Cai nghiện ma túy ở vùng cao Yên Bái

Cắt cơn cho người nghiện không khó, cái khó nhất là làm sao cho họ không tái nghiện trở lại

Chúng tôi đến Trung tâm Chữa bệnh- Giáo dục- Lao động xã hội tỉnh Yên Bái vào một trong những ngày nóng nhất tháng 6. Nắng chang chang như đổ lửa. Nhưng ngoài sân, học viên lớp học nề của người cai nghiện ma túy vẫn miệt mài thao tác. Những bàn tay cầm bay vụng về xúc từng chút vữa trát vào mảng tường xây. Thầy giáo kiên nhẫn với từng học viên: mỗi lần chỉ lấy một ít vữa thôi, miết lần lượt sang phải, sang trái, lên trên, xuống dưới…

Anh Giàng A San, 30 tuổi, người dân tộc Mông ở bản Háng Cơ, xã Púng Luông, huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) cho biết: “Thợ xây người Mông không nhiều. Nên học nghề này là về nhà có thể làm được việc”. Những người Mông ở bản anh thời trước, dùng thuốc phiện như một tập quán dân tộc, khách đến nhà chơi cũng mời hút một bi. Nhưng anh San và một số người trẻ tuổi khác trong bản, trong xã ngày nay lại sử dụng heroin và lệ thuộc vào nó. Nghe chính quyền xã vận động, anh San đã xuống Trung tâm Chữa bệnh GDLĐXH tỉnh cai nghiện và sau khi cắt cơn, được chuyển sang khu C học nghề.

Trung tâm Chữa bệnh GDLĐXH tỉnh Yên Bái thành lập từ năm 1992 với tên ban đầu là Trung tâm cai nghiện và lao động, cho đến năm 2008 mới lấy tên như ngày nay. Trung tâm được chia thành 3 khu: khu A tiếp nhận, phân loại, điều trị cắt cơn; khu B và khu C tổ chức các hoạt động trị liệu phục hồi như giáo dục, lao động trị liệu, hướng nghiệp dạy nghề và tư vấn hội nhập cộng đồng. Khu A và B nằm trên đảo giữa lòng Hồ Thác Bà, còn khu C nằm ở vùng bán đảo. Hiện tại, khu A đang điều trị cắt cơn cho 48 người, khu B tổ chức trị liệu phục hồi cho 129 người, và khu C có 179 người đang học nghề và thực hiện giai đoạn giáo dục lao động. Học viên sau khi điều trị cắt cơn và trị liệu phục hồi sẽ được học tập để có thêm kiến thức về pháp luật, kiến thức về căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS. Đồng thời, họ được học nghề và tham gia lao động xã hội, như học các nghề: nề, may, mộc dân dụng; và tham gia lao động khai thác đá, pha chế, chọn lọc đá… cho Công ty TNHH Thạch Lâm.

Hoàng Văn Thắng

Hỏi chuyện một học viên khác, anh Hoàng Văn Thắng, sinh năm 1985, xã Yên Thế, huyện Lục Yên, chúng tôi được biết, anh Thắng vào Trung tâm lần này là lần thứ hai. Lần 1 cai xong, Thắng ra huyện Móng Cái (Quảng Ninh) làm nghề cửu vạn, gặp bạn bè rủ rê, Thắng lại tái nghiện heroin. Thắng cho biết, nhưng ngày đầu mới cắt cơn, Thắng rất nhớ thuốc. Nhưng sau 2 tháng, Thắng thấy trong người khỏe mạnh lại bình thường. Bây giờ được học nghề thợ nề, Thắng nói sẽ cố gắng bỏ hẳn thuốc, về gây dựng lại cuộc sống.

Anh Nguyễn Lâm Ngọc, giám đốc Trung tâm Chữa bệnh GD-LĐXH, cho biết, Trung tâm hiện đang dùng phác đồ điều trị cắt cơn cho người nghiện là phác đồ An thần kinh. Người nghiện cắt cơn không khó, nhưng cái khó nhất là làm sao khi trở về với cuộc sống đời thường, họ không tái nghiện trở lại.

Anh nguyễn Lâm Ngọc, giám đốc TT

Để làm được điều đó, theo anh Ngọc: “Cần phải có sự tổng hòa các yếu, phải có sự quan tâm của các cấp chính quyền. Bản thân người cai nghiện phải rất nỗ lực, gia đình và cộng đồng cũng phải quan tâm, động viên người cai nghiện duy trì nếp sống, tác phong lành mạnh”.

Thượng tá Thẩm Hữu Tiến, Trưởng phòng Cảnh sát Điều tra Tội phạm về ma túy (PC 17) Công an tỉnh Yên Bái cho biết, hiện nay số người nghiện ma túy trên địa bàn tỉnh là xấp xỉ 2.500. Trong đó, số trong Trung tâm Chữa bệnh GD-LĐXH của tỉnh là 396 người, số trong trại tạm giam-101 người, số ngoài xã hội còn 2.017 người (có hồ sơ kiểm soát). Vấn đề “hậu cai nghiện” rất khó khăn vì môi trường sống chưa thực sự “sạch” ma túy. Ở vùng cao, số người nghiện truyền thống (nghiện hút thuốc phiện-PV) ngày càng giảm, nhưng số người nghiện heroin và ma túy tổng hợp ngày càng tăng và “trẻ hóa”.

Thực hiện Kế hoạch tổng thể phòng chống ma túy đến năm 2010 của tỉnh Yên Bái, trong đó mục tiêu là tăng cường giải quyết người nghiện ma túy, phấn đấu giảm người nghiện và tỷ lệ tái nghiện, Sở Lao động- Thương binh và Xã hội đã tham mưu giúp UBND tỉnh xây dựng và triển khai thực hiện Đề án nâng cao hiệu quả công tác cai nghiện ma túy và thí điểm dạy nghề, tạo việc làm cho người nghiện ma túy sau cai nghiện giai đoạn 2006-2010. Bước đầu Đề án đã được các ngành, địa phương triển khai thực hiện có hiệu quả, góp phần làm giảm số người nghiện, giảm các hậu quả phát sinh từ tệ nạn ma túy.

Ông Nguyễn Văn An, Chi cục trưởng Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội tỉnh, cho rằng, nhìn chung công tác cai nghiện ma túy đã có hiệu quả nhất định, hầu hết số người nghiện ma túy đã cắt cơn, phục hồi sức khỏe. Tuy nhiên công tác quản lý người nghiện và hỗ trợ giải quyết việc làm sau cai còn hạn chế, do vậy tỷ lệ tái nghiện còn cao- khoảng 70%. Ông An nói: “Người đã cai giữ được 1 năm, 2 năm, thậm chí 3-4 năm, vẫn chưa thể khẳng định được là họ không tái nghiện. Người bình thường sống bình thường là bình thường, nhưng người cai nghiện sống được bình thường là điều phi thường!”./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên