Chàng họa sĩ đặc biệt

Có 12 ngón tay. Năm 19 tuổi đã có 15 lần bị gãy chân. Chịu ảnh hưởng di chứng của chất độc màu da cam nhưng Tuyên không đầu hàng số phận

Có một chàng trai sinh ra đã có đôi bàn tay 12 ngón. Những tưởng đó là “quái dị”, nhưng suốt 23 năm qua, chính đôi bàn tay ấy đã không những vừa làm thay chức năng của đôi chân giúp anh đi lại mà còn giúp anh vẽ hàng trăm bức tranh tô dẹp cho đời. Chàng trai đó là Phạm Văn Tuyên, sinh viên năm thứ 3, Khoa Hội họa trường Cao đẳng Văn hoá nghệ thuật Việt Bắc.                              

Cậu bé tật nguyền                 

Năm 1987, vợ chồng ông Phạm Văn Sang và bà Phạm Thị Yến (xã Tân Tiến - Huyện Tân Quang-Thị xã Sông Công - Tỉnh Thái Nguyên) sinh cậu con trai thứ 4 trong gia đình và đặt tên là Phạm Văn Tuyên. Ngay từ khi sinh ra, cậu bé có đôi bàn tay 12 ngón “khác người” đã khiến gia đình lo lắng. Song, bé Tuyên vẫn hay ăn, chóng lớn và nhanh nhẹn như bao đứa trẻ khác.

Khi bước sang tuổi thứ hai, Tuyên chập chững tập đi với những cú “lăn chiêng ngã bổng”, gia đình vẫn cho rằng đó là chuyện bình thường khi một đứa bé tập đi, mặc dù ai cũng thấy bé Tuyên ngã nhiều hơn những đứa trẻ khác. Mấy tháng sau, Tuyên vẫn không thể tự đi được mà cứ mỗi lần ngã là một lần bị gãy chân phải đưa vào viện bó bột.

Năm 19 tuổi Tuyên đã bị gãy chân tổng cộng 15 lần, mỗi lần bó bột chân phải nằm viện cả tháng trời.

Suốt khoảng thời gian tuổi thơ của Tuyên gắn liền với bệnh viện. Người làng cũng có kẻ ác miệng bàn ra tán vào rằng: “chắc nhà ấy ăn ở thất đức nên mới có đứa con như vậy”. Bố mẹ Tuyên buồn lắm, lại càng thương con nên bỏ ngoài tai những lời dị nghị mà dồn tâm, dốc sức chăm lo cho con.

Gia đình vốn rất khó khăn lại càng khó khăn hơn vì có người con đau ốm. Mỗi lần Tuyên nhập viện là mỗi lần bố mẹ phải đôn đáo đi vay giật tiền để trang trải. Ông Sang bố Tuyên thời đó đang làm thợ mộc trên Hà Nội, cách nhà hơn 70 km. Một thời gian sau, sức khỏe của ông ngày càng yếu, ông đành phải nghỉ việc về làm ruộng đồi nuôi các con.

Càng lớn, cơ thể Tuyên càng dị thường, đôi chân ngày càng teo. Rồi một khối u ngày càng lớn xuất hiện trên lưng khiến Tuyên không thể ngồi thẳng được. Cái lưng gù hiện rõ khi Tuyên tròn 10 tuổi.

Đến năm 1999, ông Sang có giấy gọi đi khám sức khỏe cùng những cựu chiến binh chống Mỹ khác. Bác sĩ kết luận ông bị nhiễm chất độc màu da cam. Tuyên cũng được đi kiểm tra và xác định bị nhiễm chất độc này từ bố. Từ đó, nỗi oan “ăn ở thất đức” của gia đình ông Sang đã được xóa bỏ trong định kiến của dân làng. Tuyên bớt đi mặc cảm về bản thân và càng nghị lực vươn lên trong học tập.

Mặc dù bệnh tật liên miên, cơ thể thì dị thường nhưng ước mơ được cắp sách đến trường học tập để trở thành người có ích càng thôi thúc Tuyên cố gắng hơn nữa, đặc biệt là khát vọng trở thành họa sĩ.

Mẹ Tuyên, bà Yến suốt 12 năm ròng đã chở con đến trường trên chiếc xe đạp cũ. 12 năm Tuyên đều đạt danh hiệu học sinh giỏi. Thành tích ấy đã khiến ông bà Sang tự hào, thêm niềm tin vào nghị lực của đứa con trai tật nguyền. Tốt nghiệp phổ thong, Tuyên thi đỗ vào Khoa Hội họa, trường Cao đẳng Văn hoá nghệ thuật Việt Bắc (năm 2007).   

“Vẽ tranh là sự sống của tôi…” 

Tuyên nói như thế về động lực giúp anh vượt qua mọi khó khăn để hàng ngày có thể miệt mài sáng tác bên giá vẽ.

Nhớ lại những ngày đầu nhập học, Tuyên kể: “Nhiều khó khăn hơn mình tưởng. Cái gì cũng cần tiền mà gia đình thì nghèo. Ở nhà còn được bố mẹ, anh chị phụ giúp trong sinh hoạt. Nay đến trường cứ lặc lè đôi nạng đến lớp, về nhà thì đôi tay thay chân để đi lại…” Nhưng không vì thế mà Tuyên chờ trông vào sự giúp đỡ của mọi người. Tuyên quyết tâm ở một mình để rèn luyện. Tuyên không thể đứng trước giá vẽ như các bạn mà phải ngồi trên ghế vẽ. Việc đi thực tế cũng gặp nhiều hạn chế.

Thích vẽ từ năm lên 4 tuổi, lớn lên thi được vào ngành mà mình lựa chọn, đó là cố gắng đáng kể của Tuyên. Ba năm qua miệt mài bên giá vẽ, Tuyên đã cho ra đời hàng trăm bức tranh được thày cô và các bạn đánh giá cao. Tuyên cũng đã bắt đầu có thể sống được bằng nghề vẽ của mình.

Với Tuyên, “nghệ thuật là vô giá, nhưng tình người còn quý hơn”. Chính vì thế, Tuyên sẵn sàng tặng những người bạn tranh của mình.  Tuyên tâm sự: “Nghệ thuật là cái đẹp. Tôi mới chỉ đang chập chững học đi sưu tầm cái đẹp của đời và để cho đời”.

Tôi chợt nghĩ, bản thân nghị lực sống của Tuyên đã là cái đẹp và hình ảnh của Tuyên xứng đáng là một bức họa đẹp giữa cuộc đời này./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên