Bí mật về đường hầm xuyên núi Bà Chúa Kho

Ít ai biết được rằng ngay sau quần thể di tích đền Bà Chúa Kho, tại đồi Cổ Mễ, TP. Bắc Ninh lại tồn tại một đường hầm dài hơn 1km ăn sâu hun hút vào lòng đất được xây dựng theo lối kiến trúc "uốn vòm" bằng  gạch vữa vôi khá kiên cố...

Nửa thế kỷ chìm trong lòng đất...
Chiều ngày 9/2,  PV VOVNews  đã có mặt tại khu I, đồi Cổ Mễ, phường Vũ Ninh  (phía sau đền thờ Bà Chúa Kho), TP. Bắc Ninh. Phần lối vào cửa hầm đã bị vỡ ra một lỗ đủ cho người chui vào trong, bên trong gạch vỡ vứt ngổn ngang. Theo anh Nguyễn Văn Vượng, một người dân địa phương, muốn chui vào đường hầm thì phải chuẩn bị đủ ánh sáng, đồng thời phải có bình dưỡng khí mới có thể đi vào bên trong.

Theo chân anh Vượng chúng tôi bắt đầu thám hiểm đường hầm. Trang bị mang theo lúc này là hai ngọn nến, một chiếc đèn pin và cả đèn của chiếc điện thoại di động. Dò dẫm từ cửa hầm, sau khi leo hết khoảng gần 50 bậc thang sâu xuống lòng đất ước chừng 20-30m, đường hầm bắt đầu mở rộng nền hầm khá bằng phẳng. Tuy nhiên, tầm quan sát bắt đầu bị hạn chế bởi chiều cao của đường hầm ngày một thấp, ánh sáng yếu nên chỉ có thể nhìn trong phạm vi 1m. Đưa đèn pin sát mặt đất, thấy dưới nền đường hầm gạch vỡ ngổn ngang và bùn nhão nhoét, dọc theo trần đường hầm xuất hiện khá nhiều nhũ đá có hình thù khá đẹp mắt.

Sau gần một giờ đồng hồ dò dẫm đi sâu vào trong, chúng tôi bắt gặp những khoảng sụt lở lớn chặn ngay lối đi, vòm uốn của trần hầm sụt xuống để lại những khoảng đất đá lởm chởm trên đầu khá nguy hiểm. Ở những ngã rẽ rộng và tối hun hút khiến cho cảm giác như đang lọt vào một mê cung. Không khí ngày càng ngột ngạt và khó thở. Do đường hầm quá hẹp, nhiều ngã rẽ và không đủ dưỡng khí chúng tôi đã quyết định dừng việc "thám hiểm" và quay ra.

Cửa hầm

Anh Vượng nhớ lại ngày còn nhỏ, anh và nhiều bạn cùng trang lứa vẫn chui xuống đường hầm này chơi. Theo ước tính của anh đường hầm này có chiều dài ước trên 1 km, có ba cửa chính thoát ra sườn núi và có khoảng gần chục ngã rẽ nằm dọc theo 2 bên đường hầm, chỗ rộng nhất có đường kính 6-7m, vẫn còn sót lại những chiếc giường kê dọc hai bên hầm. Một điều kì lạ là khi trời nắng nóng thì trong hầm rất mát và khi trời lạnh trong hầm rất ấm. Tuy nhiên hàng chục năm qua, cửa đường hầm đã bị đất đá tràn từ đỉnh núi xuống bịt kín, thiếu không khí nên việc đi sâu vào hầm là khá mạo hiểm.

...và bị lãng quên?
Theo các cụ già  sống tại khu I, thôn Cổ Mễ kể lại: Giai thoại về đường hầm này có liên quan đến nhiều sự tích khác nhau. Có thông tin cho rằng đường hầm là nơi xưa kia chứa quân lương của Nhà Lý do Bà Chúa Kho quản lý để chống lại quân xâm lược nhà Tống trên tuyến phòng thủ sông Như Nguyệt. Lại có thông tin cho rằng đường hầm là nơi khai thác và chứa vàng của quân xâm lược Hán trong thời gian đô hộ nước ta. Sau đó, thực dân Pháp đã cho xây dựng kiên cố để chứa hàng hoá và cho công nhân Nhà máy Giấy Đáp Cầu tránh bom đạn của phát xít Nhật. Trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, nóc đường hầm đã trở thành trận địa pháo phòng không của quân và dân ta. Đường hầm cũng là nơi cứu chữa cho thương binh và là nơi trú ẩn của người dân.

Xuống hầm

Ông Đỗ Văn Xuyên người trông nom Nhà tưởng niệm Bác Hồ trên đồi Cổ Mễ cho biết, bên trong đường hầm này rất nhiều rắn. Nếu vào bên trong mà không có trang thiết bị bảo hộ rất có thể sẽ bị rắn độc cắn.

Một điều khá thú vị, là những năm đế quốc Mỹ đánh phá ác liệt, xung quanh khu vực này phải hứng chịu tới cả trăm quả bom Mỹ thả xuống, nhưng tuyệt nhiên không một quả nào đánh trúng vào núi Kho và cửa đường hầm.

Theo ông Nguyễn Thành Lập, thành viên Ban quan lý khu di tích Đền Bà Chúa Kho: Đường hầm này được quân Pháp xây dựng lại vào những năm 1939-1940 thế kỷ trước, là nơi trú ẩn của quân Pháp trong thế chiến lần II. Vào những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1965- 1968), đường hầm là nơi trú ẩn của quân và dân ta khi đế quốc Mỹ đánh bom phá hoại miền Bắc. Tối đa hầm này có thể chứa được từ 600 -700 người cùng nhu yếu phẩm, lương thực sử dụng trong nhiều tháng. Trải qua nửa thế kỷ bị chìm sâu trong lòng đất, hiện đường hầm đang xuống cấp nghiêm trọng.

Mong muốn lớn nhất của của Ban quản lý di tích và người dân khu I, thôn Cỗ Mễ  là Nhà nước và tỉnh Bắc Ninh sớm quan tâm, đầu tư nâng cấp tôn tạo để bảo tồn đường hầm có giá trị lịch sử, văn hoá nằm trong quần thể di tích Bà Chúa Kho./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên