Câu... rùa Hồ Gươm

Dạo một vòng quanh hồ, chọn địa điểm thuận lợi, sau đó buông câu và giật. Chỉ mất chưa đầy 5 phút, những chú rùa tội nghiệp đã nằm gọn trong balô của những kẻ câu trộm rùa.

Trong khi chiếc đồng hồ đếm ngược đặt tại đền Bà Kiệu ngày càng nhích gần đến ngày Đại lễ của Thủ đô, thì những hình ảnh này vẫn đang diễn ra hằng ngày quanh Hồ Gươm.

“Cứ đến đây, loại nào cũng có!”

Trong vai người đi mua rùa, 9h sáng ngày 10/11, chúng tôi dừng lại bên hàng hoa quả dầm trước cổng đền Ngọc Sơn để hỏi thăm. Chị Phương, nhà ở phố Lò Sũ, chủ hàng với hơn 30 năm hành nghề trước cổng đền cho chúng tôi biết, tầm này mọi hôm là những đứa trẻ câu rùa đã xuất hiện. Chúng câu rùa vào buổi sáng, đến trưa thì bán rùa ngay ở khu vực cổng đền cho những người khách đi tham quan mua làm quà hoặc mang vào đền để cúng chúng sinh. Chị bảo chúng tôi ngồi đợi đến trưa xem sao.

Chị chủ quán cóc vui chuyện khiến chúng tôi cũng không cảm thấy sốt ruột vì phải chờ đợi. Mấy người thợ ảnh ở gần đó thấy vậy cũng lại gần góp chuyện với chúng tôi. Qua câu chuyện, chúng tôi được biết việc câu rùa này diễn ra từ lâu. Những kẻ câu trộm rùa thường là những cậu nhóc choai choai nhà ở khu vực gần hồ. Với chúng, câu trộm rùa là một thú vui, nhưng mục đích chính là để bán lấy tiền chơi game. Dù có mặt của lực lượng an ninh trật tự xung quanh hồ nhưng chúng vẫn “qua mặt” dễ dàng vì việc câu rùa diễn ra rất nhanh chóng. Một cuộn dây cước, vài chiếc móc câu và chiếc balô trên lưng, chỉ chưa đầy 5 phút, một chú rùa đã có thể nằm gọn trên tay những kẻ câu rùa.

Theo lời của một thợ chụp ảnh quanh hồ thì một ngày, dù tranh thủ, bọn trẻ cũng có thể câu được từ 5 - 7 con rùa. Giá mỗi con to nhỏ tùy loại, nhưng thường dao động từ 20.000 - 50.000đồng/con. Nếu không bán được cho khách trên khu vực hồ, chúng thường mang đến khu vực mua bán rùa ở chợ Bắc Qua (nằm ngay sát chợ Đồng Xuân) để bán. Thấy chúng tôi vẫn băn khoăn đấy có đúng là rùa Hồ Gươm hay không, anh này còn có nhã ý làm người dẫn đường cho chúng tôi đến tận chợ để được “mắt thấy tai nghe” và mua được đúng rùa Hồ Gươm.

Đến trưa, không thấy bóng dáng bọn trẻ câu rùa xuất hiện, chị Phương nhìn chúng tôi vẻ thông cảm và “phán” một câu: “Số chúng mày đen quá, hôm nào chẳng thấy mặt chúng nó. Có lẽ tại hôm nay trời lạnh nên khó câu, bọn trẻ không ra”. Rồi chị niềm nở cho chúng tôi cả số điện thoại, nói có gì sẽ ới ra ngay để mua rùa. Chúng tôi đành ngậm ngùi ra về.

Gần 12 giờ trưa hôm sau (ngày 11/11), nhận được điện thoại của chị Phương, chúng tôi có mặt tại khu vực cổng đền Ngọc Sơn. Dù là buổi trưa nhưng vẫn có rất đông người qua lại và ngồi nghỉ ngơi ở khu vực này. Vừa thấy chúng tôi, chị Phương đã kéo tôi lại gần và chỉ tay về phía cầu Thê Húc: “Chúng nó đợi bọn em từ sáng đấy, sao ra muộn thế!”.

Theo hướng tay của chị, tôi thấy ba thanh niên choai choai đang câu rùa ngay trên cầu Thê Húc. Một đứa buông câu, còn hai đứa kia đứng gần để quan sát. Khi thấy chị Phương vẫy gọi, chúng dừng câu và tiến ra phía cổng đền.

Trước mắt chúng tôi là một thanh niên tên Nam (theo như lời của chị Phương), gầy và đen đúa, mặc bộ quần áo đen bạc phếch, mái tóc một bên ngắn, một bên dài che gần kín nửa khuôn mặt. Và nếu chỉ nhìn mặt thì rất khó đoán tuổi bởi vóc dáng nhỏ nhưng gương mặt đanh và lộ ra vẻ ngông nghênh, trải đời.

Nam dẫn tôi đến một góc khuất cạnh cổng đền. Tại đây, đã có 1 “đồng bọn” của Nam đứng chờ sẵn, rút ra từ trong túi quần một “nắm” rùa với đủ loại cho tôi xem. Theo lời của Nam thì đó là những con rùa tai đỏ, rùa mai xanh. Khi tôi ngỏ ý muốn mua 2 con rùa mai xanh với kích cỡ giống nhau để mang về làm lễ thì Nam buông một câu gọn lỏn: “Đi theo em”.

Rồi Nam dẫn tôi đi một vòng, gần đến nơi thì bảo tôi đứng đợi và đến một giỏ nhựa có nắp đậy đặt ở một gốc cây. Chọn lựa một lúc, Nam mang tới cho tôi đúng loại rùa tôi hỏi mua. Sau một hồi mặc cả, tôi mua được hai con rùa mai xanh với giá 30.000 đồng/2 con. Khi tôi hẹn sẽ quay lại để mua rùa Hồ Gươm gửi vào cho một người bạn trong TP. Hồ Chí Minh, Nam bảo: “Chị cứ ra đây, loại nào cũng có!”.

Khi tôi tỏ vẻ thắc mắc về cái vẻ “học sinh” của Nam, chị Phương phân bua rằng, đây là một nhóm khác, có chừng 3 - 4 đứa, là những đứa trẻ bụi đời, lang thang ở khu vực quanh hồ. Chúng sống nhờ việc xin tiền, đánh giày ở cổng đền, và cả bằng việc câu trộm rùa. Chị bảo, muốn mua của những đứa học sinh nhà ở gần hồ thì sáng mai lại ra đây.

10h sáng ngày 12/11, chúng tôi có mặt trước cổng đền Ngọc Sơn. Bán rùa cho chúng tôi là một đứa trẻ to béo mà chị Phương vẫn gọi là “thằng BeBe”, nhà ở phố Đinh Liệt, học chừng lớp 10 - 11, cũng là một tay câu rùa quen thuộc ở đây. Cùng nhóm với “thằng BeBe” còn có 2 - 3 đứa nữa, cũng chủ yếu có nhà ở khu vực gần hồ Hoàn Kiếm. Lần này, việc mua bán diễn ra lâu hơn, chừng 15 phút và ngay trước khu vực cổng đền Ngọc Sơn. Chúng tôi đặt cả 2 con rùa xuống đất, nâng lên đặt xuống để chọn được con rùa khỏe. “Thằng BeBe” còn giúp chúng tôi phân biệt đâu là rùa đực, rùa cái. Cuối cùng, 2 con rùa tai đỏ được bán với giá 30.000 đồng/2 con. Người đi đường hiếu kỳ dừng lại xem rất đông, nhưng vẫn không có bóng dáng của lực lượng an ninh trật tự đến can thiệp.

Vấn đề muôn thuở?

Trao đổi với PV qua điện thoại, ông Nguyễn Minh Tuấn, Trưởng ban quản lý khu vực hồ Hoàn Kiếm nói: “Vấn đề muôn thuở ấy mà. Các báo, đài cũng đưa nhiều rồi. Ban quản lý cũng làm triệt để rồi, không còn nữa đâu”. Khi chúng tôi tỏ ý vẫn muốn làm việc và trao đổi trực tiếp thì ông Tuấn hẹn sáng hôm sau (13/11).

Sáng 13/11, tiếp chúng tôi tại trụ sở Ban quản lý khu vực hồ Hoàn Kiếm (19 Hàng Khay) là ông Hoàng Anh Thắng, Phó trưởng ban quản lý. Về nạn câu rùa ở Hồ Gươm, ông Thắng khẳng định hiện tượng này đã có từ lâu và vẫn còn tồn tại. Đối tượng câu trộm rùa chủ yếu là một số người dân ở khu vực xung quanh hồ. Ông cho chúng tôi xem bức ảnh ông chụp cảnh câu trộm rùa ngay khu vực trước cổng đền Ngọc Sơn bằng điện thoại di động chiều ngày 12/11. Nhưng khi lực lượng an ninh xuất hiện thì đối tượng câu trộm đã bỏ trốn. Đội an ninh trật tự khu vực hồ Hoàn Kiếm với quân số 50 người, chia thành 3 ca, 4 kíp, làm việc 24/24 giờ, trải đều trên các khu vực quanh hồ nhưng vẫn không thể giải quyết triệt để được vấn đề này, bởi Hồ Gươm là một công viên mở, rất khó khăn trong việc quản lý. Ngoài ra, một khó khăn nữa được ông Thắng nêu ra là ý thức của người dân, đặc biệt là một bộ phận những người dân sống quanh khu vực hồ chưa cao. Trong khi đó, lực lượng an ninh trật tự ở đây chỉ có thể bắt giữ chứ không có thẩm quyền xử lý vi phạm và phải giao cho cơ quan công an. 6 tháng đầu năm 2009, Đội an ninh trật tự khu vực hồ Hoàn Kiếm đã bắt được 29 trường hợp câu trộm rùa, trong đó 24 trường hợp thu được tang vật (cước và mắc câu), 5 trường hợp bắt được người và tang vật giao cho cơ quan công an các phường xử lý (chủ yếu là các phường Tràng Tiền, Lý Thái Tổ, Hàng Bạc, Hàng Trống…). Nhưng sau khi xử lý, nhiều trường hợp vẫn tái phạm.

Sau khi mua rùa, chúng tôi thả chúng trở lại hồ. Những chú rùa may mắn thoát chết nhanh chóng lẩn sâu vào làn nước xanh. Nhưng liệu những con rùa ấy có tránh được chiếc lưỡi câu tử thần của những kẻ câu trộm rùa, nếu hiện tượng câu rùa vẫn diễn ra và không thể có những biện pháp xử lý triệt để?./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên