"Cậu Cò" chữa bệnh

Chẳng có ai kiểm chứng việc chữa bệnh công hiệu đến đâu, chỉ biết mỗi ngày có hàng trăm người tìm đến để được “cậu” chữa bệnh

Hàng trăm người nằm xếp hàng dọc sân chờ được chữa bệnh bằng phương pháp… giẫm đạp. Hàng trăm người ở xa nghe theo tin đồn lặn lội đường sá xa xôi đến chờ chực cả tuần để mong đến lượt mình được “cậu” để mắt... Không kiểm chứng được có những ai đã khỏi bệnh. Chỉ biết rằng, người người lũ lượt kéo đến, và kẻ được “phong thần” kia ngày một giàu có, nhờ mượn danh thánh thần để kiếm tiền từ những đức tin…

Chữa bệnh bằng… đức tin

Ngôi nhà tầng kiên cố mọc ở phố Cò (thị xã Sông Công, tỉnh Thái Nguyên), một mặt trông ra khu đất trống là cánh đồng. Lâu nay, ngôi nhà nổi tiếng vì một kiểu chữa bệnh kỳ quặc này. Nếu không tận mắt chứng kiến, sẽ không ai tin đó là sự thật: chữa bệnh bằng nước; khám bệnh bằng ống thổi hay xếp hàng nằm dọc sân để đích thân một người được gọi là “thần y” đi một vòng… giẫm đạp.

Mỗi ngày có hàng trăm người đến để mong cậu để mắt tới

Dư luận tố cáo người này có cả một mạng lưới “cộng tác viên” là cánh lái xe đường dài có nhiệm vụ “tìm kiếm khách hàng” và đưa đón đến tận cơ sở. Từ mạng lưới này mà hình thành việc không ai gọi “tên húy” của người này mà chỉ gọi bằng pháp danh “cậu Cò” (gắn với địa danh phố Cò - tổ 12, phường Thắng Lợi, thị xã Sông Công). Theo đồn thổi “Cậu” là một phụ nữ tuổi ngoài 30, nhờ ăn “lộc thánh” nên kiếm tiền như nước, ăn trắng mặc trơn nên người cứ phây phây.

Nhìn bộ dạng thất thểu và lem nhem bụi đường của chúng tôi, ông chủ quán nước ven đường trả lời mà không buồn ngẩng đầu: “Đi tới ngã ba, rẽ vào thị xã Sông Công bên tay trái, đi thêm chừng 500 mét nữa rồi hỏi thăm…”. Rồi ông lắc đầu, không giấu nổi tiếng thở dài thườn thượt…

Trung tâm chữa bệnh của “Cậu Cò” là ngôi nhà kín cổng cao tường, có cây sấu xanh um và bề thế nằm cạnh cánh đồng. Phía trong khoảng sân rộng cả trăm mét được phủ bạt kín, hàng trăm người đủ lứa tuổi đang nằm, ngồi chờ đến lượt, đầu người này kê lên chân người khác.

Một phụ nữ phốp pháp được hai người đàn ông dìu hai bên, giẫm đạp trên người những “con bệnh” đang nằm xếp hàng dọc sân. Phụ nữ thì lột áo ngoài, chỉ mặc chiếc… áo con; đàn ông cởi trần… Người nằm úp, kẻ sấp ngửa.

Thấy vẻ ngơ ngác của chúng tôi, một người ra vẻ hiểu biết chỉ dẫn: phải ra ngoài mua khăn (để lau người trước khi “chữa bệnh”) và làm thủ tục ghi tên, rồi vào đây ngồi chờ! Đó là một “quầy hàng” (cũng nằm trong phạm vi tranh tối tranh sáng của khoảng sân này).

Chúng tôi mua khăn, thả vào chiếc hòm đặt cạnh cửa 10.000 đồng theo “thủ tục” để làm “công đức”, rồi lặng lẽ tìm chỗ vắng ngồi xem “quy trình” khám chữa bệnh của “Cậu Cò”.

Xong một “mẻ” truyền chừng vài ba chục phút, “cậu” lại được hai đệ tử dìu đưa sang hàng tiếp, và vẫn tái diễn cách thức như trên. Cứ xong mỗi “mẻ”, mặt “cậu” đỏ dừ, lử lả và thở dốc. Đệ tử của “cậu” bảo: “Vì tiêu hao nhiều năng lượng nên “cậu” mệt…”./.

Một lúc khá lâu, người phụ nữ phốp pháp đi ra, đằng sau là mấy người hớt hải chạy theo. Một bà cụ túm vạt áo hỏi với: “Cậu, cậu xem bệnh giúp cháu?”. Không nói không rằng, “cậu” đi về phía chiếc bàn kê bên tay phải, hỏi bà cụ chỗ nào đau rồi lấy chiếc ống thổi phù phù vào chỗ bà cụ vừa chỉ. Chừng vài giây, “cậu” ngừng lại rồi phán: “Cháu yên tâm, bệnh của cháu, cậu bắt được rồi…”. Khuôn mặt đang căng thẳng lo lắng của bà cụ giãn ra, sung sướng. Những người tiếp theo, “cậu” cũng vẫn phương pháp dùng “ống thổi” để khám bệnh. “Cậu” thổi vào mông, cổ, gáy, lưng, vai…, đau chỗ nào… thổi chỗ đó.

Những người đã “khám bệnh” xong được hướng dẫn ra phía sân có nhiều người đã nằm… xếp hàng sẵn. Một đám người khác đang thực hiện các động tác xoay cổ tay, cổ chân, chạy tại chỗ. Khi đã xong bài “tập thể dục”, những “đệ tử” của “cậu Cò” rót “nước thánh” đổ vào miệng từng người. Người đau phần lưng thì nằm sấp, đau phía bụng thì nằm ngửa. Các bà, các cô bị bắt cởi hết áo, chỉ cho mặc cái… áo con trước đám đông cả trăm người.

Khi trên sân đám người nằm đã chật cứng theo hàng dọc, “cậu” bắt đầu đi “truyền năng lượng”. Hai đệ tử của “cậu” dìu hai bên. “Cậu” để chân trần, xắn quần quá mắt cá bước lên từng đám người đã nằm sẵn để… “truyền năng lượng”.

Cách “truyền” của cậu không ai dám hỏi, dù ai cũng tò mò. Người được chữa bệnh phải có… lòng tin, nếu mảy may mà “báng bổ”, nghi ngờ cách trị bệnh của cậu (dù chỉ trong suy nghĩ), sẽ mất hiệu nghiệm. “Cậu” đi giẫm đạp lên từng người. Đây được coi là công đoạn truyền “năng lượng mặt trời” từ trong người “cậu” sang người bệnh. Trước đó, thứ nước mà họ uống cũng không phải nước thường. Đó là “nước thánh” đã được truyền “năng lượng mặt trời”.

Đám người nằm theo hàng dọc được “cậu” bước lên như bước từng bậc thang. Miệng hỏi, chân đạp, giẫm. Người bệnh đau chỗ nào, “cậu” giẫm vào chỗ đó. Bà cụ (người vừa chạy theo “cậu“ lúc trước) bị đau lưng, nằm úp trên chiếc chiếu cói, để lưng trần… Khi “cậu” bước lên, cụ ngóc đầu dậy, có lẽ vì đau quá nhưng không dám kêu. Phải như thế, “năng lượng mặt trời” từ “cậu” truyền xuống qua chân mới thấm vào chỗ đau, giải hết chỗ đau đó.

Có mấy người vừa cố nhịn đau, không dám kêu, một tay vừa cố vươn ra kéo quần lên che… mông, “cậu” bực mình dừng lại, mắng, bắt phải kéo xuống. Khi người bệnh thực hiện theo, “cậu” hài lòng ra mặt. “Có thế chứ. Phải hở nửa mông thì mới nhận năng lượng được chứ!”.

Không được mượn thánh thần

Người được gọi là “Thần y phố Cò” tên thật là Phạm Thị Phú, sinh năm 1972, lấy chồng ở Mỏ Chè, thị xã Sông Công. Gần chục năm trước, Phú là chủ hiệu bán cá và nước mắm, sau làm ăn thua lỗ, chẳng hiểu vì lý do gì, Phú quay sang nghề “chữa bệnh”. Công việc chữa bệnh ăn nên làm ra. Căn nhà cũ được phá bỏ để thay vào đó là ngôi nhà tầng kiên cố trên diện tích cả ngàn mét vuông, cách quốc lộ chừng hơn trăm mét, quay ra phía cánh đồng.

"Cậu Cò" bước qua từng người để... truyền năng lượng

Bắt đầu từ những lời đồn thổi rằng “cậu Cò” Phú có khả năng chữa bệnh bằng phương pháp đặc biệt từ "năng lượng mặt trời", đấy là nhờ “cậu” được “ăn lộc” từ hai cái “vong”: một “vong” là người con chết trẻ của Phú, một “vong” là ông cậu Phú nhập vào. Khách chữa bệnh ngày một đông, “cậu” phải tổ chức nhóm đệ tử chừng chục người chung sức, mỗi người một việc: người trông xe, người lo đăng ký, kẻ dìu “cậu” đi chữa bệnh. Nhưng thực ra, đó là nhóm người sẵn sàng đứng ra “dẹp” ai đó định… chống đối hay cản trở việc làm ăn của “cậu”.

“Kho thuốc” của “cậu Cò”, ngoài khăn mặt bán cho người bệnh để lau chùi chỗ đau trước khi “cậu” truyền năng lượng, chủ yếu là những chai nước được đóng vào vỏ chai nhựa, lá chè, trứng gà, lá trầu không… Người bệnh sau khi được “cậu” giẫm, đạp, đều phải mua những thứ này về để “điều trị đồng hành” mới có hiệu quả.

Với số lượng mỗi ngày hàng trăm bệnh nhân đến nhận “năng lượng mặt trời” do “cậu” truyền, chỉ tính con số mỗi người chừng vài chục ngàn đồng bỏ “tự nguyện” vào hòm “công đức”, chưa tính đến tiền “lễ tạ” tùy tâm cho cậu gửi vào phong bì, số tiền mỗi ngày “Cậu Cò” thu được từ việc bán khăn mặt, bán nước thánh cũng đã lên tới vài chục triệu đồng!

Chính quyền địa phương thị xã Sông Công, các lực lượng chức năng đã nhiều lần yêu cầu Phạm Thị Phú ngừng hoạt động. Tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì, trung tâm chữa bệnh này vẫn phát đạt, có lúc “cậu Cò” phải mở thêm một trung tâm nữa ở Mỏ Chè để “giảm tải” người bệnh.

Cách trung tâm chữa bệnh của “cậu Cò” vài trăm mét là Trung tâm Y tế Sông Công. Có chuyện nực cười, thi thoảng, Trung tâm Y tế Sông Công phải tiếp nhận các bệnh nhân từ “lò cậu Phú” chuyển qua, vì nhiều người già yếu không chịu nổi cú giẫm của “cậu Cò” mà… lăn ra ngất xỉu.

Giám đốc Trung tâm Y tế Sông Công, ông Phạm Quang Lưu, cho biết: “Việc chữa bệnh bằng phương pháp giẫm đạp, uống nước, khám bệnh bằng ống thổi… của bà Phạm Thị Phú hoàn toàn phản khoa học!”. Phó Chủ tịch UBND thị xã Sông Công, ông Trần Hoàng Điệp thẳng thắn: “Hoạt động khám chữa bệnh của bà Phạm Thị Phú về mặt quản lý Nhà nước là trái pháp luật. Chính quyền địa phương, UBND thị xã Sông Công, các cơ quan chuyên môn về y tế, công an đã nhiều lần yêu cầu cơ sở khám chữa bệnh trái phép này ngừng hoạt động”.

Điều gây khó khăn cho các cơ quan chức năng là việc năm 2006, Trung tâm Nghiên cứu Tiềm năng con người lên xin phép được nghiên cứu về trường hợp khám chữa bệnh của bà Phạm Thị Phú. Và, việc hành nghề chữa bệnh của “cậu Cò” cũng nhằm mục đích… nghiên cứu khả năng đặc biệt của “cậu”.

Sự việc chưa có hồi kết./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên