Buổi sáng định mệnh trên chuyến đò qua sông

Các nạn nhân nhốn nháo chạy qua chạy lại tìm cách thoát thân, một số người nhanh tay chụp được áo phao thì mặc vội vào…  

Những người không có được áo phao thì kêu la thảm thiết. Vài giây sau, chiếc đò bị nghiêng qua một bên rồi chìm nghỉm xuống đáy sông, mở đầu cho một buổi sáng kinh hoàng tại bến đò xã Tam Hải, Núi Thành, Quảng Nam.

“Sao vợ tôi lại chết?!”

Khi chúng tôi đến nhà nạn nhân Thẩm, không khí đau thương trùm khắp căn nhà nhỏ. Nỗi đau khổ khiến anh Võ (chồng nạn nhân) không nói lên lời. Thông qua người thân, chúng tôi được biết: Sáng 21/11, anh Nguyễn Bá Võ chở vợ đi đến bến đò rồi quay về làm việc, nhưng vừa về đến nhà chưa được 20 phút thì anh Võ hốt hoảng nghe tin chiếc đò chở vợ mình đã bị chìm giữa sông.

Bà Nguyễn Thị Thoáng 60 tuổi (mẹ chồng) và bà Đoàn Thị Hiền (53 tuổi, mẹ ruột nạn nhân)

Vội vã, anh Võ trở lại bến đò cùng với người dân trục vớt người bị nạn và tìm kiếm vợ mình. Từng người bị nạn được người dân đưa lên bờ, tuy nhiên bóng dáng của vợ thì chẳng thấy đâu. Một tiếng sau, nhóm thợ lặn xã Tam Hải đã lặn xuống và phát hiện thi thể nạn nhân đang nằm bên cạnh con đò chìm. Khi thấy thi thể vợ mình được đưa lên bờ, anh Võ đã ôm thi hài vợ vật vã khóc cạn nước mắt.

Anh Võ cho biết chị Thẩm vừa thông báo tin vui đã mang thai được hơn 2 tháng với gia đình. Bà Nguyễn Thị Thoáng (60 tuổi, mẹ chồng chị Thẩm) nghẹn ngào cho biết: “Sáng nay nó nói mệt, biết nó mới có thai nên tôi khuyên nó đừng đi làm (chị Thẩm làm công nhân may cho Cty TNHH Như Thành, TT Núi Thành - PV), xin nghỉ ở nhà cho khỏe hôm sau hãy đi. Nhưng nó không muốn bỏ bê công việc mà ăn vội chén cơm sau đó bảo chồng chở ra bến đò để sang sông đi làm. Ai ngờ nó bỏ chồng, bỏ tôi đi không quay lại”. 

Ngồi bên thi thể cháu gái, nước mắt chảy dài, bà Nguyễn Thị Quyết (55 tuổi) mợ của chị Thẩm người thoát chết trên chuyến đò định mệnh kể lại trong nước mắt: “Lúc đò gần chìm, Thẩm lấy hai chiếc áo phao và đưa cho tôi một cái, tôi vừa mặc vào xong thì đò đã chìm luôn xuống dưới nước, rồi cuốn tôi ra xa, nhìn lại, tôi thấy hàng chục người với tay kêu cứu. Lúc đó tôi thấy Thẩm bám theo bà Lê Thị Thái ngoi lên. Bà Thái được người ngư dân vớt được, còn Thẩm do đuối sức mãi mãi nằm lại đáy sông”. 

Theo thông tin chúng tôi có được, khi đò bị chìm, chị Thẩm và bà Lê Thị Thái (48 tuổi, trú thôn 2) bị nước cuốn trôi ra xa nên ôm nhau nổi giữa dòng nước. Tuy nhiên, khi đò của những người tham gia cứu hộ chèo đến nơi thì chỉ vớt được bà Thái, chị Thẩm do đuối sức đã buông tay chìm xuống sông. Khi nhóm thợ lặn lần vào ca bin đò đã phải vất vả mới gỡ được đôi tay bám chặt thành ghế, đưa chị Thẩm lên. Tất cả đều bàng hoàng trước cái chết tức tưởi của chị và đứa con đang lớn dần trong bụng. Hầu như không ai cầm được nước mắt. Khám nghiệm pháp y thấy trong bụng chị Thẩm không có nước. Nghĩa là chị tử vong không phải vì ngạt nước. Nhiều người trên chuyến đò chứng kiến kể lại rằng, trong lúc đò chìm dần, chị Thẩm ngồi trong ca bin, được một người trên 1 con tàu đi ngang qua quăng cho chiếc phao, nhưng chị Thẩm gần như hoảng loạn, ôm chặt ghế và chết.  

Sau khi đưa thi thể chị Thẩm về nhà, Bà Nguyễn Thị Thoáng 60 tuổi (mẹ chồng nạn nhân) và bà Đoàn Thị Hiền (53 tuổi, mẹ ruột nạn nhân) đã khóc ngất đi vì đau khổ khi mất con. Anh Võ cứ ôm chặt lấy thi thể người vợ thương yêu mới cưới được hơn hai tháng mà khóc: “Sao vợ tôi lại chết thảm như thế này?!”.

Ngay cạnh bến đò Tam Hải, chúng tôi gặp một người đàn ông tên Nguyễn Văn Thành, nhà ở thôn 3 Tam Hải. Ông Thành kể rằng, ông đưa con gái đến trường, khi hai cha con mua vé xong, gặp mấy người bạn gọi uống cà phê, nên ông ngồi lại đi chuyến sau, chỉ có đứa con gái học lớp 8 xuống đò. Ngồi chưa kịp ấm chỗ, ly cà phê vừa bưng ra chưa kịp uống, từ giữa sông tiếng kêu cứu của hàng chục cánh tay chấp chới.

“Lúc đó tim tui như ngừng đập, như rứa là con tui gặp nạn rồi. Tôi vội lao xuống sông cùng hàng chục người khác và nhiều ghe thuyền ra cứu người bị nạn. Chẳng biết con gái tui ở chỗ mô vì lúc đó hoảng loạn quá, cứ thấy người nào là cứu người đó. Nhưng ơn trời, con gái tui cũng may mắn được cứu sống”, ông Thành kể bằng giọng nói run run, nửa mừng nửa sợ.

Chuyến đò kinh hoàng buổi sáng nơi của biển

Lúc đò xuất bến đò Tam Hải, trên chiếc đò có khoảng 15 đến 20 chiếc mô tô và xe đạp, có rất nhiều học sinh đi học buổi sáng ở Trường THPT Núi Thành và Trường THPT Nguyễn Huệ, cả công nhân và người già. Chiếc xe tải biển số 92C – 01214 chở gần 5 tấn củi gỗ lên sau cùng nên phải đậu phía mũi đò khiến phần mũi trĩu hẳn xuống vì quá tải.

Khi mới lên đò, thấy tàu quá tải nhiều người muốn lên lại bờ nhưng chủ đò không đồng ý. Khi vừa xuất bến, đò bị vô nước nên phải quay lại. Sau khi xếp lại xe máy, thuyền trưởng Thu cho đò xuất bến. Có rất nhiều hành khách trên đò đã tỏ ra bất an, lo lắng nhưng vì đò đã rời bến nên không ai dám phản ứng.

Đoạn sông từ bờ xã Tam Hải sang xã Tam Quang rộng gần 600m. Khi đến giữa sông, đò vô nước phần mũi vì quá nặng nên nhiều người hoảng loạn dẫn đến đò nghiêng hẳn một bên và có dấu hiệu chìm nhưng lái đò tiếp tục tăng tốc cố chạy qua sông. Tuy nhiên đò chỉ đi được thêm một đoạn ngắn nữa rồi chìm hẳn. Nhiều nạn nhân kể lại, lúc chiếc đò chở quá tải chòng chành qua lại, cách bờ khoảng 250m thì bị bất ngờ bị nước sông chảy vào ngập đò, thấy vậy những người đi trên đò nhốn nháo chạy qua chạy lại tìm áo phao để mặc. Nhưng chiếc đò bị nước sông chảy vào chìm rất nhanh.

Khúc sông tang tóc

Bến đò Tam Hải nằm ngay cửa biển Kỳ Hà, mực nước sâu, nhưng cả chủ đò lẫn khách đều rất chủ quan, không ai mặc áo phao khi đi đò. Theo những người dân trong khu vực, chỉ khi có lực lượng chức năng kiểm tra, thì chủ phương tiện mới yêu cầu khách mặc áo phao cẩn thận trước khi rời bến. Các phao cứu sinh cũng chỉ có tác dụng... trang trí, vì nó được buộc chặt trên nóc đò, rất khó cơ động cứu người khi có sự cố xảy ra.

Khi đò bị chìm, mọi người hoảng loạn vì số lượng áo phao đã ít mà còn bị khóa chặt vào thành đò. Người dân địa phương không có thói quen mặc áo phao khi qua sông nên trên đò chỉ trang bị một số phao tròn. Cũng có nghĩa, khi đò bị chìm, các em học sinh bé nhỏ phải tranh phao tròn với người lớn để tìm hy vọng sống sót chứ hoàn toàn không có áo phao mặc sẵn trên người.

Nhiều người thoát chết đã kể lại giây phút kinh hoàng khi họ đối mặt với cái chết giữa dòng nước: “Khi chiếc đò chìm dần, tui cố bơi vào chiếc tàu nào gần đó. Đến chừ vẫn không nghĩ sao mình sống sót. Thật kinh hoàng...” một nạn nhân kể.

Trách nhiệm thuộc về ai?

Trao đổi với các phóng viên, lái đò Bùi Văn Thu khẳng định: Ông kiên quyết không chở ô tô có hàng qua sông, vì qui định cấm. Nhưng không hiểu sao phòng bán vé lại bán vé chở xe ô tô. Ông Thu kiên quyết không chở và bị lái xe hăm doạ, nên buộc ông phải chở...

“Hai chuyến đầu thấy người qua đông quá, nên tui không cho xe ô tô lên đò. Chuyến thứ 3 thấy ít người, lại có vé rồi nên buộc tui phải cho lên. Do xe máy và xe đạp hơn 20 chiếc cùng người ngồi phía trước, nên chiếc ô tô đậu phía đầu mũi đò bị chúi xuống nên quá tải khiến nước tràn vào phần mũi và chìm...”, ông Thu cho biết.

Người dân địa phương cho biết, con đò này là tuyến đường “độc đạo” nối xã đảo Tam Hải với đất liền và phương tiện đi lại của người dân chủ yếu là chiếc đò gỗ hoán đổi từ tàu cá sang và đã khai thác từ hàng chục năm nay. Do bị khai thác tối đa, nên hiện trạng chiếc đò rất cũ kỹ, cộng với hạ tầng giao thông 2 bên đầu bến đò chật hẹp, dốc và không có lực lượng hướng dẫn nên việc đi lại qua của người dân rất mất an toàn. Đã rất nhiều năm, người dân kiến nghị chính quyền địa phương xây dựng, nâng cấp tuyến đò để thuận lợi cho việc đi lại của người dân trong mùa mưa gió. Tuy nhiên hàng chục năm nay, tuyến đò này vẫn vậy.

Trục vớt chiếc xe ô tô bị chìm

Trao đổi với chúng tôi, ông Phan Như Tường, Chủ tịch UBND xã Tam Hải cho biết: Chiếc đò gỗ vừa chìm có công suất 33 CV, hoạt động nhiều năm, hiện đã xuống cấp. Trưởng công an xã Tam Quang (H.Núi Thành, Quảng Nam) thì cho biết: Đơn vị đã ít nhất 3 lần lập biên bản xử lý và yêu cầu lái đò Thu không được đưa chiếc đò này vào chuyên chở ô tô, nhưng ông Thu vẫn bất chấp quy định pháp luật, chở quá tải gây tai nạn nghiêm trọng.

Ông Võ Quang Lâm, Chánh thanh tra Sở GTVT tỉnh Quảng Nam, có mặt tại hiện trường cũng cho hay đã ít nhất 3 lần kiểm tra, nhắc nhở chủ phương tiện, đồng thời thông báo cho chính quyền 2 xã Tam Quang và Tam Hải nhưng vẫn "đâu vào đấy". Cũng theo ông Lâm, tai nạn xảy ra trước hết thuộc về chủ phương tiện, tiếp đến là chính quyền 2 xã thiếu kiên quyết. Trong khi đó, chiếc đò mới đóng công suất 74 CV do UBND tỉnh Quảng Nam và H.Núi Thành đầu tư 2,5 tỷ đồng, giao cho địa phương quản lý sau một tháng hoạt động đã hỏng.

Ông Tường Chủ tịch UBND xã Tam Hải giải thích: Sau khi nhận bàn giao từ đơn vị đóng đò ở TP. Đà Nẵng, chiếc đò mới gặp sự cố máy yếu, sự cố chân vịt nên không thể hoạt động. Khi được hỏi "tại sao chiếc đò gỗ cũ đã xuống cấp nhưng địa phương vẫn cho phép hoạt động?", ông Tường nói do đò mới hỏng nhưng nhu cầu đi lại của người dân cao nên vẫn cho đò cũ hoạt động, dẫn đến hậu quả đáng tiếc!

Ông Trương Văn Cận, Giám đốc Sở GTVT Quảng Nam cho biết: “Vụ chìm đò Tam Hải cho thấy chỉ đạo của địa phương chưa tốt. Chỉ 1 tháng trước, đoàn kiểm tra liên ngành và Ban An toàn giao thông tỉnh đã làm việc với huyện Núi Thành, cảnh báo nhiều lần về nguy cơ không được chở quá khổ, quá tải”.

Chiếc đò bị chìm sáng 21/11 vẫn còn hạn hoạt động đến tháng 12/2011, người lái đò cũng có bằng lái, nhưng sự cố vẫn xảy ra. Theo quy chế, chiếc đò QNA 0379 bị chìm chỉ được phép chở khách, thế nhưng bất chấp quy định, người điều khiển vẫn chở xe tải.

Về vấn đề này, ông Phan Như Tường, Chủ tịch xã Tam Hải cho biết: “Đây là đò thuộc sự quản lý của UBND xã, theo nguyên tắc đò QNA 0379 chở không quá 30 hành khách và không được chở xe tải đi kèm, thế nhưng lái tàu đã không tuân thủ quy định mà chở quá số người và còn kèm theo cả xe tải”. 

Thế nhưng theo lời khai ban đầu của ông Bùi Văn Thu với các ngành chức năng, chính UBND xã Tam Hải chỉ đạo cho ông được phép chở kèm theo xe tải trên mỗi chuyến đò (?). Và điều đáng nói, bến đò Tam Hải chỉ cách UBND xã Tam Hải chỉ hơn 1km, nhưng hằng ngày chiếc đò trên thường xuyên chở ô tô tải qua lại chẳng lẽ UBND xã không biết (?) 

Ông Nguyễn Tiến, Bí thư huyện Núi Thành nhận định: “Chiếc đò đưa người dân qua sông nối xã Tam Hải với đất liền và ngược lại tuyệt đối không được chở tất cả các loại xe ô tô. UBND xã Tam Hải và UBND xã Tam Quang đã làm biên bản cam kết và lái đò cũng đã ký cam kết không chở xe ô tô các loại. Tuy nhiên, chiếc đò bị chìm này đã chở một chiếc xe ô tô tải dẫn đến quá tải bị chìm. Trách nhiệm của các bên liên quan và lái đò sẽ được điều tra, xác minh để xử lý đúng theo pháp luật./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên