫn buồn rười rượi: “Diện tích này chúng tôi mới đòi lại được từ lâm tặc, đã trồng keo xuống rồi, nhưng để tận dụng đất nên để cho bà con Ê-đê ở Buôn Ja Wầm 2 trồng tỉa hai năm đầu”. Vừa nói ông vừa lội vào rẫy ngô. Chỉ trong vài chục bước chân, ông nhặt lên cả mớ những cây keo non đã chết co quắp vì bị nhổ bật gốc. Giọng ông đều đều: “Trước đây lâm tặc chỉ phá rừng tự nhiên và phá từ ngoài vào. Còn bây giờ chúng đã thay đổi chiến thuật. Anh em tôi trồng, chúng nhổ. Còn rừng tự nhiên sâu phía trong kia, chúng phá từ trong phá ra. Phá dần, phá mòn từng cây, từng đám nhỏ, sau vài ba mùa mới phóng lửa đốt. Đến lúc ấy mới lộ rõ là rừng bị thiệt hại lớn. Chúng làm như vậy, anh em chúng tôi có bắt được, giao cho chính quyền thì cũng chỉ đủ căn cứ để xử phạt hành chính, rồi lại thả. Thế nên bảo vệ rừng bây giờ rất khó”.

Nóng bỏng chống người thi hành công vụ

Vùng rừng Buôn Ja Wầm kéo dài từ huyện Chư M’Gar sang huyện Ea Súp hẳn là vùng rừng “nóng” nhất Đắk Lắk. Sức nóng tỏa ra từ những chuyến xe chở gỗ lậu bất tận từ ngày này qua tháng khác. “Nóng” nhất là các vụ chống, thậm chí giết cán bộ nhân viên của lực lượng quản lý - bảo vệ rừng.

Nhìn những bước đi của ông Lê Văn Chiên, Đội phó Đội Quản lý bảo vệ rừng Lâm trường Buôn Ja Wầm, nghe giọng đều đều vô lực của ông, chúng tôi nghĩ rằng ông vẫn chưa hết ám ảnh bởi đợt tấn công của hơn 100 đối tượng tại tiểu khu 547A hồi tháng 4 vừa rồi.

Ông nhớ lại: “Chúng tôi chỉ ngăn chặn phá rừng, tạm giữ 2 cây cuốc của họ, nhưng rồi hơn 40 đối tượng kéo đến trạm đập phá đồ đạc và dùng hung khí đuổi đánh. Công ty đã cử người đến tiếp ứng nhưng bọn họ đã kéo tới hơn trăm người”…

Lần ấy ông Chiên may mắn chạy thoát, nhưng 5 người còn lại bị hành hung đến bầm dập. Riêng anh Trần Đình Thân bị đánh gục tại chỗ nhưng chúng vẫn bắt giữ mà không cho đưa đi cấp cứu. Cả lâm trường, cả Công ty Buôn Ja Wầm, Công an xã Ea Kiết đều bó tay trước sự hung hãn của các đối tượng này. Chỉ khi lực lượng Công an huyện Ea Súp vào giải quyết, sự việc mới lắng xuống.

Ở Đội Quản lý bảo vệ rừng, Lâm trường Buôn Ja Wầm, có lẽ ai cũng đã đổ máu trong các cuộc chiến giữ rừng, thậm chí có người còn mất đi tính mạng. Không ai ở đây có thể quên mốc thời gian năm 2007, khi Giám đốc lâm trường, ông Nguyễn Minh Huệ, đã tử nạn trong cuộc chiến này, tại tiểu khu 514. Rồi năm 2009 và 2010, một loạt cuộc đụng độ khác xảy ra, hậu quả mà lực lượng quản lý, bảo vệ rừng phải gánh chịu vẫn còn nhức nhối đến tận bây giờ: Anh Phan Quốc Tán hy sinh; anh Lê Xuân Nguyên vỡ đùi, khâu 40 mũi; anh Nguyễn Dương Lệ dập phổi; anh Đặng Văn Mưu bị lâm tặc bắn, đến nay viên đạn vẫn còn nằm trong người. Các thành viên khác, như Nguyễn Kim Nhật, Lê Văn Hường, Lê Văn Chiên… cũng đều bị vài vết đâm, nhát chém.

Lâm tặc trước vành móng ngựa

Tương lai u ám của rừng

Dọc con đường liên huyện Cư M’gar - Ea Súp đâu đâu cũng nhìn thấy cảnh rừng bị đốt cháy nham nhở. Theo một thống kê chưa đầy đủ, chỉ trong hơn 3 năm qua, 250 ha rừng đã bị phá trắng. Có thời điểm, mỗi ngày rừng ở đây “chảy máu” hàng trăm khối gỗ, lâm tặc đông như họp chợ, lửa đốt rừng cháy rực trời đêm.

Bây giờ đã có hẳn một công nghệ và dây chuyền phá rừng - chiếm đất - sang nhượng trái phép diễn ra tại vùng rừng này. Cơ quan chức năng đã phát hiện các đối tượng: Triệu Tài Hương, Triệu Tài Tuấn, Lý Văn Tằng ở thôn 13, Ea M’ró, làm giả nhiều văn bản của HĐND tỉnh Đắk Lắc về việc cấp đất rừng cho người dân sản xuất. Thủ đoạn rất đơn giản và rất liều, đó là Hương - Tuấn - Tằng cắt phần chữ ký và con dấu của Hội đồng Nhân dân tỉnh, rồi dán lên văn bản tự soạn, đem photocopy. Sự giả mạo rất dễ nhận thấy qua một lằn mực đậm nét ngăn cách giữa 2 phần cắt dán, nhưng lạ thay, nó vẫn cứ hữu hiệu trong các phi vụ sang nhượng đất, kích động người dân chống phá việc bảo vệ quản lý rừng của Lâm trường Buôn Ja Wầm.

Rừng Buôn Ja Wầm đang đứng trước tương lai u ám, vì lực lượng bảo vệ rừng là “đối thủ quá dễ xơi” của lâm tặc. Đội bảo vệ chỉ có 12 người, công cụ hỗ trợ đáng kể nhất là một bình xịt hơi cay. Phía bên kia, kẻ phá rừng đông tới hàng trăm, có dao, súng, cuốc, gậy… Cho dù có huy động thêm công an xã, các bộ phận khác trong toàn lâm trường, cũng không thay đổi được tình hình.

Theo ông Phạm Đình Tường, Phó Giám đốc Công ty Lâm nghiệp Buôn Ja Wầm, Giám đốc Lâm trường, chỉ có sự nghiêm minh của pháp luật, sự đồng bộ và mạnh tay của các lực lượng chức năng của huyện, của tỉnh mới có thể làm lâm tặc chùn tay.

Đầu năm nay, nhiều lâm tặc đã bị khởi tố. Trước đó, 1 vụ giết người đã được xét xử. Trần Văn Duy, kẻ đánh trọng thương anh Phan Quốc Tán, khiến anh tử vong, đã bị xử tới 28 năm tù giam. Các đối tượng liên quan như Trần Xuân Minh, Phạm Đức Dũng, Nguyễn Hoàng đều lĩnh mức án từ 2 đến 4 năm tù giam… Thế nhưng, chỉ trong vài tháng vừa qua, rừng Buôn Ja Wầm vẫn bị phá thêm 16 ha nữa. Điều này có nghĩa là, sự nghiêm minh và mạnh tay cần phải được duy trì trong thời gian dài, chứ nếu chỉ làm theo đợt, theo cao điểm, rừng Buôn Ja Wầm sẽ tiếp tục bị băm vằm, cấu xé./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên